Mất cơ hội sang Hàn Quốc làm việc

Hơn 12.000 lao động đã có hồ sơ dự tuyển và hàng chục ngàn người khác mất cơ hội khi phía Hàn Quốc tạm dừng tuyển lao động Việt Nam.

“Vì số lượng lao động bỏ trốn cao, các biện pháp chống trốn chưa hiệu quả nên phía Hàn Quốc tạm dừng tiếp nhận lao động Việt Nam” - ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết trước quyết định mới đây của Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc.

 

Không tuyển mới

 

Việt Nam hợp tác lao động theo chương trình EPS với Hàn Quốc từ tháng 8/2004 và luôn dẫn đầu về số lượng cung ứng lao động vào nước này trong số 15 quốc gia phái cử lao động.

 

Tuy nhiên, Việt Nam cũng là quốc gia có số lao động bỏ hợp đồng làm việc bất hợp pháp đông nhất: Tính đến tháng 9/2012, trong số hơn 75.000 lao động nước ngoài bỏ trốn ở Hàn Quốc, Việt Nam dẫn đầu với trên 11.000 người.

 

Vì lý do trên, thỏa thuận về hợp tác lao động giữa hai nước lần gần đây nhất hết hiệu lực vào cuối tháng 8/2012 đã không được tái ký.

 

Cũng trong năm 2012, phía Hàn Quốc đã giảm chỉ tiêu hồ sơ dự tuyển của lao động Việt Nam  từ 15.000 hồ sơ xuống còn 6.000 hồ sơ. Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết đến nay, số lao động Việt Nam được tuyển chọn đã đủ chỉ tiêu. Do vậy, từ nay đến cuối năm, Hàn Quốc chỉ ưu tiên tái tuyển dụng lao động trung thành (không đổi chủ sau khi sang Hàn Quốc) và lao động hết hạn hợp đồng về nước đúng hạn chứ không tuyển mới. Đến cuối tháng 9/2012, có trên 560 người thuộc hai đối tượng trên được phía Hàn Quốc tái tuyển dụng.

 

Hàng chục ngàn người chịu thiệt

 

Do ảnh hưởng của quyết định trên, hơn 12.000 người đã có hồ sơ dự tuyển từ cuối năm 2010 đến nay sẽ mất cơ hội dự tuyển sang Hàn Quốc làm việc trong năm 2012. Ngoài ra, từ nay đến cuối năm sẽ không có đợt kiểm tra tiếng Hàn nào được tổ chức.

 

Hiện Bộ LĐ-TB-XH vẫn chưa đưa ra hướng giải quyết quyền lợi cho người lao động tham gia chương trình này. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Hòa, trước mắt, Bộ LĐ-TB-XH sẽ bàn với Trung tâm Lao động ngoài nước về việc gia hạn hồ sơ dự tuyển cho người lao động.

 

Theo đó, hồ sơ dự tuyển (có hiệu lực 1 năm kể từ khi được cung cấp lên mạng cho doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn) có thể được “treo” lại, chuyển sang hạn ngạch năm 2013 hoặc sau đó.

 

Đối với những trường hợp đã được lựa chọn hồ sơ, ký kết hợp đồng thì vẫn xúc tiến thủ tục xuất cảnh sang Hàn Quốc bình thường.

 

Phạt nặng lao động bỏ trốn

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, cho biết tới đây, Bộ LĐ-TB-XH  sẽ triển khai biện pháp mạnh về hành chính, xem xét cấm lao động ở các địa phương có tỉ lệ lao động bỏ trốn cao đi làm việc ở thị trường Hàn Quốc. Ngoài ra, sẽ phối hợp với cơ quan chức năng Hàn Quốc triển khai các biện pháp chế tài, phạt nặng lao động bỏ trốn.

 

Theo Duy Quốc

NLĐ