Lương trung bình nhóm lao động quản lý đạt 7,77 triệu đồng/người

(Dân trí) - “Chất lượng lao động có bằng cấp tăng nhẹ, chuyển dịch cơ cấu rõ nét hơn. Thu nhập của người lao động tăng khoảng 150.000 đồng/người/tháng. Trong đó, nhóm lao động quản lý có mức thu nhập trung bình cao nhất 7,77 triệu đồng/người”.


Lương của nhóm quản lý (Khối lao động làm công ăn lương) luôn dẫn đầu trong các khảo sát mới đây của Bộ LĐ-TB&XH

Lương của nhóm quản lý (Khối lao động làm công ăn lương) luôn dẫn đầu trong các khảo sát mới đây của Bộ LĐ-TB&XH

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp trao đổi với báo giới tại buổi công bố Bản tin thị trường lao động VN quý 3/2015, chiều 24/12 tại Hà Nội. Mức thu nhập này được đánh giá trong khối lao động làm công ăn lương.

Theo khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH, trong Quý 3/2015, thu nhập bình quân tháng từ việc làm chính thức của lao động làm công hưởng lương là 4,61 triệu đồng, của lao động nam là 4,83 triệu đồng, lao động nữ là 4,3 triệu đồng (bằng 89% so với lao động nam).

Thu nhập bình quân tháng của lao động thành thị là 5,38 triệu đồng, của lao động nông thôn là 4 triệu đồng (bằng 74,3% của lao động thành thị).

“Hội nhập nhanh nhưng lực lượng lao động VN nếu không đáp ứng được yêu cầu thì sẽ là một thách thức lớn” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.

Xét theo nghề, thu nhập bình quân tháng của nhóm “quản lý” cao nhất (7,77 triệu đồng). Tiếp theo là nhóm “chuyên môn bậc cao” (6.590.000 triệu đồng), thấp nhất là nhóm lao động giản đơn (3,16 triệu đồng chỉ bằng 40,7 % nhóm quản lý).

Xét về hình thức sở hữu, Bản tin lao động quý 3/2015 cho thấy: Tỉ lệ lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục có thu nhập bình quân cao nhất (6,16 triệu đồng), khu vực hợp tác xã có mức thu nhập thấp nhất (2,98 triệu đồng, chỉ bằng 48,8% doanh nghiệp nhà nước).

So với Quý 2/2015, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương trong Quý 3/2015 tăng bình quân 147.000 đồng (4,3%), với mức tăng cao hơn ở các nhóm lao động có mức tiền lương thấp.

Lương trung bình nhóm lao động quản lý đạt 7,77 triệu đồng/người - 2

Trong đó, nhóm nghề lao động có kỹ thuật trong nông nghiệp tăng cao nhất (tăng 186.000 đồng), tiếp đến là chuyên môn kỹ thuật bậc trung (tăng 182.000 đồng), thấp nhất là nhóm chuyên môn kỹ thuật bậc cao (tăng 79.000 đồng).

Theo Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ LĐ-TB&XH), lao động nông thôn có mức tăng cao hơn lao động thành thị (tương đương là 165 ngàn đồng và 122 ngàn đồng), lao động nữ có mức tăng cao hơn lao động nam ( tương ứng là 164 ngàn đồng và 136 ngàn đồng).

“Đặc biệt nhóm nữ và LĐ nông thôn có tỉ trọng tăng lương nhanh hơn. Do dòng di chuyển LĐ nông thôn tăng thêm và khoảng cách giới của nam nữ thu hẹp lại. Điều này cho thấy tín hiệu tốt của thị trường lao động. Quý 1/2016 dự báo sẽ có tốc độ tăng cao hơn do lương tối thiểu tăng thêm từ ngày 1/1/2016 và ảnh hưởng của Tết Nguyên Đán” - Nguyễn Thị Lan Hương nói.

Kết quả nghiên cứu của Bản tin còn cho thấy: Những lao động có thu nhập thấp có mức tăng thu nhập cao hơn. Điều này cho thấy sự thu hẹp của thị trường lao động do dịch chuyển lao động tốt hơn.

Vị đại diện Viện KHLĐ khẳng định: “Tổng tiền lương tăng lên và khoảng cách thu hẹp lại. Cho thấy sự điều chỉnh tốt của thị trường lao động”.

Quý 3/2015, thị trường lao động VN có 16,4 % lao động làm công hưởng lương thuộc nhóm thu nhập thấp (dưới 2,73 triệu đồng/tháng). Trong đó, khoảng 37 % lao động có thu nhập thấp làm các nghề giản đơn. Đặc biệt có đến 85 % lao động thu nhập nhập là lao động không có chuyên môn kỹ thuật.

Số người có thu nhập thấp ở nhóm lao động giản đơn có xu hướng giảm mạnh (giảm 61.000 người, 8,89 điểm phần trăm), tuy nhiên ở nhóm thợ thủ công có kỹ thuật lại tăng (28.000 người, tăng 13,1 điểm phần trăm).

Hoàng Mạnh