Lý do nhiều người thích làm việc tự do, bất chấp tổn hại sức khỏe
(Dân trí) - Nhiều người biết làm việc ngoài trời có hại cho sức khỏe nhưng vẫn chấp nhận để có được công việc tự do về thời gian.
Biết khổ nhưng vẫn làm
Tại chuỗi tọa đàm với chủ đề "Câu chuyện sức khỏe và sinh kế của người lao động ngoài trời tại các đô thị Việt Nam trước các thách thức từ biến đổi khí hậu" tổ chức tại TPHCM ngày 13/12, Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội (SocialLife) công bố báo cáo nghiên cứu mà viện đã thực hiện khảo sát trên 2.400 lao động ngoài trời tại 4 thành phố lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM và Cần Thơ).
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện các cuộc phỏng vấn sâu từng người và thảo luận nhóm tập trung (6-8 người/nhóm) với các đối tượng đa dạng, bao gồm: Người bán hàng rong, thợ xây dựng, người khuân vác và tài xế xe công nghệ.
Các nhà nghiên cứu trực tiếp đồng hành cùng người lao động trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt để cảm nhận thực tế. Họ ngồi bán hàng cùng người lao động dưới cái nắng 40 độ C hay chia sẻ tấm bạt che mưa trong những ngày mưa bão.
PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện SocialLife, cho biết: "Những phát hiện từ nghiên cứu này đã chỉ ra một nghịch lý quan trọng trong chiến lược sinh kế của người lao động ngoài trời".
Theo khảo sát của Viện SocialLife, 22,3% người lao động tham gia khảo sát cho biết có sức khỏe yếu, thường xuyên phải nghỉ làm để trị bệnh.
Họ làm việc ngoài trời nên dễ mắc bệnh. Khi mắc bệnh, họ phải nghỉ làm mà không có chế độ ốm đau nên mất thu nhập. Do sợ mất thu nhập nên họ vẫn cố làm khi mắc bệnh. 65,5% số người được khảo sát cho biết họ vẫn phải tiếp tục làm việc trong điều kiện thời tiết nguy hiểm do áp lực về thu nhập.
Nghịch lý nằm ở chỗ, người lao động biết rõ công việc của họ rất khổ, thiếu an toàn, rủi ro sức khỏe rất cao nhưng họ xem đó là chuyện bình thường, là một phần tất yếu của nghề nghiệp.
Nghiên cứu viên Võ Thị Thúy An cho biết: "Chúng tôi nhận thấy việc làm tự do thường được người lao động xem như một lựa chọn chủ động thay vì bất đắc dĩ".
Lao động nam thường lấy lý do là không thích làm việc tại công ty gò bó về thời gian. Nữ giới thì lấy lý do là ưu tiên công việc linh hoạt để có thời gian chăm sóc gia đình...
Để rồi, khi mắc bệnh, họ lại tìm đến các giải pháp y tế không chính thống như thuốc nam, mẹo vặt được chia sẻ trên Youtube, Tiktok... để tiết kiệm chi phí. Nguyên nhân là nhiều người trong số họ không có bảo hiểm y tế, khó tiếp cận dịch vụ y tế chính thống.
Dùng công nghệ để giảm bớt rủi ro
Theo PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức đáng kể cho các khu vực đô thị ở Việt Nam, đặc biệt là đối với người lao động ngoài trời, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước tác động sức khỏe của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Với người lao động, họ có nhiều lý do để lựa chọn công việc ngoài trời như nghiên cứu ở trên. Do đó, điều cần làm là giảm thiểu rủi ro cho nhóm lao động này. Từ cơ sở trên, nhóm nghiên cứu đề xuất 3 giải pháp.
Thứ nhất, nhóm đề nghị phát triển một đề án bảo hiểm y tế chuyên biệt cho người lao động ngoài trời thông qua các biện pháp xã hội hóa. Mô hình có thể là một cơ chế đóng phí linh hoạt dựa trên thu nhập thực tế, kết hợp với sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức xã hội.
Thứ hai, nhóm nghiên cứu đề xuất phát triển các mô hình chăm sóc sức khỏe cộng đồng phù hợp với đặc thù của người lao động ngoài trời.
Thứ ba, nhóm đề nghị áp dụng phương pháp phát triển cộng đồng trong việc nâng cao năng lực tự chăm sóc sức khỏe cho người lao động.
Với sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu Xã hội Quốc gia Vương Quốc Anh và Wellcome Trust, hiện Viện SocialLife đang nghiên cứu phát triển app (ứng dụng) ICAN để triển khai giải pháp thứ hai và thứ ba.
Theo thạc sĩ Nguyễn Hoàng Mỹ Lan (ĐH KHXH&NV TPHCM), người lao động ngoài trời ở các địa phương khác nhau sẽ chịu tác động của khí hậu, thời tiết khác nhau.
Do đó, ICAN sử dụng công nghệ GIS để đánh giá rủi ro sức khỏe của người lao động dựa vào các thông số về sức gió, nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ bụi... theo thời gian thực tại địa điểm họ đang làm việc.
Khi người lao động sử dụng ICAN và cung cấp thông tin về sức khỏe bản thân, công việc và môi trường làm việc thì ICAN sẽ cung cấp lời cảnh báo càng chính xác, đưa ra lời khuyên người lao động nên làm gì để hạn chế rủi ro.
ICAN còn có chế độ cộng đồng để người tham gia chia sẻ kiến thức bảo vệ sức khỏe, nơi cung cấp bữa ăn miễn phí, nơi khám chữa bệnh gần nơi họ làm việc...
TS Vũ Xuân Đán, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, đánh giá cao ứng dụng này. Theo ông, trong lĩnh vực y tế dự phòng thì điều quan trọng nhất là nhận diện được mối nguy.
TS Vũ Xuân Đán cho rằng: "Không phải họ không quan tâm đến sức khỏe mà họ bị hạn chế về kiến thức và thiếu chi phí. Nếu có ứng dụng như vậy thì họ sẽ biết sớm, cảnh báo sớm và phòng tránh khả năng nguy hại đến sức khỏe của bản thân".
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân TPHCM, đánh giá cao đề xuất bảo hiểm y tế linh hoạt cho người lao động.
Tuy nhiên, ông đề nghị chỉ nên hỗ trợ một phần, hỗ trợ bảo hiểm y tế phải có sự tham gia của người dân và nhà nước để tránh người lao động xem đây không phải việc họ phải làm.