Lý giải tỷ lệ thất nghiệp thấp: Tính theo kiểu Việt Nam
Tỷ lệ thất nghiệp của VN vào loại thấp nhất thế giới trong khi năng suất lao động cũng rơi vào mức thấp nhất châu Á-Thái Bình Dương.
Hiện tại nền kinh tế Việt Nam sản phẩm thô nhiều, làm gia công, lắp ráp nhiều, năng suất thấp
PGS.TS Nguyễn Bá Ngọc, Phó viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, hai vấn đề này không liên quan chặt chẽ với nhau.
Thất nghiệp chưa ra thất nghiệp?
PV: - Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) vừa công bố tỷ lệ thất nghiệp của cả nước trong quý II/2014 là 1,84%, thấp nhất trong 1 năm qua và Việt Nam vẫn nằm trong số quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới. Liệu con số này có phản ánh chính xác thực trạng thị trường lao động hiện nay khi mà theo Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm, cả nước có 47.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong khi có tới 44.500 doanh nghiệp phải giải thể, dừng hoạt động?
PGS.TS Nguyễn Bá Ngọc: - Đây là hai vấn đề khác nhau và hai thời điểm khác nhau. Vừa rồi Bộ LĐ-TB&XH kết hợp cùng Tổng cục Thống kê công bố tỷ lệ thất nghiệp 1,84% trong quý II/2014. Còn con số doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động và thành lập mới kia là trong 8 tháng đầu năm.
Thứ nữa, giữa doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động, doanh nghiệp thành lập mới với tỷ lệ thất nghiệp không phải lúc nào cũng tương đương với nhau, cái này tăng thì cái kia tăng hay cái này tăng thì cái kia giảm.
Ví dụ, số doanh nghiệp giải thể có thể nhiều trong khi số doanh nghiệp thành lập mới có thể ít hơn nhưng quy mô lao động lớn hơn. Chính vì thế, đây là hai vấn đề khác nhau.
Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất. Ví dụ, có một số ngành mở rộng, thu hút tăng thêm lao động như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng. Ngoài ra, số việc làm tạo ra trong quý II/2014 tăng chậm so với các quý trước nhưng do cung lực lượng lao động tăng chậm hơn nên làm giảm áp lực lên tỷ lệ thất nghiệp.
Trong quý II/2014, nguồn lao động đạt 69,3 triệu người, tăng 134 nghìn (0,2%) người so với quý I/2014 và tăng 361 nghìn người (0,5%) so với quý II/2013. Lực lượng lao động đạt 53,7 triệu người, tăng 134 nghìn người so với quý I/2014 (0,25%) và tăng 273 nghìn so với quý II/2013 (0,51%).
Lực lượng lao động thanh niên giảm mạnh (giảm 385 nghìn người (4,84%) so với quý II/2013; trong khi lực lượng cao tuổi tiếp tục tăng nhanh (tăng 203 nghìn người (3,33%) so quý II/2013).
PV: - Cá nhân ông từng chỉ ra thực tế rằng, Việt Nam đang điều tra theo cách khi người lao động có 1 giờ làm việc trước thời điểm điều tra thì cũng được coi là có việc làm. Cách điều tra này liệu có hợp lý? Phải chăng hệ thống điều tra, giám sát, đánh giá của Việt Nam đang có vấn đề?
PGS.TS Nguyễn Bá Ngọc: - Cái này do Tổng cục Thống kê đo chứ không phải Bộ LĐ-TB&XH. Cách điều tra này không phải do Việt Nam tự sáng tác ra. Hiện tại chúng ta đang đánh giá thất nghiệp theo tiêu chuẩn chung của Tổ chức Lao động Quốc tế. Người ta cũng thừa nhận một số quy định như vậy cũng cần phải hoàn thiện. Khi nào thống kê quốc tế hoàn thiện thì Việt Nam cũng sẽ làm theo.
Tổ chức Lao động Quốc tế thừa nhận cách đánh giá trên chưa phù hợp với các nước kiểu như Việt Nam nền nông nghiệp vẫn còn lao động đông. Ở các nước công nghiệp phát triển, làm ra làm, thất nghiệp ra thất nghiệp chứ ở Việt Nam là kiểu thất nghiệp nửa vời, không có việc về vẫn tranh thủ làm cái này cái kia.
Lượng và chất?
PV: - Năng suất lao động tại Việt Nam đang rơi vào mức thấp nhất của châu Á – Thái Bình Dương. Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế, năng suất lao động của người Singapore năm 2013 cao gấp 15 lần năng suất lao động của người Việt Nam. Thậm chí, năng suất lao động của người Việt Nam cũng chỉ bằng 1/5 so với Malaysia và 2/5 so với Thái Lan - hai quốc gia thu nhập trung bình khác thuộc khối ASEAN. Tỷ lệ thất nghiệp thấp trong khi năng suất lao động thấp như vậy, ông lý giải thế nào về điều này?
PGS.TS Nguyễn Bá Ngọc: - Năng suất lao động thấp có nhiều nguyên nhân: nguyên nhân về công nghệ, quản lý, nguyên nhân về trình độ sản xuất... Năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines. Nhưng năng suất lao động và tỷ lệ thất nghiệp không liên quan chặt đến nhau. Tỷ lệ thất nghiệp là nói đến việc làm, còn năng suất cao hay thấp nói đến trình độ của quản lý xã hội, sản xuất xã hội.
PV: - Năng suất lao động thấp đồng nghĩa với việc sức cạnh tranh của thị trường lao động thấp, trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam lại nằm trong số những nước thấp nhất thế giới. Bộ LSĐ-TB&XH có "bí quyết" gì để dung hòa 2 con số này?
PGS.TS Nguyễn Bá Ngọc: - Hai cái này khác nhau. Tỷ lệ thất nghiệp nói đến khía cạnh việc làm có đầy đủ hay không, phát triển theo chiều rộng, còn năng suất lao động nói đến sức cạnh tranh, phát triển theo chiều sâu.
Ví dụ, ở Mỹ, năng suất lao động gấp mấy chục lần Việt Nam nhưng tỷ lệ thất nghiệp lại là 6,5-7%. Một cái nói đến lượng của sản xuất, một cái nói đến chất của sản xuất, hai vấn đề có liên quan đến nhau nhưng không phải cái này thấp thì cái kia phải cao và ngược lại.
PV: - Có ý kiến cho rằng nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế gia công nên giá nhân công mới rẻ như vậy. Ông nghĩ gì về ý kiến này?
PGS.TS Nguyễn Bá Ngọc: - Hiện tại nền kinh tế Việt Nam sản phẩm thô nhiều, làm gia công, lắp ráp nhiều, năng suất thấp dẫn đến tiền lương thấp. Nói như thế đúng, tức là giá trị lao động chưa cao, chất xám chưa nhiều dẫn đến tiền công lao động của Việt Nam rất thấp so với khu vực.
Theo Báo Đất Việt