1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

“Mẹo” thuyết phục sếp cho bạn làm việc ở nhà

(Dân trí) - Thực tế đã chứng minh, trong điều kiện công nghệ phát triển như hiện nay, làm việc ở nhà đôi khi đem lại hiệu quả cao hơn đến cơ quan. Tuy nhiên, không phải vị sếp nào cũng có cách nhìn nhận vấn đề “thoáng” như vậy.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Điển hình là Giám đốc điều hành (CEO) Marissa Mayer của tập đoàn công nghệ Yahoo. Đầu năm nay, bà Mayer gây xôn xao khi ra quy định không cho phép bất kỳ một nhân viên Yahoo nào được làm việc tại nhà. CEO nữ của Yahoo tin rằng, những ý tưởng tốt nhất chỉ có thể đạt được khi các nhân viên cùng làm việc ở cơ quan và phối hợp với nhau.

Nhưng theo nhiều chuyên gia, trong đó có ông Scott Endinger, nhà sáng lập công ty tư vấn Edinger Consulting Group, chính những nhân viên làm việc từ xa mới là những người gắn bó nhất với công việc.

Trao đổi với trang Business Insider, ông Endinger nói: “Một người không nhất thiết phải ở trong môi trường công sở thì mới gắn bó cao với công việc. Người ta đã chứng minh được là những người làm việc bên ngoài văn phòng lại là những gắn bó với công việc hơn cả”.

“Tôi cho rằng, Yahoo đã sai lầm khi đưa ra quy định không cho nhân viên làm việc ở nhà. Yahoo không tập trung vào vấn đề kết quả của công việc mà chỉ để ý tới cách thức làm việc”, ông Endinger nhận xét.

Rất có thể, bạn là một nhân viên muốn làm việc ở nhà nhưng chưa biết làm thế nào để thuyết phục được sếp. Những bí quyết dưới đây có thể giúp ích cho bạn:

1. Trước hết, bạn cần đánh giá xem làm việc ở nhà có phải là một con đường phù hợp cho bạn hay không

Làm việc ở nhà không phải là cách phù hợp với tất cả mọi người. Một số người thực sự có động lực cá nhân lớn, trong khi những người khác cần phải ở trong một môi trường làm việc truyền thống mới có động lực để hoàn thành nhiệm vụ.

“Nếu bạn làm việc ở nhà, mối nguy thực sự là cuộc sống thường nhật khiến bạn xao nhãng công việc”, ông Edinger nói. “Tất cả những công việc lặt vặt trong nhà phải làm luôn thường trực xung quanh bạn. Trong khi đó, ở văn phòng, bạn có thể thực hiện vài cuộc điện thoại cá nhân, nhưng phần lớn thời gian, bạn bị công việc ràng buộc bởi xung quanh bạn chỉ toàn việc là việc”.

Theo ông Edinger, nói vậy không có nghĩa làm việc ở văn phòng là hoàn toàn không bị xao nhãng. Nhưng xét cho cùng, bạn phải là người tạo động lực cho chính bản thân mình và có sự trao đổi thông tin liên tục với các đồng nghiệp trong cùng ê kíp cho dù bạn có đến cơ quan làm việc hay làm ở nhà.

2. Trao đổi với sếp của bạn rằng, bạn sẽ đạt kết quả công việc tốt hơn nếu được cho phép làm việc ở nhà

Sau khi đã chắc chắn là làm việc ở nhà sẽ là một giải pháp hiệu quả hơn cho bạn, việc cần làm tiếp theo là thuyết phục sếp của bạn về điều đó. Tâm điểm của bất kỳ cuộc trao đổi nào giữa bạn với sếp về chuyện này nên đặt kết quả công việc lên trên cách thức làm việc.

Theo ông Edinger, có một sự hiểu lầm khá phổ biến mà các nhà quản lý mắc phải. Đó là, nhân viên của họ được thuê để làm việc. Nhưng trên thực tế, nhân viên được thuê để đạt kết quả công việc.

“Hành động và phương pháp chỉ là những công cụ để đạt được mục tiêu cuối cùng là kết quả công việc”, ông Edinger nói. “Cho dù bạn mất 10 hay 12 tiếng đồng hồ để làm cũng không quan trọng. Vấn đề quan trọng là bạn phải đạt được kết quả cần thiết cho công việc bạn được giao”.

Điều đó có nghĩa là, với tư cách một nhân viên, bạn cần chứng tỏ cho sếp thấy bạn sẽ hoàn thành được thêm được nhiều nhiệm vụ, đạt kết quả tốt hơn, và thúc đẩy tiến trình của những phần việc quan trọng nếu sếp cho bạn làm việc ở nhà.

“Nếu nhân viên làm việc năng suất hơn trong môi trường của riêng họ và có thể tạo ra những kết quả tốt hơn, thì điều đó là lợi ích của tổ chức”, ông Edinger nói.

Nhưng có một vấn đề nữa cần phải nhắc lại: làm việc ở nhà không phải là tốt cho tất cả mọi người. Bạn cần tự tạo ra động lực cho bản thân nếu muốn làm việc năng suất và hiệu quả khi không ở trong môi trường công sở.

3. Duy trì năng suất làm việc khi làm ở nhà

Sau khi đã thuyết phục được sếp cho bạn làm việc ở nhà, bạn nên áp dụng những gợi ý dưới đây để đảm bảo những ưu tiên của mình không bị nhanh chóng “trôi tuột”.

Theo ông Edinger, trước hết, bạn cần phải dành ra một khu vực riêng chỉ để làm việc. Nếu bạn làm việc trong phòng khách, rất có thể bạn sẽ bị phân tâm bởi TV, tủ lạnh và những thứ sẵn sàng phục vụ nhu cầu “ăn, ngủ, nghỉ” khác của bạn. Bởi vậy, hãy cố gắng thoát khỏi những “cám dỗ” đó bằng một không gian làm việc riêng mà ở đó, bạn sẽ dành toàn tâm toàn ý cho công việc.

“Tôi biết nhiều người thành công làm việc trong căn hộ chỉ có 1 phòng ngủ. Nhưng họ biết dành ra một khoảng riêng để tạo góc làm việc”, ông Edinger nói. “Đó là yếu tố quan trọng nhất”.

Một yếu tố quan trọng khác là bạn cần đặt ra lịch trình hoàn thành các phần việc khác nhau và sử dụng các công cụ nhắc việc để tránh bị quên. Khi làm việc ở nhà, mỗi ngày bạn nên hoàn thành những việc khó trước, việc dễ sau. Ở công sở cũng vậy, nhưng theo ông Edinger, nếu bạn làm việc ở nhà thì điều này càng quan trọng hơn.

Phương Anh
Theo Business Insider