Lo 1.600 nhân viên "mất Tết", BV trị ung thư lớn nhất miền Nam cầu cứu

Hoàng Lê

(Dân trí) - Dịch bệnh Covid-19 hạn chế việc đi lại khiến lượng bệnh nhân đến Bệnh viện Ung bướu TPHCM thăm khám, điều trị chỉ còn 10%.

Mới đây, Bệnh viện (BV) Ung bướu TPHCM đã gửi văn bản lên Sở Y tế và UBND TPHCM đề xuất hỗ trợ kinh phí hoạt động trong năm 2021.

Theo đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên từ đầu năm 2021 đến nay, nguồn thu của BV Ung bướu TPHCM giảm sâu, không thể bù đắp chi phí. BV chỉ chi trả tiền lương, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương cho người lao động, chi phí quản lý như điện, nước, thuê mướn dịch vụ vệ sinh, dịch vụ bảo vệ… để duy trì duy trì các hoạt động thông thường.

Là đơn vị tự hạch toán kinh doanh, chênh lệch thu chi của BV thâm hụt nên nơi này không trích được các nguồn quỹ theo quy định (nguồn cải cách tiền lương để chi thu nhập tăng thêm cho nhân viên, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng).

Lãnh đạo BV cho biết với tình hình này, BV không có nguồn để chi thu nhập tăng thêm, dự kiến đến cuối năm cũng sẽ không có tiền thưởng Tết cho nhân viên.

Đáng chú ý, do tình hình dịch bênh Covid-19 hạn chế việc đi lại, lượng bệnh nhân đến thăm khám, điều trị giảm nhưng khối lượng công việc của nhân viên y tế không giảm. BV phải phân công nhân sự đi làm việc tại các BV dã chiến và hồi sức Covid-19, tham gia công tác xét nghiệm và tiêm ngừa cho cộng đồng. Các nhân viên còn lại phải làm thêm công việc cho số nhân viên tham gia phòng chống dịch.

Sáng 6/11 trao đổi với phóng viên Dân trí, TS.BS Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc BV Ung bướu TPHCM xác nhận tình hình "bi đát" mà cơ sở y tế phải trải qua trong mùa dịch.

Ông Tuấn giải thích: "BV Ung bướu TPHCM là cơ sở đã thực hiện tự chủ tài chính. Với tình hình bệnh nhân giảm sút kéo dài, làm sao có tiền dôi ra để thưởng Tết, thu nhập tăng thêm cho nhân viên. Mùa dịch, chỉ có 10% bệnh nhân tới khám, mức giảm rõ nhất là các tháng 7, tháng 8, tháng 9, lượng bệnh nhân vô cùng thấp".

Hiện tại, khi TPHCM đã bình thường mới, lượng bệnh nhân đến thăm khám, điều trị đạt khoảng 40% so với trước dịch nhưng mọi việc vẫn chưa thể ổn định. Đặ biệt, bệnh nhân các tỉnh miền Tây hầu như không thể lên thành phố khám chữa bệnh khi tình hình dịch khu vực này còn căng thẳng.

Lo 1.600 nhân viên mất Tết, BV trị ung thư lớn nhất miền Nam cầu cứu - 1

TS.BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc BV Ung bướu TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Theo TS.BS Tuấn, BV Ung bướu TPHCM có tổng cộng 1.600 nhân viên (trong đó có 400 bác sĩ, 700 điều dưỡng) tại cơ sở 1 (đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh) và cơ sở 2 ở TP Thủ Đức. Sau khi nghe thông báo về việc năm nay có thể không thưởng Tết, các nhân viên y tế của BV dù buồn nhưng chấp nhận và thông cảm với tình hình khó khăn chung "hậu Covid-19".

"Mặc dù trong mùa Covid-19, anh em vẫn làm trên tinh thần chống dịch nhưng chỉ có 10% bệnh nhân tới thì không có nhiều công việc. Những nơi khác người ta còn giảm 50% lương, nghỉ không lương, mình không giảm lương là mừng rồi" - TS.BS Tuấn nhận định.

Cũng theo BS Tuấn, mặc dù BV Ung bướu TPHCM được xếp vào nhóm II tự chủ tài chính chi thường xuyên, nhưng vì tình hình dịch ngoài ý muốn, BV vẫn xin Thành phố hỗ trợ kinh phí, để BV có tiền thưởng Tết cho y bác sĩ.

"Hi vọng những tháng cuối năm dịch ổn hơn, tình hình sẽ khả quan hơn" - TS.BS Tuấn mong đợi.

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cho biết, trong mùa dịch dù hoạt động khám chữa bệnh ảnh hưởng rất nhiều, BV vẫn trả đủ lương cho nhân viên y tế. Dù vậy, lương cơ bản chỉ vài triệu đồng, rất thấp. Từ sau thời gian TPHCM nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, BV đã khôi phục khoảng 70% lượng bệnh thăm khám, điều trị.

Trong các cuộc họp với Sở Y tế TPHCM, lãnh đạo BV đều báo cáo về tình hình khó khăn cụ thể. Dự kiến trong ít ngày tới, BV Lê Văn Thịnh sẽ gửi văn bản chính thức đến ngành y tế và UBND Thành phố để đề xuất được hưởng thu nhập tăng thêm từ Nghị quyết 03 của HĐND TPHCM và xin hỗ trợ kinh phí để có tiền thưởng Tết. "Vẫn còn vài tháng cuối năm, chưa biết tính sao. Nếu không có tiền thì năm nay, anh em có thể ăn Tết eo hẹp một chút" - bác sĩ Khanh tâm sự.

Bác sĩ Trần Thanh Sang, Phó Giám đốc BV Lê Văn Việt (TP Thủ Đức) thông tin, sau khi chuyển đổi công năng từ điều trị Covid-19 trở lại điều trị thông thường, lượng bệnh nhân của nơi đây chỉ còn 30-50% so với trước dịch. Dù vậy, lãnh đạo BV cố gắng không để hơn 260 nhân viên y tế ở đây bị giảm thu nhập. Ngoài ra, nhân sự tham gia chống dịch cũng được hỗ trợ đầy đủ, theo chính sách của Chính phủ và Thành phố.

TS.BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc BV Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM nói, BV đã chủ động cân đối thu chi ngay từ khi bùng dịch, do đó không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của nhân viên. "Hiện nay, mọi thu nhập của anh em đều không thay đổi" - TS.BS Hoàng khẳng định.