Lỡ làm mất mặt sếp
(Dân trí) - Bạn là trợ lý thân tín của sếp, nhưng bạn lại thay mặt sếp tới một cuộc họp quan trọng trong bộ dạng lôi thôi và khặc khừ; đã có lần bạn nhắc nhở thiếu tế nhị về việc sếp quên không cài “cửa sổ”; bạn lỡ miệng chê bài phát biểu của sếp là “rầu rĩ hơn cả một bản nhạc vàng” ngay trước mặt quan khách;...
Lỡ làm mất mặt sếp rồi, xử lý sao đây?
Nhận lỗi
Hãy nói lời xin lỗi càng sớm càng tốt. Tiếp theo đó là giải thích ngắn gọn cho những hành vi, lời nói sai lầm của bạn. Hãy nhấn mạnh rằng bạn làm thế vì hoàn cảnh, hoặc nói thế chẳng qua vì nghĩ sếp thân thiết quá mà thôi.
Chân thành
Hãy đưa ra một lời xin lỗi chân thành nhất có thể, xuất phát từ sự hối lỗi thật sự của bạn. Nhưng đừng chân thành quá đến mức vơ thêm trách nhiệm vào. Chẳng hạn câu: “Tôi rất lấy làm tiếc vì những gì đã xảy ra” là quá chung chung và khách sáo; “Tôi cảm thấy thật tồi tệ về những gì mình đã làm” có thể coi tạm ổn; nhưng “Đây hoàn toàn là lỗi của tôi khi để xảy ra sự việc tuần vừa rồi và cả tuần trước đó nữa” lại thật nguy hiểm.
Lắng nghe chất vấn
Giờ đến phần khó khăn nhất: Sau khi nghe lời xin lỗi, sếp sẽ dằn cơn giận xuống và bắt đầu chất vấn bạn. Hãy tỏ ra ngoan ngoãn và nín nhịn cơn giận của sếp. Sau khi sếp đã hả cơn giận, mọi việc sẽ được hoá giải.
Sửa sai
Đền đáp sếp bằng những việc làm, lời nói có lợi cho sếp. Tất nhiên đừng nịnh bợ thái quá, nhưng cần cẩn trọng hơn trong lời nói và hành động, để chắc chắn là không gây thêm bất cứ một sự cố nào nữa.
Vì sự yên bình của chiếc ghế bạn đang ngồi, đừng bao giờ lặp lại cùng một lỗi lầm với cùng một ông sếp.
Phước Đại
Theo CareerBuilder