Lương 120.000 lao động ngành cao su sụt khoảng 4-5 % vì giá bán hàng giảm

(Dân trí) - Đây là nhận định của bà Tống Thị Minh - Vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) tại buổi công bố thông tin lương, thưởng 2015 với báo chí chiều 19/1 tại Hà Nội. Việc giảm lương là điều chỉnh của ngành nhằm đảm bảo việc làm và sản xuất ổn định.


Giá dầu trên thế giới sụt giảm ảnh hưởng tới chi phí lương của nhiều ngành liên quan.

Giá dầu trên thế giới sụt giảm ảnh hưởng tới chi phí lương của nhiều ngành liên quan.

Do tác động của giá dầu trên thế giới giảm, nhiều ngành liên quan trực tiếp cũng đã có những điều chỉnh phù hợp. Tại VN, một số ngành nghề như cao su, dầu khí mặc dù năng suất lao động theo sản lượng tăng trong năm 2015. Nhưng vì ảnh hưởng tình hình giá cả thị trường thế giới khiến doanh thu, lợi nhuận sụt giảm mạnh. Qua đó, nguồn tiền lương chi trả cho người lao động bị ảnh hưởng không nhỏ.

“Nếu như trên thế giới, khi giá dầu giảm thì doanh nghiệp có thể giảm nhân sự và lương. Nhưng ở VN, qua tìm hiểu cho thấy, các ngành đã có những điều chỉnh mức lương để phù hợp và đảm bảo việc làm cho người lao động” - bà Tống Thị Minh nói.

Theo khảo sát của Vụ Lao động tiền lương, các doanh nghiệp chủ động tiết giảm các chi phí khác và cắt giảm một phần tiền lương của người lao động (mức giảm dưới 10%).

Cụ thể: Ngành cao su với khoảng 120.000 lao động, năng suất lao động theo sản lượng tăng khoảng 6%. Nhưng do giá bán giảm chỉ còn khoảng 31 triệu/tấn nên tiền lương giảm khoảng 4 - 5%.

Theo Vụ Lao động tiền lương, năng suất lao động xã hội theo giá hiện hành ước đạt 79,3 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 3657 USD/lao động). Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động nền kinh tế năm 2015 ước tăng 6,4% so với năm 2014.

Bà Tống Thị Minh cho biết thêm thông tin về ngành dầu khí: Một số doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp bởi giá dầu thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam có năng suất lao động theo sản lượng khai thác tăng 7%. Nhưng cũng vì giá dầu giảm mạnh nên tiền lương giảm bình quân 3 - 5% so với năm trước.

Về tổng thể thị trường lao động 2015, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá: Sản xuất, kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp có điều kiện để quan tâm và chăm lo tốt hơn đến người lao động.

Tiền lương năm 2015 có xu hướng ổn định và tăng khá so với năm 2014; bình quân ước đạt 5,53 triệu đồng/người/tháng, tăng khoảng 8% so với năm 2014, trong đó: Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước ước đạt 7,04 triệu đồng/tháng, tăng 8%; doanh nghiệp tư nhân ước đạt 4,99 triệu đồng/tháng, tăng 6%; doanh nghiệp FDI ước đạt 5,47 triệu đồng/tháng, tăng 9%.

Phân chia theo ngành nghề, Bộ LĐ-TB&XH nhận định ngành thương mại, dịch vụ có mặt bằng lương cao nhất, đat 6,32 triệu đồng/người/tháng, tăng 8,8% so với năm 2014.

Tiếp đến là ngành nông, lâm, ngthịư nghiệp ước đạt 4,45 triệu đồng/người/tháng, tăng 3%; ngành công nghiệp, xây dựng ước đạt 5,34 triệu đồng/người/tháng, tăng 11%.

Trong lĩnh vực công nghiệp, các ngành có dệt may, da giày túi sách do số lượng đơn hàng ổn định và tăng, tiền lương của người lao động có mức tăng khá (Dệt may 4,54 triệu đồng, tăng 7,5%; Da giày 4,5 triệu đồng, tăng 8,9%);

Ngoài ra, ngành chế biến thủy sản 4,97 triệu đồng, tăng 4,9% ; chế biến gỗ 5,23 triệu đồng, tăng 5,3% .

Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương theo Nghị định số 122/2015/NĐ-CP công khai trong doanh nghiệp, thanh toán đầy đủ tiền lương, tiền thưởng cho người lao động trong dịp Tết năm 2016; phối hợp với công đoàn xây dựng phương án tiền thưởng tết dương lịch và tết âm lịch năm 2016 và thông báo cho người lao động biết.

Hoàng Mạnh