1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

"Mặc áo" cho cam mang lại nguồn thu nhập "trong mơ"

(Dân trí) - Làm một cách khoa học, bài bản, từ khâu chọn cây giống, cách trồng, chăm sóc... và đặc biệt là dùng bao chuyên dụng bọc cho cam "ngủ" giúp mang lại thu nhập cao cho người nông dân.

Được sự giúp đỡ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Hội Nông dân huyện, Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Tổng đội Thanh Đức, huyện Thanh Chương (Nghệ An) với 15 hộ gia đình đã trồng trên 100 ha cam theo mô hình tiêu chuẩn cam hữu cơ sạch, năng suất bình quân đạt 25-27 tấn/ha.

Nhờ thực hiện đúng quy trình sản xuất từ các khâu như chọn cây giống, trồng và chăm sóc, bọc, phủ màn cho quả nên diện tích cam cho năng suất cao, thân thiện với môi trường.

Mặc áo cho cam mang lại nguồn thu nhập trong mơ - 1

Thổ nhưỡng, khí hậu xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương, Nghệ An rất phù hợp với sự phát triển của cây cam.

Gia đình anh Hoàng Kim Hưng, xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương là một trong nhiều hộ đầu tư thâm canh cam theo mô hình hữu cơ. Nhờ được đầu tư đúng quy trình kỹ thuật, chăm sóc tốt nên mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

"Toàn bộ diện tích cam được các hộ gia đình trong Hợp tác xã hoàn toàn không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng phân hữu cơ đảm bảo an toàn. Ưu điểm của việc trồng cam theo hướng hữu cơ không chỉ giúp người trồng nâng cao thu nhập mà còn bảo vệ sức khỏe cho người lao động và người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường và tăng độ phì nhiêu cho đất", anh Hoàng Kim Hưng chia sẻ.

Mặc áo cho cam mang lại nguồn thu nhập trong mơ - 2

Mô hình sản xuất thâm canh cam hữu cơ của gia đình anh Trần Điển Vi, xóm Sướn, xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương.

Cũng theo anh Hưng, việc trồng cam không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học nên độ ngọt của cam vừa phải, cam không chín ồ ạt mà kéo dài được thời gian treo quả.

"Thời gian bắt đầu thu hoạch từ tháng 10-11 Âm lịch, riêng giống cam V2 chín muộn tiêu thụ vào dịp Tết", anh Hoàng Kim Hưng chia sẻ thêm.

Anh Trần Điển Vi, xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương trồng 5 ha cam mô hình tiêu chuẩn cam hữu cơ sạch bệnh, cho thu nhập ổn định và tạo điều kiện công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương.

Mặc áo cho cam mang lại nguồn thu nhập trong mơ - 3

Chi phí bọc hoặc phủ màn mỗi quả cam bình quân 1.000 đồng.

"Với 5ha cam hiện nay có năng suất 35-40 tấn, giá tại vườn bán ra từ 30-35 nghìn đồng/kg. Trừ các chi phí, nhân công khoảng hơn 300 triệu đồng, mỗi mùa gia đình thu về khoảng 700-800 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi năm tôi cũng tạo điều kiện công ăn, việc làm cho khoảng 15 người với thu nhập bình quân 3,5-4 triệu đồng/người", anh Vi chia sẻ.

Cũng theo anh Vi, việc trồng cam sạch theo tiêu chuẩn hiện nay hiệu quả nhất là bọc quả. Việc bọc quả sẽ chống côn trùng chích hút, quả phát triển bình thường, chất lượng vẫn đảm bảo.

Mặc áo cho cam mang lại nguồn thu nhập trong mơ - 4

Mặc dù chưa vào vụ chính nhưng màu sắc quả cam đẹp và mọng.

Hiện toàn bộ diện tích cam của địa phương đã được bà con phủ màn và túi bọc. Sản phẩm cam của Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Tổng đội Thanh Đức đều được dán tem truy xuất nguồn gốc, đồng thời đã được UBND tỉnh Nghệ An cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Theo ông Nguyễn Hữu Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương, hiện trên địa bàn xã có 55 hộ trồng cam với diện tích 155 ha. Nguồn thu nhập từ cam hàng năm của địa phương khoảng 15-16 tỷ đồng.

Mặc áo cho cam mang lại nguồn thu nhập trong mơ - 5

Lung linh ánh sáng điện ban đêm trên các đồi cam ở xã Thanh Đức.

Việc trồng cam theo mô hình hữu cơ có bọc quả của Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Tổng đội Thanh Đức là một trong những cách làm hay, hướng đến nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, góp phần tạo ra sản phẩm hàng hóa trên vùng đất Tây Nam của tỉnh Nghệ An.

Mặc áo cho cam mang lại nguồn thu nhập trong mơ - 6

Thời điểm bắt đầu thu hoạch cam từ tháng 9 âm lịch, nhưng thu hoạch rộ là tháng 10-11 âm lịch và kéo dài đến Tết cổ truyền.