TPHCM:

Lỗ "khủng" vì Covid-19, ông chủ trẻ tính bán sân bóng

Phương Nhi Kim Tiễn

(Dân trí) - "4 tháng doanh thu đóng băng tôi vẫn phải trả chi phí mặt bằng 50 triệu/tháng, 29 triệu lương cho nhân viên. Nếu đóng cửa thêm 2 tháng nữa, tôi buộc phải bán lại sân", anh Dương Quang Huy chia sẻ.

 Lỗ khủng vì Covid-19, ông chủ trẻ tính bán sân bóng  - 1

Anh Dương Quang Huy, chủ sân IFS Park cho biết, các sân bóng gặp nhiều khó khăn vì giãn cách kéo dài. 

Phí duy trì "khủng"

Gần 4 tháng TPHCM đóng cửa, anh Dương Quang Huy (30 tuổi, chủ sân bóng IFS Park, quận Bình Tân) luôn phải "gồng mình" để duy trì sân bóng. Thậm chí, anh đã từng nghĩ đến việc bán sân vì "không cầm cự nổi".

Anh Huy thuê mặt bằng 2.400m2 để làm sân bóng với mức thuê 50 triệu đồng/tháng. Dù dịch, anh vẫn phải trả 15 triệu đồng lương cho 5 nhân viên, 14 triệu đồng cho bảo vệ sân. Ngoài ra, hàng loạt chi phí như bảo dưỡng sân cỏ, ánh sáng, khán đài vẫn phải thường xuyên duy trì.

Gần đây, khi tiêu sạch ngân quỹ dự phòng, anh phải thương lượng với chủ mặt bằng giảm 50% phí thuê, đồng thời kêu gọi nhân viên hỗ trợ giảm lương.

"Sau khi giảm tiền sân thì số tiền duy trì cũng vẫn còn rất lớn, nếu tiếp tục đóng cửa thêm 2 tháng nữa tôi sẽ cạn kiệt và buộc phải bán lại sân", anh Huy nói.

 Lỗ khủng vì Covid-19, ông chủ trẻ tính bán sân bóng  - 2

Trong 4 tháng ngưng hoạt động, các chủ sân bóng tại TPHCM vẫn gồng mình chi trả các khoản phí "khủng" như phí bảo trì, bảo vệ, mặt bằng, lương nhân viên...

Đầu tháng 10, khi TPHCM cho phép hoạt động trở lại, anh Huy lại phải tốn thêm khá nhiều chi phí để kiểm tra sân bóng trước khi hoạt động. Tuy nhiên, lượng khách những ngày qua còn khá hạn chế nên Huy vẫn đang "nơm nớp lo sợ".

"Nguyên nhân do học sinh chưa đi học lại, công nhân và người lao động chưa đi làm như bình thường. Đây là 2 đối tượng khách chính ở sân. Lợi nhuận phần lớn đến từ việc tổ chức các giải đấu cho 2 đối tượng khách này. Hiện tôi vẫn chưa tổ chức được vì hạn chế tụ tập đông người nên doanh thu những ngày qua cũng giảm sút...", ông chủ sân bóng chia sẻ.

Cũng theo anh Huy, khó khăn lớn nhất ở thời điểm hiện tại là việc thiếu nhân lực để sửa chữa khán đài và một số vị trí khác trong sân. "Tôi tìm mọi cách vẫn chưa liên lạc được với họ", anh buồn bã chia sẻ.

 Lỗ khủng vì Covid-19, ông chủ trẻ tính bán sân bóng  - 3

Dù được phép hoạt động trở lại nhưng nhiều sân bóng vẫn vắng lặng vì không có khách.

Doanh thu giảm hơn 60%

Đồng cảnh ngộ với anh Huy, ông Phạm Văn Phong (53 tuổi, quản lý sân bóng Lam Sơn, quận 5) cho biết, việc duy trì được sân qua 4 tháng ngưng hoạt động không phải là điều dễ dàng.

Với hơn 13 năm kinh nghiệm quản lý các sân thể thao, trải qua bao thăng trầm, ông Phong đã dự trữ sẵn nguồn kinh phí đề phòng trường hợp bất ngờ. Chính sự tính toán này đã giúp ông Phong có tiền chi trả lương cho hơn 10 nhân viên và các chi phí bảo vệ, bảo trì sân suốt 4 tháng ngưng hoạt động. 

"Dù vậy, tiền túi bỏ ra sau 3 tháng cũng đã gần như đã cạn. May là được chủ mặt bằng hỗ trợ chi phí, nếu không cũng không biết làm sao để duy trì...", ông Phong nói.

Theo ông Phong, đã hoạt động lại hơn 3 tuần nhưng lượng khách cũng còn rất hạn chế, doanh thu đã giảm hơn 60% so với trước dịch. 

Ông Phong lý giải, hoạt động quan trọng nhất ở sân của ông là tổ chức các giải đấu và các lớp học bóng đá, bóng rổ. Tuy nhiên, người tham gia các lớp học này có độ tuổi từ 6-16 tuổi vẫn chưa được tiêm vaccine nên không thể mở lớp, giải đấu cũng chưa tổ chức được.

 Lỗ khủng vì Covid-19, ông chủ trẻ tính bán sân bóng  - 4

Ngoài sân bóng đá, sân bóng Lam Sơn còn có sân bóng rổ với diện tích khoảng 600m2 dành cho việc tập luyện, tổ chức các giải đấu và các lớp học. 

"Hiện, sân chỉ phục vụ việc luyện tập và con số thu về quá nhỏ so với giá trị đầu tư. Tuy nhiên, tôi vẫn phải tiếp tục cầm cự để giữ sân, giữ khách", ông Phong chia sẻ.

Theo ghi nhận, các đội nhóm và cá nhân muốn đến sân Lam Sơn luyện tập phải đăng ký trước. Phía quản lý sân sẽ lập danh sách cụ thể, kiểm tra chứng nhận tiêm chủng đủ 2 mũi vắc xin hoặc F0 đã khỏi bệnh trước khi xác nhận đặt sân.  

Ngoài ra, mỗi người chơi khi đến sân phải thực hiện khai báo y tế, quét mã QR để làm cơ sở quản lý khi có vấn đề phát sinh. Đặc biệt, trước khi bước vào sân, người chơi phải xuất trình phiếu xác nhận tiêm đủ 2 mũi hoặc phần mềm PC-Covid, Sổ sức khỏe điện tử hiển thị đủ 2 mũi tiêm. 

Ngoài ra, sân Lam Sơn cũng không cho trẻ em vào sân vì chưa được tiêm vắc xin nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.