Lão nông bỏ túi 300 triệu đồng/năm nhờ loại cây "khắc tinh của bệnh dạ dày"

Nguyễn Duy

(Dân trí) - Ông Lê Văn Thường (58 tuổi), trú làng Kiều Mộc, xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc, Nghệ An đã đầu tư xây dựng cơ sở thu mua, chế biến tinh bột nghệ, mỗi năm lãi 300 triệu đồng.

Xã Nghi Kiều thuộc vùng trung du của huyện Nghi Lộc (Nghệ An), địa hình phần lớn là đồi núi thấp, đất đai khô cằn, nguồn nước phụ thuộc tự nhiên, năng suất cây trồng bấp bênh.

Hơn chục năm nay, phát hiện cây nghệ dễ trồng nên người dân mạnh dạn xóa bỏ những cây trồng khác chuyển sang trồng nghệ.

Lão nông bỏ túi 300 triệu đồng/năm nhờ loại cây khắc tinh của bệnh dạ dày - 1

Tinh bột nghệ sau khi lắng lọc được đưa vào sấy khô ở phòng kín tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp (Ảnh: Nguyễn Phê).

Nhờ phát triển nghề trồng và chế biến tinh bột nghệ, năm 2017, hai làng Tân Hợp và Kiều Mộc của xã Nghi Kiều được UBND tỉnh Nghệ An công nhận danh hiệu làng nghề sản xuất và chế biến tinh bột nghệ. Trong đó, làng Kiều Mộc có hơn 10ha nghệ với hơn 120 hộ trồng. Đây là địa phương có diện tích trồng nghệ tập trung nhiều nhất tại Nghệ An.

Trước đây, mỗi khi đến mùa thu hoạch, củ nghệ tươi được các thương lái thu mua rồi vận chuyển đi tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, do không chủ động được đầu ra nên thu nhập của người dân không ổn định.

"Ở đây đa số các hộ dân đều trồng nghệ, đến mùa thu hoạch là nghệ chất cả đống nhưng giá cả bấp bênh, có những vụ gần như bỏ đi vì bán không được. Hơn nữa việc sản xuất, chế biến tinh bột nghệ lại làm thủ công, rất vất vả, tốn thời gian nên sản xuất được ít, chủ yếu để phục vụ gia đình và bán lẻ", ông Thường chia sẻ.

Vốn là người năng động và chịu khó, ông Thường đã rong ruổi khắp nơi để tìm hiểu, học hỏi các mô hình phát triển kinh tế trong và ngoài tỉnh.

Năm 2018, nắm bắt được thị trường đang có nhu cầu sử dụng tinh bột nghệ cao, ông đã mạnh dạn vay vốn hơn 500 triệu đồng để khởi nghiệp. Ông đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị, thuê nhân công và tiến hành sản xuất sản phẩm mang thương hiệu riêng của mình.

Nhờ áp dụng máy móc, mỗi năm gia đình ông Thường có thể chế biến hơn 100 tấn củ nghệ tươi để sản xuất tinh bột. 

Lão nông bỏ túi 300 triệu đồng/năm nhờ loại cây khắc tinh của bệnh dạ dày - 2

Công nghệ sản xuất tinh bột nghệ của ông Thường đạt hiệu quả cao (Ảnh: Nguyễn Phê).

Ông Thường cho biết, để có được sản phẩm tinh bột nghệ chất lượng tốt, màu sắc đẹp, tất cả mọi công đoạn từ rửa sạch, đến lúc cho củ nghệ vào máy nghiền và sau đó là vắt lóng bột, phơi, sấy khô phải hết sức cẩn thận, sạch sẽ. Tinh bột nghệ được sấy khô trong phòng kín, tránh ánh nắng trực tiếp. 

Nhờ chất lượng sản phẩm tốt, sản phẩm tinh bột nghệ của ông Thường được nhiều khách hàng ủng hộ, giá bán 400.000 đồng/kg.

"Bình quân mỗi vụ, gia đình tôi thu mua hơn 100 tấn nghệ tươi của các gia đình trong làng, cho ra thành phẩm khoảng 5 tấn tinh bột nghệ, thu được 4 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, gia đình lãi hơn 300 triệu đồng mỗi năm", ông Thường chia sẻ thêm.

Ngoài bán lẻ ở Nghệ An, sản phẩm tinh bột nghệ của ông Thường còn được xuất đi Bà Rịa-Vũng Tàu, TPHCM, Bến Tre, Hà Nội, Đà Nẵng... 

Ông Thường đang tham gia chương trình OCOP (mỗi xã một sảm phẩm) với mong muốn sản phẩm của mình được biết đến rộng rãi hơn, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Sản phẩm tinh bột nghệ của ông đã được công nhận OCOP cấp tỉnh, đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Lão nông bỏ túi 300 triệu đồng/năm nhờ loại cây khắc tinh của bệnh dạ dày - 3

Tinh bột nghệ được sấy khô (Ảnh: Nguyễn Phê).

"Để được sản phẩm cấp quốc gia và có thể xuất khẩu thì bắt buộc sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn 5 sao. Trong thời gian tới, tôi sẽ cố gắng đầu tư máy móc công nghệ cao, hiện đại hơn, giúp quy trình sản xuất được chuyên nghiệp, tiếp tục nâng cao chất lượng và cố gắng phấn đấu nâng sản phẩm lên 4 sao, 5 sao", ông Thường nói thêm.

Với sự năng động, không ngại khó, dám nghĩ dám làm, lão nông Lê Văn Thường là người tiên phong trong sản xuất tinh bột nghệ ở địa phương. Cơ sở của sản xuất nghệ không chỉ đem lại nguồn kinh tế ổn định cho gia đình ông Thường, mà còn tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động.

Được biết, ngoài chế biến các sản phẩm từ tinh bột nghệ, ông Thường còn đầu tư trồng thêm cây dược liệu sả đen để bán, tăng thêm thu nhập đáng kể cho gia đình.