1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lấy ý kiến về điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2021

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - Bộ LĐ-TB&XH vừa lấy ý kiến góp ý dự thảo báo cáo Chính phủ về lương tối thiểu vùng năm 2021. Theo đó, việc không điều chỉnh lương tối thiểu nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi và đảm bảo việc làm.

Lấy ý kiến về điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2021 - 1

Theo dự thảo xin ý kiến của Bộ LĐ-TB&XH, trong khuyến nghị trình Chính phủ vào tháng 8/2020, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã tính toán dựa trên kết quả mức sống dân cư năm 2018 và ước CPI mức 4 % giai đoạn 2019 - 2020 nhằm bù trượt giá, đảm bảo giá trị thực tế để đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Sau khi có kết quả CPI thực tế của từng năm, mức lương tối thiểu sẽ được cập nhật lại để đảm bảo mức sống tối thiểu làm căn cứ để tính cho các năm tiếp theo.

Trong phương án khuyến nghị Chính phủ về không điều chỉnh lương tối thiểu 2021, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã báo cáo rõ với dự kiến CPI tăng 4 %/năm thì mức lương tối thiểu năm 2020 đã cao hơn mức sống tối thiểu 1,51 %.

Duy trì "sức khỏe" của doanh nghiệp, đảm bảo nguồn việc làm

Theo dự thảo của Bộ LĐ-TB&XH, trong bối cảnh này, ý kiến nhiều chuyên gia, nhà quản lý đều cho rằng cần phải lựa chọn vấn đề ưu tiên để hỗ trợ phù hợp, trong đó lương tối thiểu phải đặt trong bài toán tổng thể, xem xét các nguồn lực theo thứ tự ưu tiên để đảm bảo phát triển bền vững.

Mục tiêu trước mắt cần phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, từ đó kích thích nhu cầu sử dụng người lao động. Việc tăng lương tối thiểu vùng trong lúc này sẽ dẫn đến doanh nghiệp không chịu đựng được, sa thải lao động, thất nghiệp gia tăng...

Trong thực tế, CPI của năm 2020 chỉ tăng 3,23 % nên lương tối thiểu vùng sau khi cập nhật lại đã đảm bảo cao hơn 2,28 % so với mức sống tối thiểu.

Theo dự thảo báo cáo, khi tiếp tục giữ nguyên mức lương tối thiểu này để áp dụng cho năm 2021 thì vẫn đáp ứng được mức sống tối thiểu.

Trường hợp CPI của cả năm 2021 tăng cao hơn 2,28 % thì về nguyên tắc tính toán phần lương tối thiểu thấp hơn mức sống tối thiểu vùng sẽ được xem xét để đưa vào điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ năm 2022.

Trong khi đó, các chỉ tiêu về thất nghiệp, thiếu việc làm và doanh nghiệp giải thể, ngừng việc của năm 2020 đều tăng cao trái ngược với xu hướng giảm của những năm gần đây.

"Cả nước có hơn 100.000 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9 % so với năm 2019. Lực lượng lao động là 54,6 triệu người, giảm 1,2 triệu người so với năm 2019. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương là 6,62 triệu đồng/người/tháng, giảm 75.000 đồng so với năm 2019..." - theo nội dung dự thảo.

Điều này cho thấy năm 2020, lương tối thiểu vùng tăng nhưng thu nhập của người lao động giảm, do lương tối thiểu chỉ để đảm bảo mức sàn thấp nhất cho người lao động, tăng lương tối thiểu không dẫn đến việc tăng lương, thu nhập chung của người lao động.

Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 bùng phát mới và còn phức tạp tại Việt Nam cũng như trên thế giới và chưa thể dự đoán được thời điểm kết thúc và mức độ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội trong nước từ nay tới năm 2021.

Trên cơ sở đó, dự thảo báo cáo của Bộ LĐ-TĐ&XH đề xuất việc không điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021 là phù hợp, tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi, duy trì việc làm cho người lao động và tái tham gia thị trường lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp.