PhotoStory

"Lực hút" nào cho lao động quay về thị trường trọng điểm kinh tế?

(Dân trí) - Hơn 1,3 triệu lao động về quê nhà trong thời gian qua. Để thu hút lại nhân lực ở các thị trường trọng điểm, lời giải sẽ tập trung vào mức lương, chất lượng nơi ở hay nguồn việc làm dồi dào?

"Lực hút" nào cho lao động quay về thị trường trọng điểm kinh tế?

Hơn 1,3 triệu lao động về quê nhà trong thời gian qua. Để thu hút lại nhân lực ở các thị trường trọng điểm, lời giải sẽ tập trung vào tăng lương, chất lượng nơi ở hay nguồn việc làm dồi dào?

"Nhộn nhịp" luồng di chuyển lao động

Theo bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng phòng Việc làm và An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH TPHCM), từ tháng 4 tới nay, thành phố có hơn 2,1 triệu người lao động bị ảnh hưởng Covid-19 bị ngừng việc, cắt giảm việc làm. Ngay tại thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, toàn thành phố chỉ có 55,4 % lao động làm việc.

Từ ngày 1/10, thành phố thực hiện nới lỏng giãn cách. Tuần đầu tiên, doanh nghiệp quay lại hoạt động là dưới 50%. Sang tuần thứ 2, khoảng 60% cơ sở sản xuất kinh doanh khôi phục hoạt động trở lại.

Lực hút nào cho lao động quay về thị trường trọng điểm kinh tế? - 1
Lực hút nào cho lao động quay về thị trường trọng điểm kinh tế? - 2
Lực hút nào cho lao động quay về thị trường trọng điểm kinh tế? - 3

Theo bà Trần Lê Thanh Trúc, kết quả khảo sát đầu tháng 10 của Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho thấy, trong số 800 doanh nghiệp ở các khu công nghiệp và chế xuất, chỉ có 120 doanh nghiệp cần tuyển 8.500 lao động, chủ yếu ở trong các khu công nghiệp và chế xuất.

"TPHCM đã phối hợp với các tỉnh đưa đón khoảng 35.000 người lao động về quê. Ngoài ra, số lao động tự phát di chuyển bằng phương tiện cá nhân là khoảng 150.000 người…", bà Trần Lê Thanh Trúc thông tin.

"Khảo sát cho thấy, nhu cầu tại thời điểm tháng 10 chưa có nhiều và chủ yếu đang sử dụng lao động đang còn ở lại. Do doanh nghiệp chưa được sử dụng hết công suất lao động…", bà Trần Lê Thanh Trúc cho hay.

Tại Đồng Nai, thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho thấy, có gần 30.000 lao động từ Đồng Nai trở về các địa bàn các tỉnh phía bắc và vùng đồng bằng sông Cửu Long trong vài tháng qua.

Lực hút nào cho lao động quay về thị trường trọng điểm kinh tế? - 4

Theo đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai, tình hình sản xuất trong tỉnh đã phục hồi được 85% so với giai đoạn trước dịch. Về nguồn lao động, các doanh nghiệp cần khoảng 35.000 lao động từ nay tới cuối năm 2021. Tuy nhiên, tình trạng công nhân ngoại tỉnh đã trở về quê nhà và chưa trở lại làm việc vẫn còn nhiều.

Còn tại Hà Nội, mức độ ảnh hưởng dù có nhưng không nặng nề như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai.

Theo ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, tình trạng giãn việc, làm việc luân phiên, tạm thời ngừng việc của người lao động đã diễn ra ở một số doanh nghiệp do tác động của dịch Covid-19.

Lực hút nào cho lao động quay về thị trường trọng điểm kinh tế? - 5
Lực hút nào cho lao động quay về thị trường trọng điểm kinh tế? - 6

Dấu hiệu bị tác động rõ nét nhất chính là khu vực du lịch, dịch vụ, kinh doanh nhỏ lẻ. Ước tính của Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, khoảng 181.000 lao động trong các ngành trên bị ảnh hưởng trực tiếp do tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4.

Theo Cục Việc làm, lực lượng lao động quý III/2021 là 49.100 nghìn người, giảm 2 triệu người so với quý trước và giảm 2.200 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ở khu vực nông thôn giảm 1.400 nghìn người và ở khu vực thành thị giảm 583 nghìn người; giảm nhiều nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 857 nghìn người, tiếp đến là vùng Đông Nam Bộ với 368 nghìn người và vùng Bắc Trung Bộ với 296 nghìn người.

Tại Đà Nẵng, thời gian qua, việc làm của nhóm các lao động tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp không ảnh hưởng lớn. Theo ông Trần Công Nguyên Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, sự sụt giảm trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ dễ nhận thấy nhất với hơn với khoảng hơn 50.000 lao động thiếu việc làm.

Trong khi đó ở Trà Vinh, vấn đề việc làm cho lao động lại trở nên khá "nóng". Dù là một tỉnh nhỏ nhưng thống kê của Sở LĐ-TB&XH cho thấy có khoảng 80.000 lao động đang mất việc làm từ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4.

Lực hút nào cho lao động quay về thị trường trọng điểm kinh tế? - 7

"Số lao động trong tỉnh mất việc làm là khoảng 35.000 người, lao động các tỉnh ở vùng kinh tế trọng điểm phía nam quay về từ 1/8 tới giờ là 45.000 người…", đại diện Sở LĐ-TB&XH Trà Vinh nói.

Trong số lao động từ tỉnh ngoài trở về, khoảng 30.000 người có tham gia BHXH, còn lại là lao động tự do.

Từ tháng 8, dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp lớn trên địa bàn của tỉnh đã bị ngừng sản xuất và cắt đơn hàng. Do đó, tỉnh chỉ có thể giải quyết việc làm tại chỗ cho khoảng 30.000 người.

Lực hút nào cho lao động quay về thị trường trọng điểm kinh tế? - 8
Lực hút nào cho lao động quay về thị trường trọng điểm kinh tế? - 9

Đại diện Sở LĐ-TB&XH Trà Vinh cũng băn khoăn: "Từ tháng 6 đến cuối tháng 9, khoảng 1 triệu lao động đã rời khỏi các tỉnh ở vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Vậy câu hỏi đặt ra, bên cạnh chính sách của nhà nước và chính quyền địa phương, doanh nghiệp đối xử ra sao mà người lao động lại ra đi nhiều như thế?".

Nhu cầu "bùng nổ" vào cuối năm?

Vấn đề thiếu hụt lao động của các tỉnh trọng điểm kinh tế sẽ được giải quyết ra sao? Theo bà Trần Lê Thanh Trúc, nhu cầu lao động ở TPHCM sẽ "bùng nổ" vào tháng 11, 12 và tập trung vào các lĩnh vực thâm dụng lao động. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ được phép mở rộng quy mô hoạt động từ 50 lên 70% hoặc 100%.

"Nhu cầu này không phải do nhu cầu sau khi giãn cách mà là thường xuyên ở doanh nghiệp, đặc biệt ở những doanh nghiệp thâm dụng lao động", bà Trần Lê Thanh Trúc cho biết.

Lực hút nào cho lao động quay về thị trường trọng điểm kinh tế? - 10

Đánh giá của Sở LĐ-TB&XH TPHCM, các doanh nghiệp FDI đã cố gắng chăm lo và giữ chân người lao động trong thời gian giãn cách.

Thống kê của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), tiền lương, thu nhập giảm, đời sống công nhân lao động gặp nhiều khó khăn: Thu nhập bình quân tháng của lao động chỉ còn khoảng 5.200 nghìn đồng (quý III/2021), giảm 877 nghìn đồng so với quý trước và giảm 603 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2020.

"Lúc giãn cách, Công ty PouYuen vẫn cố gắng chi trả tiền lương ở mức 170.000 đồng/người/ngày cho tới nay. Hiện nay, Công ty Pou Yen chỉ hoạt động 30% số lao động. Doanh nghiệp vẫn còn một số lượng lao động chưa được quay trở lại làm việc do mức "trần" quy định số lao động làm việc trong doanh nghiệp…", bà Trần Lê Thanh Trúc phân tích.

Dự kiến nhu cầu nhân lực trong quý 4/2021, Trung tâm dự báo nguồn nhân lực (Falmi) cũng ước tính thiếu khoảng 57.000 lao động, chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ.

Lực hút nào cho lao động quay về thị trường trọng điểm kinh tế? - 11
Lực hút nào cho lao động quay về thị trường trọng điểm kinh tế? - 12
Lực hút nào cho lao động quay về thị trường trọng điểm kinh tế? - 13

Với TPHCM, bên cạnh công tác duy trì nguồn việc làm, vấn đề nhà ở xã hội cho công nhân đang được chú trọng hơn. Bà Trần Lê Thanh Trúc cho biết, thành phố đang dự kiến xây dựng một triệu căn nhà cho người lao động và vận động các khu nhà trọ, giảm tiền thuê nhà cho công nhân.

Còn tại Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Dân cho biết, gần đây, UBND TP vừa phê duyệt đề án nâng cao hiệu quả hoạt động sàn giao dịch việc làm ở Hà Nội. Qua đó nâng cao hoạt động của sàn giao dịch việc làm online cũng như trực tiếp, qua đó thu hút lao động sau giãn cách.

Lực hút nào cho lao động quay về thị trường trọng điểm kinh tế? - 14
Lực hút nào cho lao động quay về thị trường trọng điểm kinh tế? - 15
Lực hút nào cho lao động quay về thị trường trọng điểm kinh tế? - 16

Ngoài ra, việc ủy thác nguồn ngân sách của thành phố cũng được coi là một kênh tạo việc làm quan trọng cho người lao động trong giai đoạn này.

"Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục đề xuất UBND thành phố chuyển thêm sang Ngân hàng chính sách xã hội gần 1.000 tỷ đồng nữa để cho vay, phục hồi sản xuất qua đó tạo việc làm cho người lao động", ông Nguyễn Hồng Dân nói.

Tuy nhiên để có thị trường lao động bền vững lâu dài, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội lưu ý tới giải pháp căn cơ là tạo sự thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo doanh nghiệp phát triển, qua đó mới tạo ra nguồn việc làm ổn định.

Lực hút nào cho lao động quay về thị trường trọng điểm kinh tế? - 17

Bàn về giải pháp đưa lao động quay trở lại các vùng kinh tế trọng điểm, đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Trà Vinh lưu ý, bên cạnh việc xây dựng chính sách hỗ trợ nhà nước, các doanh nghiệp cần chú trọng tới trách nhiệm xã hội.

"Bởi trước hết, người lao động đang làm lợi trực tiếp cho doanh nghiệp, rồi doanh nghiệp đóng thuế rồi mới làm lợi cho nhà nước. Như vậy, lợi ích trực tiếp được hưởng là từ người lao động. Người lao động là nguồn "đầu vào", tạo nguồn giá trị gia tăng cho doanh nghiệp", đại diện Sở LĐ-TB&XH Trà Vinh nói.

Bên cạnh đó, Trà Vinh cũng đề nghị các chính quyền các tỉnh trọng điểm phía nam khi tiếp nhận lao động cần hỗ trợ tiêm vaccine, chịu chi phí xét nghiệm Covid-19 cho người lao động và hỗ trợ di chuyển từ địa điểm họ cư trú tới nơi họ làm việc.

Lực hút nào cho lao động quay về thị trường trọng điểm kinh tế? - 18

Với các doanh nghiệp tiếp nhận lao động, Sở đề nghị cần chủ trọng việc cải thiện điều kiện làm việc, tăng trợ cấp phúc lợi và giáo dục mầm non, đảm bảo điều kiện nhà ở và đặc biệt là cân đối mức tiền lương có tính hấp dẫn hơn.

Đại diện Sở LĐ-TB&XH Trà Vinh giải thích: "Lao động trong tỉnh đi làm ở Đồng Nai, Bình Dương cũng chỉ có mức từ 6-7 triệu đồng. Nhưng mức sinh hoạt ở các địa phương này cao hơn 15-20% so với tỉnh Trà Vinh. Nếu doanh nghiệp ở Trà Vinh tuyển lao động tại chỗ làm việc với mức lương tương tự thì khả năng lao động đi làm xa sẽ ít đi".

Để khôi phục tình hình việc làm trong thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ có văn bản gửi các doanh nghiệp gửi về tình hình thu thập thông tin về thị trường lao động.

Cần nhiều "trạm quan trắc" việc làm ở địa phương

Theo ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), điều quan trọng nhất hiện nay là lãnh đạo các sở LĐ-TB&XH trên toàn quốc cần tăng cường chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các phòng của sở và các trung tâm dịch vụ việc làm

Về vấn đề phân tích dự báo thị trường lao động, Cục Việc làm giao cho Trung tâm quốc gia về dịch vụ việc làm phối hợp các chuyên gia để xây dựng một công cụ phân tích dự báo ở cấp quốc gia, cấp vùng.

Lực hút nào cho lao động quay về thị trường trọng điểm kinh tế? - 19

Thông qua việc tăng cường gắn kết mô hình phòng quản lý về việc làm và Trung tâm dịch vụ việc làm địa bàn về thu thập, phân tích thông tin thị trường lao động.

"Qua đó xây dựng mỗi Trung tâm Dịch vụ việc làm địa phương trở thành một trạm "quan trắc" tình hình việc làm tại địa phương, bám sát doanh nghiệp, phục vụ cho các sở và chính quyền địa phương và toàn quốc", ông Vũ Trọng Bình cho biết.

Cũng theo Cục trưởng Cục Việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quốc gia cần nắm rõ nhu cầu nhân lực của các địa phương lớn, ví dụ: Nghệ An, Thanh hóa, Hà Tĩnh, miền Tây… xây dựng kế hoạch kết nối cung - cầu địa phương.

Mỗi TT DVVL là một "trạm quan trắc" thông tin việc làm

Cục Việc làm cũng đề nghị các sở LĐ-TB&XH chỉ đạo các trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức nhiều chương trình việc làm để thu hút người lao động, kết hợp với các khu kinh tế.

Các trung tâm cần chú trọng hiện đại hóa hệ thống cơ sở dữ liệu về lao động việc làm, hiện đại hóa hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp 4.0; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông các sàn giao dịch việc làm toàn quốc.

Quan tâm đầu tư hiện đại hóa các trung tâm dịch vụ việc làm, hệ thống thông tin thị trường lao động, cơ sở dữ liệu; cần xây dựng hệ thống quản lý chất lượng quản lý dịch vụ việc làm để đảm bảo minh bạch.

Đồng thời, Cục cũng giao cho Trung tâm dịch vụ Quốc gia xây dựng công cụ phân tích dự báo cấp quốc gia. Bên cạnh đó thúc đẩy quá trình áp dụng công nghệ thông tin, dự kiến năm 2022 sẽ kết nối số hóa 63 Sàn Giao dịch việc làm, xây dựng quy chế Sàn giao dịch việc làm số hóa…