1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Đồng Tháp:

Lão nông với bí quyết giúp vườn quýt "chết đi sống lại", cho năng suất cao

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Mắc bệnh vàng lá, thối rễ, 500 gốc quýt hồng của ông Đầy suýt phải đốn bỏ. Nhưng bất ngờ, chỉ sau 3 năm cải tạo, vườn quýt đã hồi sinh, cho quả sai trĩu cành.

Quýt hồng Lai Vung (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) không chỉ là đặc sản của đất sen hồng mà còn là đặc sản của cả miền Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, tình trạng bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi đã làm ảnh hưởng nhiều đến loại cây thế mạnh của huyện.

Lão nông với bí quyết giúp vườn quýt chết đi sống lại, cho năng suất cao - 1

Ông Nguyễn Văn Đầy ngụ tại ấp Long Hưng, xã Long Hậu, huyện Lai Vung phục hồi thành công vườn quýt hồng (Ảnh: Bảo Kỳ).

Để giải quyết nỗi lo của bà con nông dân, từ năm 2019, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với địa phương triển khai các mô hình thí điểm biện pháp khắc phục hiện tượng vàng lá, thối rễ, chết xanh trên cây quýt hồng theo quy trình khuyến cáo của trường Đại học Cần Thơ. Và một trong những nông dân mạnh dạn tham gia đề án trên là lão nông Nguyễn Văn Đầy, ngụ tại ấp Long Hưng, xã Long Hậu, huyện Lai Vung.  

Lão nông tiết lộ bí quyết giúp vườn quýt "chết đi sống lại", cho năng suất cao

Vườn quýt của ông Đầy rộng 1.300m2 với hơn 500 gốc quýt từ 7 đến 20 năm tuổi. Do quen sử dụng phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật nên thổ nhưỡng của vườn quýt dần bạc màu, đất chai sạn, kém dinh dưỡng… Đây là một trong những nguyên nhân khiến quýt dễ nhiễm dịch bệnh, gây ra thiệt hại. Hậu quả, sản lượng quýt hồng vườn ông Đầy mỗi năm một giảm, nhiều gốc bị chết xanh.

Lão nông với bí quyết giúp vườn quýt chết đi sống lại, cho năng suất cao - 2

Vườn quýt của ông rộng 1.300m2 với hơn 500 gốc quýt từ 7 đến 20 năm tuổi (Ảnh: Bảo Kỳ).

"Lúc đó tôi định đốn bỏ một số quýt để trồng bưởi vì năm nào cũng lỗ. May mắn, lúc đó tỉnh triển khai đề án phục hồi nên tôi đăng ký tham gia thử nghiệm", ông Đầy chia sẻ.

Để vườn quýt được "tái sinh", ông Đầy thực hiện các biện pháp cải thiện đất, xẻ rãnh xương cá để tránh úng nước cho cây trong mùa mưa, xới đất lên cho tơi, xốp, tận dụng rơm và phân bò tạo thành loại phân hữu cơ bón cho cây có múi.

Để phòng bệnh cho quýt hồng, ông Đầy cho quýt ở trong nhà lưới, sử dụng thuốc sinh học để đuổi côn trùng.

Lão nông với bí quyết giúp vườn quýt chết đi sống lại, cho năng suất cao - 3

Những trái quýt căng mọng, to tròn đẹp mắt nhờ phương pháp trồng hữu cơ (Ảnh: Bảo Kỳ).

Cũng theo chủ vườn quýt, kiên trì các biện pháp cải tạo đất, trồng hữu cơ, đến nay, diện tích vườn đã khôi phục đến 99%, cây bắt đầu cho trái trở lại. Dự kiến vụ quýt năm nay, ông thu hoạch khoảng 10 tấn. Lão nông tiết lộ, đây là lứa quýt trái vụ mà ông đạt sản lượng cao nhất sau 3 năm xuống tay khôi phục vườn.

Theo ghi nhận của PV, vườn quýt của ông Đầy đã thực sự "hồi sinh", cây phát triển rất tốt, ra trái nhiều và quýt bắt đầu chín vàng. Do trồng theo phương pháp hữu cơ nên quả quýt căng tròn, vỏ mỏng, mọng nước.

Lão nông với bí quyết giúp vườn quýt chết đi sống lại, cho năng suất cao - 4

Vườn quýt của ông Đầy chuẩn bị đón khách tham quan (Ảnh: Bảo Kỳ).

Ông Đầy nói thêm, giá quýt năm nay dự kiến khoảng 50.000 đồng/kg, cung cấp trong tỉnh và TPHCM. Ước tính với sản lượng 10 tấn, ông có thể đạt lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng. Hiện ông Đầy đang chuẩn bị đón khách du lịch vào vườn tham quan.