1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Liên kết đào tạo nhìn từ việc doanh nghiệp "cầu cứu" nhân lực trường nghề

Hoàng Lam

(Dân trí) - Chỉ khi thiếu hụt lao động nghiêm trọng, doanh nghiệp mới "cầu cứu" các trường nghề chi viện. Bất cập trong hợp tác đào tạo, giải quyết việc làm giữa nhà trường và doanh nghiệp cũng bộc lộ rõ hơn.

Thiếu liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường

Mới đây, một doanh nghiệp tại Nghệ An đã phải "cầu cứu" tỉnh hỗ trợ nhân lực bị thiếu hụt do lao động mắc Covid-19 và không quay trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán. Trước tình huống này, ngành chức năng tỉnh Nghệ An đã tổ chức một buổi làm việc giữa doanh nghiệp và 9 trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt.

Từ buổi làm việc này, những bất cập trong công tác liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp và các trường nghề cũng đã được chỉ rõ.

Liên kết đào tạo nhìn từ việc doanh nghiệp cầu cứu nhân lực trường nghề - 1

Liên kết đào tạo, đặc biệt là lao động chất lượng cao với các trường là điều kiện để các doanh nghiệp chủ động được nguồn nhân lực (Ảnh minh họa: H.L).

Theo ông Hồ Văn Đàm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, thời gian qua, công tác liên kết, hợp tác đào tạo, giải quyết việc làm với doanh nghiệp luôn được nhà trường chú trọng. Trường đã kết nối với 52 doanh nghiệp để gửi sinh viên đến thực tập, giới thiệu và bố trí việc làm. Các sinh viên được kết nối cơ bản 100% có việc làm. Riêng thực tập sinh nhà trường giới thiệu làm việc tại các doanh nghiệp có mức lương từ 5-8 triệu đồng, có trường hợp thu nhập cao hơn.

"Tuy nhiên trên thực tế, hầu như các doanh nghiệp chúng tôi liên kết, kết nối đều là doanh nghiệp ở các tỉnh phía Bắc, gần nhất là ở Hà Tĩnh", ông Đàm thông tin.

Ông Đàm cũng cho rằng liên kết, hợp tác trong đào tạo và kết nối cung - cầu lao động giữa các trường nghề và doanh nghiệp ở Nghệ An vẫn đang là "lỗ hỗng" cần phải lấp đầy.

Liên kết đào tạo nhìn từ việc doanh nghiệp cầu cứu nhân lực trường nghề - 2

Ông Hồ Văn Đàm: "Kết nối là điều kiện thuận lợi cho chính nhà trường và doanh nghiệp, góp phần thực hiện các chính sách đào tạo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động".

"Kết nối doanh nghiệp trong tỉnh là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà trường, đặc biệt là các sinh viên, các em đỡ phải đi xa. Đây cũng là cách góp phần hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào Nghệ An", ông Đàm cho hay.

Đảm bảo đào tạo đến đâu, sử dụng đến đó

Đại diện các trường đào tạo nghề đều cho rằng, việc kết nối, liên kết cần phải xây dựng kế hoạch, lộ trình, chương trình đào tạo, đặc biệt là hỗ trợ thiết bị, máy móc để đảm bảo đào tạo đến đâu, chắc việc đến đấy. Riêng đối với lao động kỹ thuật cao, các doanh nghiệp cần phải ký hợp đồng đào tạo riêng để nhà trường có kế hoạch tuyển sinh, đồng thời phải có phương án để ràng buộc người lao động sau đào tạo.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng quan hệ doanh nghiệp việc làm sinh viên, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh, trên thực tế kế hoạch tổ chức cho sinh viên đi thực tập hay giới thiệu việc làm khi ra trường đều được nhà trường chủ động từ trước. Do vậy, để chủ động nguồn lao động, các doanh nghiệp cần có lộ trình làm việc với các trường trong tỉnh, tránh tình trạng khi thiếu lao động thì "cầu cứu" các trường.

Liên kết đào tạo nhìn từ việc doanh nghiệp cầu cứu nhân lực trường nghề - 3

Tại Nghệ An chưa có nhiều doanh nghiệp liên kết đào tạo nguồn lao động kỹ thuật cao với các trường trên địa bàn.

Ông Trần Thanh Hà - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Vinh cũng mong muốn có sự hợp tác trong đào tạo với các doanh nghiệp nội tỉnh. Tuy nhiên, ông Hà cho rằng, giữa doanh nghiệp và đơn vị đào tạo phải khớp nhau về chương trình đào tạo, trước hết là kế hoạch tổ chức cho sinh viên đến thực tập, làm quen môi trường tại doanh nghiệp.

"Tránh tình trạng khi sinh viên đang "giãn" học thì doanh nghiệp không cần, khi doanh nghiệp cần hỗ trợ thì sinh viên đang vào mùa thi hay đã có kế hoạch thực tập nơi khác", ông Hà chỉ rõ bất cập.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Quang - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật số 1 Nghệ An cho rằng, ngoài chương trình đào tạo, thiết bị thực hành, một vấn đề nữa cũng cần phải cân nhắc khi thực hiện sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, đó chính là vấn đề tiền lương và các chế độ hỗ trợ khác.

Liên kết đào tạo nhìn từ việc doanh nghiệp cầu cứu nhân lực trường nghề - 4

Các doanh nghiệp tại Nghệ An về tận trường để tuyển dụng lao động (Ảnh: H.L).

"Không chỉ người lao động mà sinh viên cũng sẵn sàng lựa chọn những doanh nghiệp trả thu nhập cao hơn cho thực tập sinh. Lương là vấn đề cốt lõi để doanh nghiệp có thể đạt được nhu cầu tuyển dụng hay không. Khảo sát của chúng tôi cho thấy nhân lực không mặn mà làm việc tại Nghệ An khi thu nhập thấp hơn các khu vực khác. Người lao động sẵn sàng bỏ một tháng thu nhập để chi trả chi phí vào miền Nam làm việc và họ có thể kiếm tiền bù khoản chi phí này trong vài tháng sau", ông Quang chỉ rõ.