Mất cả trăm triệu đồng vì tin các "Vip" môi giới việc làm

(Dân trí) - Nhiều đối tượng ở Nghệ An đã dùng "chiêu" giới thiệu là công an ở Cục C45 hay tự lập tài khoản facebook rao tuyển. Cùng với khả năng “khua môi múa mép”, chúng đã dễ dàng lừa được từ người tìm việc hàng trăm triệu đồng.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Ngô Văn Thanh - Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An - nhận định: Thời gian qua, nắm bắt nhu cầu xin việc làm của các người dân, đặc biệt là nhu cầu làm việc ở các cơ quan nhà nước, các đối tượng đã lợi dụng chiếm đoạt số tiền lớn. Thậm chí, nhiều trường hợp với thủ đoạn đơn giản, nhưng người dân vẫn bị mắc bẫy và mất tới hàng trăm triệu đồng.

Có lẽ, chưa bao giờ, lừa đảo xin việc làm lại dễ đến thế!

Tự nổ là người của Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội C45 - Bộ Công an, Nguyễn Xuân Lương chiếm đoạt 779 triệu đồng của các nạn nhân bằng hình thức lừa chạy việc.
Tự "nổ" là người của Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội C45 - Bộ Công an, Nguyễn Xuân Lương chiếm đoạt 779 triệu đồng của các nạn nhân bằng hình thức lừa chạy việc.

Với Nguyễn Xuân Lương (SN 1985, trú tại xã Diễn Thái, Diễn Châu, Nghệ An), nhiều người gặp lần đầu dễ có cảm giác tin tưởng. Chỉ sau vài câu nói, gã có thể khiến người khác móc hầu bao tới hàng trăm triệu đồng.

Nguyễn Xuân Lương chỉ học hết lớp 9 rồi nghỉ, lấy vợ sinh 3 đứa con, không có nghề nghiệp ổn định.

Tuy vậy, Nguyễn Xuân Lương luôn có tiền tiêu rủng rỉnh. Chỉ đến khi bị công an bắt giữ, nhiều người mới biết sự thật. Một người không nghề nghiệp và không học hành đến nơi đến chốn như Nguyễn Xuân Lương nhưng lại dám tự nhận là cán bộ ... Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45 - Bộ Công an), là cháu rể của Phó Chủ tịch tỉnh, có nhiều mối quan hệ.

Và cũng chỉ bằng cái tài khua mối múa mép, Nguyễn Xuân Lương còn khiến các nạn nhân tin sái cổ, trong đó có cả bạn học của mình.

Điều đặc biệt, ngoài lời giới thiệu là người của C45, Nguyễn Xuân Lương chưa bao giờ mặc sắc phục hay bất cứ đồ dùng gì để người khác nhìn vào mà tin là cảnh sát “xịn”. Thế nhưng không hiểu sao, các nạn nhân cứ tin lời Lương răm rắp, nhiều lần đưa tin để gã đi “xin việc” cho.


Nguyễn Văn Dinh lập tài khoản facebook, tự rao tuyển để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người tìm việc.

Nguyễn Văn Dinh lập tài khoản facebook, tự rao tuyển để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người tìm việc.

Tôi hỏi Lương: Chỉ cần giới thiệu là Cảnh sát Cục C45 mà nạn nhân cũng tin hay sao? Gã tỉnh bơ: “Nói vu vơ thế, ai tin thì tin”. Thế mới biết, nạn nhân của gã nhẹ dạ và cả tin đến cỡ nào!

Nhiều người đưa tiền cho Lương để xin vào các vị trí như kế toán ở cơ quan nhà nước, xin vào biên chế ngành công an, thậm chí xin lên chức Phó Hiệu trưởng trường cấp 2.

Từ năm 2013 cho đến khi bị bắt vào tháng 8/2016, Nguyễn Xuân Lương đã lừa đảo, chiếm đoạt của 7 bị hại với số tiền 779,4 triệu đồng. Với tội danh này, Nguyễn Xuân Lương phải lĩnh 8 năm tù, còn các nạn nhân của Lương người thì ôm nợ, người thì ôm hận vì lỡ giao tiền cho kẻ lừa đảo và không biết bao giờ mới đòi lại được.

Trường hợp Nguyễn Văn Dinh (SN 1985, trú tại xã Nghi Phong, Nghi Lộc, Nghệ An) lại có cách thức lừa đảo khác, không cần phải quá tinh vi mà vẫn khiến nạn nhân “đổ” tiền cho gã để kiếm một chỗ làm “ngon” không cần phải thi tuyển nhọc công.

Gã tự lập một tài khoản có tên “vieclamnghean123”, thu hút được sự chú ý của những người đang có nhu cầu xin việc làm. Bằng tài khoản này, gã tự nghĩ ra các vị trí tuyển dụng của các cơ quan nhà nước rồi đăng tải lên một trang mạng xã hội có hàng trăm nghìn thành viên kèm số điện thoại và ngồi chờ con mồi sập bẫy.

Tin lời Dinh, ông T. vay mượn tiền ngân hàng để chạy việc cho con gái để rồi tiền mất, việc làm cũng không có.
Tin lời Dinh, ông T. vay mượn tiền ngân hàng để "chạy việc" cho con gái để rồi tiền mất, việc làm cũng không có.

Các nạn nhân của Dinh cũng chẳng cần xác thực xem các cơ quan đó có nhu cầu tuyển dụng không mà như người chết đuối vớ được cọc, vội vã liên hệ với Dinh để nhờ “chạy việc”. Chỉ cần “bán nước bọt”, tự vẽ ra hào quang quanh mình như có mối quan hệ rộng, quen biết thân tình với các lãnh đạo to, có thể giúp tìm việc...Tất nhiên, việc giúp đỡ không chỉ bằng lời cảm ơn suông.

Không phải thi cử nhọc nhằn, cạnh tranh với hàng chục, thậm chí hàng trăm đối thủ khác, nhiều người chấp nhận bỏ hàng trăm triệu ra để nhờ Dinh “chạy” cho chỗ làm ngon mà không biết đang sập bẫy kẻ lừa đảo.

Ông Trần Xuân T. (trú ở huyện Thanh Chương, Nghệ An) có con gái tốt nghiệp Học viện Ngân hàng nhưng mãi không xin được việc nên nhờ cậy Dinh. Dinh hứa xin cho con gái ông T. vào làm kế toán ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An, chi phí hết 150 triệu đồng. “Toàn bộ số tiền đó tôi đi vay lãi suất ngân hàng để đưa cho Dinh xin việc cho con gái. Giờ việc không có, nợ thì đổ trên đầu”, ông T. cay đắng nói.

Không chỉ có ông T, Nguyễn Văn Dinh còn lừa 5 nạn nhân khác 845 triệu đồng. Sau khi ôm một đống tiền, Dinh bỏ trốn và bị các nạn nhân truy lùng gắt gao.

Biết không thể trốn, gã đi đầu thú và nhận bản án 11 năm tù về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Những trường hợp nhẹ dạ và thiếu hiểu biết để mất hàng trăm triệu đồng như ông T. không phải là hiếm.

Nếu còn muốn dùng tiền để “chạy” việc, người nhẹ dạ sẽ còn nhiều nguy cơ bị sập bẫy các “cò” lừa đảo chạy việc.

“Người lao động nên tìm việc ở các Trung tâm dịch vụ việc làm công”

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Toàn Phong - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho biết, người lao động khi có nhu cầu tìm việc hay chuyển đổi nghề nghiệp nên tìm đến các Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc các Sở LĐ-TB&XH.

“Tại đây, người lao động sẽ được tư vấn thông tin thị trường việc làm, các cơ hội làm việc và học nghề miễn phí. Thông qua các Phiên giao dịch việc làm, người lao động được gặp trực tiếp các nhà tuyển dụng và lựa chọn công việc phù hợp với năng lực. Đặc biệt, những lao động có thể tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp, với những hỗ trợ về tìm việc, học nghề phù hợp…”. H.M ghi

Hoàng Lam

Tin liên quan:

Hà Nội: Sau Tết, nhiều khu công nghiệp tuyển dụng lớn

Sau Tết chừng 15-20 ngày, tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp lớn đã công bố chỉ tiêu tuyển dụng với số lượng lớn. Đây là cơ hội với nhiều lao động có nhu cầu thay đổi việc làm hoặc lao động trẻ mới tốt nghiệp các trường nghề.

Mất cả trăm triệu đồng vì tin các "Vip" môi giới việc làm - 4

Dạo quanh KCN Bắc Thăng Long hoặc Sài Đồng, người lao động dễ dàng bắt gặp các hông báo tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp đặt trước cổng. Tại KCN Bắc Thăng Long, Công ty Canon Việt Nam thông báo tuyển 1.000 lao động nữ, Công ty TNHH Nissei Electric Hà Nội tuyển 400 công nhân sản xuất… Trong khi đó ở KCN Sài Đồng, nhu cầu tuyển dụng cũng rất cao, như Công ty TNHH Ricoh Imaging Products Việt Nam thông báo tuyển gấp 100 công nhân đi làm ngay. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc TT DVVL Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), đây là giải pháp để các doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực sau Tết. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thanh Liễu cũng lưu ý lao động khi tìm việc cần quan tâm ký tới các thông số tiền lương, giờ làm việc, các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội…do doanh nghiệp chi trả.

H.M

5 tỉnh Tây Nguyên: Tạo việc làm cho trên 113.000 lao động mỗi năm

Từ nay đến năm 2020, mỗi năm, các tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng) tạo việc làm mới cho trên 113.000 lao động, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Mất cả trăm triệu đồng vì tin các "Vip" môi giới việc làm - 5

Đây là mục tiêu được Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đặt ra với các tỉnh Tây Nguyên. Mục tiêu này dựa trên cơ sở các tỉnh Tây nguyên đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong, ngoài nước đầu tư thành lập các doanh nghiệp trên địa bàn. Chỉ riêng năm 2016, các tỉnh Tây Nguyên đã có 2.686 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 14,22% so với năm 2015, thu hút hàng chục ngàn lao động vào làm việc tại các đơn vị. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng là những địa phương có số doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhất và đã thu hút được nhiều lao động vào làm việc cho các đơn vị. Về cơ cở dạy nghề, Tây Nguyên với 160 cơ sở dạy nghề đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương trên địa bàn đào tạo, bồi dưỡng nghề cho hàng trăm ngàn lao động vùng nông thôn, nhất là chú trọng đào tạo nghề cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phần lớn các học viên sau khi được đào tạo nghề đã xin được việc làm, hoặc về nhà mở các dịch vụ, tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn trước.

Cũng theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, từ nay đến năm 2020, các tỉnh Tây Nguyên cũng tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nghề cho 680.000 người, trong đó trình độ trung cấp, cao đẳng chiếm 10 – 12%, có 80% lao động nông thôn sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

N.H