1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thu tiền tỷ nhờ mạnh dạn trồng cam trên đất phong hóa

Nguyễn Tú

(Dân trí) - Lợi dụng nguồn đất phong hóa từ lèn núi sẵn có, nhiều hộ dân xã Đồng Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) đã tận dụng nguồn đất này để trồng cam. Sau nhiều năm đã cho thu nhập cao, thay đổi cuộc sống.

Tận dụng nguồn đất phong hóa

Với thu nhập 250-300 triệu đồng/ha, cây cam đã giúp nhiều gia đình ở xã Đồng Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) có thu nhập tiền tỉ hàng năm. Khác với các địa phương, ở đây người dân trồng cam đã tận dụng nguồn đất phong hóa từ lèn núi có chất dinh dưỡng và độ xốp cao. Đây được xem là một cách làm mới trong phát triển cây cam.

Thu tiền tỷ nhờ mạnh dạn trồng cam trên đất phong hóa - 1

Tận dụng đất phong hóa từ lèn núi nên cây cam phát triển tốt cho nhiều quả.

Đến xã Đồng Thành vào những ngày này sẽ dễ dàng bắt gặp những vườn cam lòng vàng, trĩu quả vàng rực trên những sườn đồi. Đây là thời điểm người dân bước vào thu hoạch chính vụ. 

Hộ trồng ít nhất cũng có 5 ha cam, hộ nhiều nhất lên đến hơn chục ha, với giá dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/kg. Cây cam Đồng Thành không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo ở địa phương, mà còn là cây trồng chủ lực giúp nhiều gia đình vươn lên làm giàu trên đất quê hương. 

Thu tiền tỷ nhờ mạnh dạn trồng cam trên đất phong hóa - 2

Dẫn chúng tôi tham quan vườn cam đang bước vào mùa thu hoạch, anh Trương Văn Tiến trú ở xóm 13, xã Đồng Thành kể: "Trước đây, vùng đất này là rừng núi có độ dốc khá cao nên người dân chủ yếu trồng cây lâm nghiệp, một số diện tích thì bỏ hoang. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào cây lâm nghiệp cần chi phí lớn, thiếu đầu ra, giá cả bấp bênh… nên tôi đổi mục đích cây trồng".

Sau thời gian tìm tòi, học tập các mô hình trồng cây ăn trái ở các địa phương lân cận, anh đã chuyển đổi 10 ha đất trồng cây lâm nghiệp bằng 10 ha đất trồng cam với 3.500 gốc. 

Thu tiền tỷ mỗi năm nhờ tận dụng đất phong hóa từ lèn núi.

"Gia đình tôi vốn là người dân vùng biển (Cửa Lò), sau thời gian tìm hiểu bố tôi đã quyết tâm đưa cây cam về vùng đất khó này. Chúng tôi tận dụng mua hàng m3 đất từ lèn đá sẵn có ở địa phương, bên cạnh đó nhờ áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel", anh Tiến cho biết.

Sau hơn một năm, vườn cam của anh Tiến đã bắt đầu cho thu nhập được 1 tỷ đồng. Thấy cây cam phát triển tốt cho nhiều quả và chất lượng nên anh Tiến  bắt đầu tăng số lượng diện tích từ 7 ha lên 10 ha.

Thu tiền tỷ nhờ mạnh dạn trồng cam trên đất phong hóa - 3

Anh Trương Văn Tiến cho biết: "Mỗi năm gia đình thu tiền tỷ nhờ mô hình trồng cam từ đất phong hóa".

"Chuyển mình" trong việc phát triển kinh tế

Theo anh Tiến, trồng cây cam không dễ như nhiều người vẫn nghĩ. Cây cam đòi hỏi vốn đầu tư và chi phí lao động lớn, người trồng cam bên cạnh kinh nghiệm và ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật để cho năng suất cao, còn phải nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, tình hình giá cả thị trường để có được lợi nhuận.

Thu tiền tỷ nhờ mạnh dạn trồng cam trên đất phong hóa - 4

Không chỉ riêng gia đình anh Tiến mà hàng chục hộ dân trồng cam ở xã Đồng Thành đã tận dụng nguồn đất này, cộng thêm phân bón hữu cơ để phát triển cây cam.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch xã Đồng Thành cho biết: "Xã Đồng Thành là một trong những xã miền núi, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Trước đây, trên địa bàn có rất nhiều diện tích bỏ hoang nhưng từ năm 2015 đến nay có hàng chục hộ dân đã  chuyển đổi được 70 ha đất lâm nghiệp sang trồng cam làm thay đổi cuộc sống".

"Hàng năm, các vườn cam còn tạo công ăn việc làm cho 300 - 400 lao động thường xuyên. Trong những năm tới, chính quyền sẽ tiếp tục khuyến khích cho người dân nhân rộng mô hình này để phát triển kinh tế", ông Tuấn cho biết thêm.

Thu tiền tỷ nhờ mạnh dạn trồng cam trên đất phong hóa - 5

Hàng năm tạo công ăn cho hàng trăm lao động địa phương.

Ông Nguyễn Văn Dương, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thành (Nghệ An) cho biết, mô hình trồng cam xã Đoài của người dân xã Đồng Thành là một trong những mô hình đem lại nhiều hiệu quả kinh tế cao.

Từ một vùng đất "khó", hiện nay xã Đồng Thành đã "chuyển mình" trong việc phát triển kinh tế, hằng năm mỗi hộ dân thu từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Mô hình chuyển đổi đất lâm nghiệp, hoang hóa sang cây cam của người dân là một mô hình hay cần được nhân rộng và là hướng đi đúng, phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương.

"Đây cũng là hướng đi mới cho địa phương trong việc tổ chức, sắp xếp lại sản xuất, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững", ông Dương cho biết thêm.