Lướt net “nhặt” tiền

Một ngày làm việc của Jing Jing bắt đầu bằng một cái click chuột. Công việc của cô có thể được mường tượng qua những từ ngữ cực kỳ thời thượng như E-commerce (thương mại điện tử), C2C retail (Customer-to-customer - Bán lẻ trực tiếp từ khách hàng đến khách hàng), hay SOHO (Small-Office-Home-Office - Văn phòng nhỏ tại gia).

Tuy nhiên, cách giải thích dễ hiểu nhất cho công việc cụ thể của Jing Jing là cô có một cửa hàng nhỏ trên internet. Mỗi tháng, cô gái Bắc Kinh 25 tuổi này kiếm được khoảng 2.500 tệ từ tiền bán quần áo và mỹ phẩm. Có những tháng làm ăn thuận lợi, cô kiếm được khoảng 8.000 tệ (tương đương 1.000 USD).

Tự do muôn năm

Ý tưởng kinh doanh này đến với Jing Jing vào năm 2003 khi cô tình cờ lạc vào trang web EachNet, một website bán hàng trực tuyến khá lớn của Trung Quốc và gần đây bị eBay mua lại. “Tôi ngay lập tức bị thu hút bởi sự đa dạng của hàng hoá và dịch vụ hết sức tiện lợi ở đó. Với lại, tôi luôn tin tưởng vào gu thẩm mỹ của mình. Thế nên, tôi nghĩ mình nên thử một lần xem sao và tôi đã kiếm được số tiền đủ để chi tiêu cho mình”.

Thủ tục để Jing bắt đầu cũng rất đơn giản. Chỉ cần gửi bản copy chứng minh thư là cô đã có thể đăng ký được “thương hiệu” thời trang của mình - “Metro Cool Fashion”. Việc buôn bán quần áo kiếm được nhiều tiền hơn Jing Jing dự đoán. Và thế là, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh doanh và công nghệ Bắc Kinh ngành truyền thông đại chúng, Jing Jing quyết định chọn công việc buôn bán trên mạng làm công việc chính của mình.

“Bố mẹ và bạn bè tôi đều cho rằng tôi thật điên rồ khi bỏ nghề làm báo để kinh doanh. Tôi cũng biết là với tấm bằng của mình, sẽ không quá khó khăn để có thể tìm được một công việc. Vấn đề là, tôi thích cuộc sống tự do, tung tẩy. Nếu tôi có thể kiếm sống mà vẫn làm chủ cuộc đời mình thì tại sao tôi lại phải đi làm thuê cho người khác trong khi vẫn chỉ kiếm được ngần đấy tiền, thậm chí ít hơn?!”.

Ý tưởng của Jing Jing hiệu quả bởi nó tồn tại trong một môi trường kinh doanh ảo. Chẳng hạn, cô không cần nhiều vốn để bắt đầu, ngoài ra, công việc kinh doanh bắt đầu từ việc làm thêm với quy mô nhỏ: bán lại những thứ quần áo mà cô không cần nữa.

“Tôi không phải chuyên gia kinh doanh. Nhưng tôi có cái đầu cho việc đó. Và hiện giờ, tôi đã chứng minh chỉ cần có thế để điều hành một cửa hàng nho nhỏ trên internet”.

Cơ hội không của riêng ai

Tuy nhiên, trên thực tế, “bắt đầu khởi nghiệp nói dễ hơn làm” - Ren Fengxian, giám đốc văn phòng sinh viên Đại học Kinh doanh và công nghệ Bắc Kinh nhận xét - “Nó không phải con đường trải đầy hoa hồng như nhiều sinh viên vẫn tưởng tượng khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường. Họ sẽ phải đánh đổi và hy sinh rất nhiều thứ cho sự nghiệp của riêng mình”.

Nhiều thành phố như Bắc Kinh hay Quảng Châu còn có chính sách miễn thuế cho những sinh viên khởi sự kinh doanh. Tuy nhiên, “dù có rất nhiều chính sách ưu đãi, rất ít sinh viên tốt nghiệp có thể nắm lấy cơ hội và thu hút đầu tư, chủ yếu là do họ thiếu kinh nghiệm” - Ren cho biết.

Trong tổng số gần 3.000 sinh viên tốt nghiệp Đại học Kinh doanh và công nghệ Bắc Kinh năm 2004, chỉ có 2 sinh viên khởi sự kinh doanh thành công.

Một trường hợp kinh doanh thành công trên mạng khác là Wu Yunzhong, tốt nghiệp Đại học miền Trung Trung Quốc, từng thực tập 3 tháng tại Hubei Daily.

“Chỉ là nhân viên thực tập nên lương chả bõ bèn gì. Tôi lại sống xa gia đình và không muốn là gánh nặng cho bố mẹ”. Thế là, Wu bỏ việc, dành toàn bộ số tiền tiết kiệm 3.000 tệ để mở Light Memory, một cửa hàng bán các đồ quân sự trên trang web Taobao.com. “Với Light Memory, tôi lấy lại được vốn đầu tư ban đầu sau một tháng. Sau đó, tôi mở thêm cửa hàng với các mặt hàng khác. Dịch vụ trên Taobao đều miễn phí nên tôi tiết kiệm được rất nhiều” - Wu cho biết.

Hiện ở Trung Quốc, thị trường kinh doanh online là một lựa chọn lý tưởng cho doanh nhân trẻ nhiều tham vọng mà ngành học của họ không phải kinh doanh hoặc không có vốn như Jing Jing hay Wu Yunzhong.

Theo eBay, EachNet, khoảng 40% cửa hàng online do sinh viên đang học hoặc mới tốt nghiệp như Jing Jing hay Wu Yunzhong, mở ra và điều hành. Năm 2003, công ty này đã tổ chức một cuộc thi thương mại điện tử với sự tham gia của các sinh viên. Họ sẽ có 3 tháng để xem ai là người có doanh thu cao nhất.

Kết quả, tổng doanh thu bán hàng trên site EachNet đạt 6,81 tỉ nhân dân tệ và chàng sinh viên 20 tuổi Hong Qiliang đã giành giải nhất. Chàng sinh viên ở thành phố Thượng Hải này bán mọi thứ có trong tay: từ chiếc thắt lưng giá 5 tệ tới chiếc laptop HP đã qua sử dụng giá 9.000 tệ...

Nếu như có một lúc nào đó, trào lưu các công ty dotcom nóng bỏng này sẽ tan như bong bóng xà phòng thì những người trẻ nhạy bén như Jing Jing cũng chẳng có gì phải hối hận. “Nếu mọi thứ có trở nên ngoài tầm kiểm soát, ngoài những dự định của tôi thì ít nhất tôi cũng đã làm được điều tôi muốn. Tôi vẫn còn trẻ. Tôi chẳng có gì để mất cả” - Jing Jing lạc quan.

Còn các bạn thì sao?

Theo Sài Gòn tiếp thị