Lý do nghề "nuôi biển" chưa thể hốt bạc
(Dân trí) - Theo chuyên gia, có nhiều vướng mắc, khó khăn đang cản bước nghề nuôi biển "hốt bạc". Đây là lĩnh vực có tiềm năng rất lớn, nếu thuận lợi phát triển sẽ mang đến doanh thu "khủng".
Thiếu đồng bộ và tính chuyên nghiệp
Ngày 28/11, tại buổi "Tổng kết chương trình phát triển kỹ năng cho ngành nuôi biển công nghiệp Việt Nam", GS. TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, cho hay 8 năm qua, ông đã liên tục chỉ ra hàng loạt những khó khăn của doanh nghiệp, cá nhân khi đầu tư vào nuôi biển.
"Khó khăn đầu tiên chính là thiếu quy hoạch. Hiện nay, chưa có quy hoạch cụ thể cho nghề nuôi biển, dẫn đến khó khăn trong việc giao khu vực nuôi lâu dài cho tổ chức và cá nhân.
Tiếp đó, các thủ tục pháp lý về giao khu vực biển còn rườm rà, dẫn đến việc triển khai chậm và chưa hiệu quả. Một ví dụ điển hình là khi người dân chưa được giao biển, hay còn gọi là chưa có "sổ xanh", thì làm sao vay vốn đầu tư được?", ông Dũng nói.
Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam chỉ ra rằng nghề nuôi biển ngày nay còn thiếu tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Ngoài ra, trong nước vẫn còn thiếu các chương trình và tổ chức đào tạo nhân lực nuôi biển.
Ông đánh giá rằng 99,99% mô hình nuôi biển tại Việt Nam là nhỏ lẻ, manh mún với quy mô hộ gia đình. Bên cạnh đó, người dân còn sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người nuôi và cả môi trường.
GS. TS Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh rằng Việt Nam vẫn chưa có thủ tục và cơ quan chịu trách nhiệm đăng kiểm cơ sở nuôi biển, gây thiếu an toàn trong hoạt động. Đồng thời, người nuôi biển cũng chưa được tiếp cận với các chính sách bảo hiểm, làm tăng rủi ro khi có sự cố thiên tai hoặc dịch bệnh.
"Các chính sách hỗ trợ phát triển chưa có, nguồn tín dụng để đầu tư nuôi biển công nghiệp cũng thiếu. Những thách thức này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng và cộng đồng người nuôi để phát triển nghề nuôi biển bền vững và hiện đại", GS. TS Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ.
Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho rằng, chỉ cần giải quyết một trong những vướng mắc trên, tiềm lực nghề nuôi biển mang lại sẽ rất lớn, người dân sẽ ồ ạt đầu tư cho lĩnh vực này.
"Thực tế, ngày nay tổng sản lượng thủy sản của cả nước chỉ đạt khoảng 8 triệu tấn/năm. Nếu phát triển tốt tiềm năng, tháo gỡ được vướng mắc thì với trình độ công nghệ ngày nay, chỉ riêng nuôi cá biển, Việt Nam có thể đạt 10 triệu tấn/năm. Cá biển tươi có thể bán với giá 5 USD/kg, cá chế biến có giá 7-8 USD/kg. Từ đó, nguồn thu của nghề nuôi biển có thể đạt hàng tỷ USD/năm là chuyện bình thường", GS. TS Nguyễn Hữu Dũng nói.
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nuôi biển
Bà Bùi Thị Ninh, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh khu vực TPHCM (VCCI - HCM) cho hay, đơn vị cũng đã có nhiều động thái nhằm góp phần từng bước tháo gỡ một trong những vướng mắc mà chuyên gia đưa ra.
Từ năm 2019, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Liên đoàn Giới chủ Na Uy (NHO), VCCI - HCM đã phối hợp với Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, cùng các chuyên gia trong lĩnh vực nuôi biển, triển khai chương trình phát triển kỹ năng cho ngành.
Sau 5 năm triển khai, chương trình đã xây dựng thành công một bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề và chương trình đào tạo ngắn hạn cho nghề nuôi biển công nghiệp Việt Nam.
Tham gia trực tiếp vào công tác nghiên cứu cho chương trình, ông Nguyễn Quang Việt, Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), cho hay nội dung của bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề sẽ bao gồm quy trình, phương pháp, bộ công cụ và thực tiễn triển khai, là nguồn tham khảo rất tốt cho các trường.
"Các cơ sở đào tạo hiện nay có quyền tự chủ trong việc xây dựng chương trình đào tạo cho nên việc chuẩn hóa, cập nhật chương trình đào tạo phụ thuộc hoàn toàn vào trường và rất cần các nguồn tài liệu tham khảo. Đây là cách tiếp cận vừa định hướng cho tương lai, vừa bám sát thực tế", ông Việt nói.
Ông Hoàng Ngọc Bình, đại diện Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam, cho hay doanh nghiệp của ông chuyên sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá chẽm, với sản lượng hàng năm đạt trên 10.000 tấn.
Đơn vị đang thực hiện dự án nuôi trồng thủy sản thông tin tại khu vực vịnh Vân Phong, với định hướng mở rộng quy mô nuôi biển theo hướng công nghiệp và đưa lồng bè vùng biển hở, xa bờ.
"Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, khoa học công nghệ, một trong những sự chuẩn bị cần thiết trong tương lai là chú trọng vào phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng thực hành tốt, trình độ chuyên môn cao, để có thể đáp ứng được những nhu cầu của thực tiễn. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng nuôi trồng mà còn đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất, bảo vệ môi trường biển", đại diện doanh nghiệp chia sẻ.