Lý giải tình trạng thu nhập của lao động ở thành thị gấp 1,43 lần nông thôn
(Dân trí) - Bình quân thu nhập của người lao động 6 tháng đầu năm là 6,5 triệu đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ; khu vực thành thị là 8 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 5,6 triệu đồng/tháng.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa có báo cáo về tình hình thị trường lao động và một số giải pháp trọng tâm nhằm phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập.
Bản báo cáo được thực hiện ngay trước thềm hội nghị Chính phủ về "phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập". Hội nghị sẽ diễn ra sáng mai, 20/8, với quy mô toàn quốc, theo hình thức trực tuyến, từ đầu cầu trụ sở Chính phủ tới tất cả các tỉnh thành.
Theo báo cáo, thị trường lao động Việt Nam trong 7 tháng đầu năm vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng ngày càng giảm dần. Quý I có 16,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị tác động (đã giảm 7,8 triệu lao động so với các Quý IV năm 2021), đến Quý II chỉ còn 8 triệu người chịu ảnh hưởng tiêu cực (giảm 8,9 triệu so với quý trước và giảm 4,8 triệu so với cùng kỳ năm trước).
Tỷ lệ lao động bị mất việc làm trong tổng số lao động bị tác động cũng đã giảm mạnh so với những quý trước. Số lao động bị mất việc làm Quý II còn 0,4 triệu người chỉ chiếm 5,3% , 0,5 triệu người không tìm được việc làm, 2,2 triệu người tạm nghỉ, tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, 2,4 triệu người bị cắt giảm giờ làm, 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập.
Báo cáo cũng chỉ ra nhiều số liệu cho thấy, thị trường lao động Việt Nam đang phục hồi tương đối nhanh với mức tăng khá cả trong lực lượng lao động và việc làm. Chất lượng việc làm được cải thiện, thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm được cải thiện.
Số lượng lao động 6 tháng đầu năm đạt 51,4 triệu người, tăng 400 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động gia tăng mạnh ở khu vực thành thị (19,1 triệu người (chiếm 37,2%), tăng 719 ngàn người so với cùng kỳ năm trước), trong khi giảm ở khu vực nông thôn (giảm 319 nghìn người).
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,3%, tăng 0,6% với Quý IV năm 2021 cho thấy khi dịch bệnh được kiểm soát, người lao động đã dần trở lại tham gia thị trường lao động. Tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ 6 tháng đầu năm 2022 là 26,2% (tăng 0,1%). Trong đó, hơn 50 triệu lao động có việc làm, tăng 417 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là gần 1,1 triệu người, giảm 47,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước;
Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2022 là 55,9%, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước.
Thu nhập bình quân của người lao động 6 tháng đầu năm là 6,5 triệu đồng, tăng 326 nghìn đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,43 lần khu vực nông thôn (8 triệu so với 5,6 triệu đồng).
Theo Bộ LĐ-TB&XH, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động; trình độ và kỹ năng của người lao động vẫn còn nhiều hạn chế so với các nước trên thế giới.
Trong so sánh quốc tế, xếp hạng trụ cột kỹ năng và chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam thuộc nhóm cuối của ASEAN. Nhìn chung, trình độ tay nghề, kỹ năng của lực lượng lao động Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt thiếu kỹ năng mềm.
Việt Nam hiện thiếu đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý giỏi, chuyên gia và quản lý doanh nghiệp giỏi, lao động lành nghề cho các ngành kinh tế mũi nhọn, các vùng kinh tế động lực, trọng điểm. Đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ (KH&CN) còn thiếu và yếu.
Những hạn chế này đã cản trở sự đóng góp của nguồn nhân lực cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Đặc biệt, trình độ lao động thấp thì sẽ rất khó dịch chuyển sang các ngành nghề, công đoạn có giá trị gia tăng cao để tăng năng suất lao động và bắt kịp với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.