“Lương” lại bị hụt hơi trước “giá”?
Nghị quyết 27 đề ra mục tiêu: “Từ 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất trong toàn bộ hệ thống chính trị; Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính của cán bộ, công chức, viên chức”.
Như bước đầu hiện thực hóa cho Nghị quyết, kể từ 1/7/2019 tới đây, cán bộ, công chức, người lao động nhận tin vui tăng lương. Tuy nhiên, đi kèm với đó là nỗi lo về việc hàng loạt các mặt hàng thiết yếu sẽ tăng giá theo lương, đáng chú ý là màn “chào giá” ấn tượng của ngành điện lực.
Có thể thấy, tiền lương đóng vai trò rất quan trọng khi nó liên quan trực tiếp tới cân đối vĩ mô, thị trường lao động và người hưởng lương. Vì thế, để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội, tiền lương phải là một động lực chủ yếu để cán bộ, công chức gắn bó với cơ quan nhà nước, tận tụy với công vụ, không cần tham nhũng và không thể tham nhũng.
Nói cách khác, đồng lương cho cán bộ, công chức cần phải đảm bảo đủ để họ có thể duy trì một cuộc sống bình thường, làm điểm tựa theo đuổi những giá trị đích thực với vai trò là nhà quản lý, những “công bộc” đích thực của nhân dân, góp phần vào sự phát triển của đất nước.
Vấn đề ở chỗ: Bao giờ công chức có thể sống được bằng đồng lương? Câu hỏi này đã được đặt ra từ nhiều năm trước, qua nhiều lần cải cách tiền lương nhưng đến nay vẫn để ngỏ, nhất là trong bối cảnh mỗi khi Nhà nước rục rịch tăng lương, thì giá cả thị trường đã ào ào chạy trước và trong những cuộc đua này, lương luôn “hụt hơi”.
Nếu lạm phát không được kiềm chế, giá lương thực, thực phẩm, y tế, các mặt hàng thiết yếu đầu vào như xăng, dầu, điện… tiếp tục tăng (thời gian qua lương thực, thực phẩm tăng từ 130-200%) thì mức thu nhập tối thiểu như hiện nay vẫn là nỗi lo canh cánh của nhiều gia đình công chức, viên chức thời gian tới.
Nói vậy bởi, lương tăng không đủ bù trượt giá nên thực tế thu nhập của người nhận lương ngày càng giảm. Chưa kể, có khi lương chỉ tăng cho một bộ phận người làm công trong bộ máy hành chính nhưng giá cả lợi dụng tăng theo, lại tạo ra những bất ổn cho xã hội. Theo đó, hiệu quả của chính sách cải cách tiền lương lần này chưa chắc đạt được như kỳ vọng.
Mặt khác, câu chuyện về tinh giản biên chế không hiệu quả cũng góp phần đè nặng lên chính sách tiền lương. Tức là, cải cách tiền lương được đưa ra, nhưng số lượng biên chế không những không giảm mà còn phình to ra.
Chúng ta sẽ còn nhắc mãi con số, Nghị quyết số 39-NQ/TW (ngày 17-4-2015) của Bộ Chính trị, mỗi năm ta phải tinh giản 70.000 người. Sau 2 năm thực hiện tinh giảm biên chế, số người hưởng lương, phụ cấp lẽ ra phải tinh giảm là 140.000 người. Nhưng không những không tinh giảm mà số lượng biên chế còn tăng lên 96.000 người.
Mới nhất, theo thống kê gần đây nhất của Bộ Tài chính cho thấy, trong quý 1/2019, ngân sách Nhà nước dành cho chi thường xuyên đạt gần 237.200 tỷ đồng, chiếm 75,1% tổng chi. Và dù đã trải qua 4 lần cải cách nhưng chính sách lương vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đời sống của người dân còn khó khăn.
Trong khi, Nghị quyết 27 đề ra mục tiêu: “Từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất trong toàn bộ hệ thống chính trị; Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính của cán bộ, công chức, viên chức"... Thế nhưng xem ra mục tiêu này còn rất xa vời khi mà công cuộc tinh giản biên chế chưa đạt hiệu quả.
Khách quan mà nói, cán bộ lương thấp, dân chúng đói nghèo thì chẳng hay ho gì. Cũng như việc tiết kiệm, đạm bạc nhưng nghèo khổ từ quan đến dân thì dân cũng chẳng mong. Dân mong muốn trả lương cao cho cán bộ, để cán bộ phục vụ nhân dân được tốt. Cán bộ, công chức làm việc tốt, tạo ra nhiều chính sách hiệu quả, làm ra những sản phẩm xã hội giá trị cao, giúp cho người dân có đời sống no ấm, xây dựng đất nước phồn thịnh, thì lương cao mấy dân cũng hài lòng.
Tiếc rằng, như một thói quen đã tồn tại nhiều năm, lương tối thiểu công chức tăng thì “thời giá” cũng “đu” tăng theo. Thành thử, nói “lương tăng là không tăng cũng đúng”, hoặc nói “trong cuộc đua giữa “lương và giá”, thì “lương” luôn bị hụt hơi trước giá” cũng không sai.
Thế nên, những câu chuyện về cán bộ công chức được gọi là “đi xe cố vấn, mặc áo chuyên gia” nhưng đồng lương “ba cọc, ba đồng” vẫn là câu cửa miệng khi nói về lương công chức. Dẫu sao đi nữa, là người ăn lương nhà nước, mỗi cán bộ công chức phải có trách nhiệm với đất nước, với dân tộc, với đồng bào mình. Càng không thể vì đồng lương eo hẹp, vì cuộc sống khó khăn mà những “công bộc của nhân dân” có thể tự cho mình cái quyền nhũng nhiễu dân.
Theo Sông Hàn/Diễn đàn Doanh nghiệp