Mất mạng, trắng tay vì lao động chui

Phải nộp hàng triệu đồng để được sang Trung Quốc làm việc trái phép nhưng nhiều người đã lâm vào cảnh trắng tay, thậm chí bỏ mạng.

Thời gian gần đây, trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa xuất hiện nhiều đường dây đưa người sang Trung Quốc làm việc trái phép.

 

Tiền mất, tật mang

 

Trở về từ Trung Quốc được gần 1 tháng nhưng nỗi kinh hoàng từ những ngày làm việc chui và bị bắt giam tại nước này vẫn ám ảnh anh Hoàng Danh Hậu (SN 1995, ngụ xóm 4, xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An).

 

Anh Hậu cho biết lúc đi, những đối tượng trong đường dây lao động chui hứa sẽ có công việc ổn định, lương từ 7-10 triệu đồng/tháng. “Ai ngờ, sang đến nơi phải làm việc vất vả tại một công ty giày da hơn 2 tháng mà chưa có lương, sau đó lại bị cảnh sát bắt, nhốt hơn 2 tháng, phạt mỗi người 5 triệu đồng rồi mới thả về” - anh Hậu kể.

 

Cùng cảnh ngộ với anh Hậu là 7 lao động khác đều quê ở xã Lăng Thành. Để được sang Trung Quốc làm việc, họ phải đóng cho Nguyễn Thị Thìn (SN 1975, ngụ xã Lăng Thành) 6 triệu đồng/người nhưng khi đến nơi thì bị cảnh sát bắt giam về tội nhập cư trái phép. “Chúng tôi bị nhốt 66 ngày, nộp phạt 5 triệu đồng/người rồi mới được thả. Lúc mới bị bắt, tôi lo lắm vì nghĩ không bao giờ về quê được...” - anh Nguyễn Bá Nhung (ngụ xóm 4, xã Lăng Thành) cho biết.

 

Anh Hoàng Danh Hậu (trái), ngụ xã Lăng Thành, huyện Yên Thành,
Anh Hoàng Danh Hậu (trái), ngụ xã Lăng Thành, huyện Yên Thành,

tỉnh Nghệ An, chưa hết bàng hoàng vì bị bắt giam rồi được thả về từ Trung Quốc

 

Tại tỉnh Hà Tĩnh, do tin vào những lời hứa hẹn sẽ có công việc ổn định, lương cao nên nhiều người ở các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà... đã nộp tiền cho một số đối tượng để được sang Trung Quốc làm việc. Tuy nhiên, khi vượt biên sang Trung Quốc, nhiều lao động cũng không có việc làm, bị bỏ đói và bắt giam nhiều tháng. Chị Nguyễn Thị Nhung (ngụ xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh) bức xúc: “Bỏ ra 6 triệu đồng để sang Trung Quốc lao động nhưng mới đi làm được 9 ngày thì cảnh sát bắt và giam giữ đến 3 tháng mới thả về”.

 

Theo tìm hiểu của phóng viên, có nhiều người đã bỏ mạng khi làm việc trái phép ở Trung Quốc. Tại tỉnh Thanh Hóa, trong năm 2012, đã có 5 lao động tử vong khi đang làm việc trái phép ở nước này. Trong đó, các anh Nguyễn Văn Đông (SN 1979), Phạm Văn Mùi (SN 1979) và Bùi Văn Đại (SN 1979) bị mất tích khi đi đánh cá thuê trên biển cho một chủ tàu người Trung Quốc.

 

Triệt phá nhiều đường dây

 

Từ đầu năm 2013 tới nay, lực lượng chức năng các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh liên tục triệt phá nhiều đường dây đưa người đi làm việc trái phép tại Trung Quốc.

 

Ngày 17-3, Công an huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Tuyết (SN 1970, ngụ xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương) về hành vi tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép. Tại cơ quan công an, đối tượng này khai nhận đã đưa 53 người sang Trung Quốc lao động trái phép. Đầu tháng 4-2013, Công an huyện Quảng Xương bắt tạm giam Đỗ Văn Sáu (SN 1969, ngụ xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương) về hành vi tổ chức đưa người sang nước ngoài trái phép.

 

Nguyễn Thị Hạnh (ngụ xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh)
Nguyễn Thị Hạnh (ngụ xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh)

bị bắt giữ vì hành vi tổ chức đưa người đi Trung Quốc lao động trái phép

 

Từng có thời gian lao động tại Trung Quốc nên Sáu đã cấu kết với một số đối tượng người Việt khác về các xã ven biển như Quảng Chính, Quảng Thạch của huyện Quảng Xương và huyện vùng núi Như Xuân thu gom người rồi đưa sang Trung Quốc làm việc trái phép với lời hứa công việc ổn định, lương cao. Chi phí cho mỗi chuyến đi, Sáu thu 5 triệu đồng/người. Trong quá trình đưa 8 người sang Trung Quốc, Sáu bị công an bắt giữ tại thị trấn Quảng Xương.

 

Mới đây nhất là ngày 18/7, tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh), Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ Trần Thị Hạnh (SN 1969, ngụ xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) về hành vi tổ chức đưa người sang nước ngoài trái phép. Qua đấu tranh, Hạnh khai nhận đã đưa 15 người dân tại Hà Tĩnh sang Trung Quốc làm việc trái phép nhằm thu lợi bất chính.

 

Tại Nghệ An, chỉ trong vài tháng đầu năm 2013, Nguyễn Thị Thìn đã thu gom trên 38 lao động ở xã Lăng Thành đưa sang Trung Quốc làm việc trái phép.

 

Đại tá Lê Xuân Điệp, Trưởng Công an huyện Yên Thành, cho biết cơ quan này đã triệu tập các nạn nhân và bà Thìn để lấy lời khai. “Chúng tôi đang khẩn trương điều tra để sớm có kết luận cuối cùng” - ông Điệp nói.

 

Thanh Hóa là tỉnh có rất nhiều người làm việc trái phép tại Trung Quốc. Theo thống kê của các ngành chức năng, tính đến tháng 5-2013, toàn tỉnh có 1.560 lao động làm việc chui tại Trung Quốc, tập trung ở các huyện Hậu Lộc (272 người), Hoằng Hóa (275 người), Quảng Xương (762 người), Tĩnh Gia (63 người) và thị xã Sầm Sơn (188 người).

 

Theo Đức Ngọc

NLĐ