“Máy soi” nơi công sở
Kim tự cho mình cái quyền được soi mói, hoạnh họe người khác, như thể nếu không có cô, mọi việc sẽ đảo lộn hết cả…
Đầu giờ buổi sáng, Kim sẽ đi tất cả các phòng, mở cửa, ngó nghiêng một lượt, rồi cái mồm liến láu chê cái máy này đặt không ngay ngắn, chỗ kia cần quét dọn lại…
Buổi trưa, đến giờ cơm, Kim rung chuông ầm ĩ, ai chậm chân, Kim nhắc ngay: “Đến giờ thì tự giác mà xuống ăn, đừng để phải mời nhiều…”. Mà công việc, đâu phải đúng lúc đó là nghỉ tay được, có những cuộc điện thoại từ cuối trưa sang chiều.
Kim là cháu bà Phó tổng giám đốc, một người giàu có, uy quyền hơn cả Tổng giám đốc. Kim cũng có cái tính thích oai, là nhân viên phòng hành chính nhân sự, nhưng do “chỉ thị” của bà cô làm Phó tổng, Kim kiêm luôn việc quán xuyến nhân viên.
Tuy nhiên, thay vì lặng lẽ quan sát và tế nhị nhắc nhở đồng nghiệp, Kim lại giống hệt một cái “máy soi”, soi xét hết việc này đến việc khác, không kể những công việc đó có thuộc quyền hạn của mình không, mình có chuyên môn để thẩm định không… Lâu dần, thành thói quen. Ví như một ngày Kim không nhắc nhở, soi xét người khác, cô không chịu nổi.
Kim cầm chìa khóa cửa ra vào, khóa nhà để xe, nhưng cứ đúng sít giờ thì cô đến: “Làm gì mà phải đến sớm, mình không ăn bớt giờ của công ty là được”. Tuy thế, những ngày mưa, ngày nắng, ngày tắc đường, ngày Kim thấy “trong người không khỏe”, Kim đi muộn về sớm, mọi người cứ thế mà theo…
Có lần, bà Phó tổng có việc quan trọng, Kim phải tháp tùng, vì lo quá giờ, không có người khóa cửa, Kim gọi lên hết các phòng ban: “Công ty có việc quan trọng, các phòng ban thu xếp nghỉ luôn nhé, 5 phút nữa là tôi khóa cửa…”. Vậy là, tất cả, dù đang dở việc gì, cũng lục tục, gói ghém, thu xếp để về…
Kim nhàn rỗi, không phải làm công văn, giấy tờ, không phải chạy chỗ nọ, chỗ kia, bởi ở mỗi phòng ban, trưởng ban đã lên lịch, quán xuyến cho công việc vào guồng hết, có chăng, Kim chỉ đóng vài cái dấu một ngày, và cuối tháng chấm công chuyển lên kế toán tính lương…
Kim online suốt ngày để chát chít và chơi game, cô lý luận: “Cứ làm đủ phần việc của mình là được”, vì vậy nhiều người biết Kim chơi trong giờ làm việc nhưng chẳng ai ý kiến gì.
Nghe đâu, trước Kim cũng học Sư phạm ngoại ngữ, sau học thêm bằng Kinh tế. Ra trường, do nghĩ mình “cành cao” nên Kim đỏng đảnh chê hết chỗ này, chỗ kia, sau mới về chỗ này, làm cho công ty của bà cô…
Lúc nào Kim cũng nghĩ mình giỏi: “Chẳng qua, nể cô mà về đây, chứ làm ăn chẳng chuyên nghiệp thế này, làm sao giữ nổi chân Kim…”.
Không biết trong đầu Kim toan tính, mơ mộng những gì, nhưng ngày ngày thời gian cứ trôi qua trong những cuộc chát chít và những trò game “đào vàng”, “làm nông dân”…, với Kim, thật là phí hoài.
Eva