1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lao động xuất khẩu nóng lòng chờ... hết dịch

Dịch Covid-19 khiến nhiều lao động trẻ gác lại ước mơ ra nước ngoài làm việc và lâm vào cảnh khó khăn

Với nhiều bạn trẻ, xuất khẩu lao động (XKLĐ) là con đường thoát nghèo, cải thiện đời sống cho bản thân và gia đình. Thế nhưng, ước mơ đơn giản đó đã không thành hiện thực do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và điều này cũng gây ra nhiều hệ lụy cho họ.

Khó khăn chồng chất

Sau 2 năm làm công nhân, chị Lê Thị Thương (26 tuổi, quê Nghệ An) tiết kiệm được hơn 40 triệu đồng. Sau khi bàn bạc, ba mẹ Thương vay thêm 150 triệu đồng nữa để chị đóng chi phí và làm thủ tục sang Nhật Bản làm việc.

Tháng 7-2019, Thương bắt đầu nhập học tại một doanh nghiệp (DN) XKLĐ chuyên đi thị trường Nhật Bản tại TP HCM. Nhờ tích cực học tập nên tháng 2-2020, Thương đã đủ tiêu chuẩn về tiếng để xuất cảnh. DN nơi Thương chọn học cũng tích cực làm hồ sơ, kết nối nhà tuyển dụng Nhật Bản để lo các thủ tục cho chị xuất cảnh dự kiến trong tháng 3-2020.

"Mọi thứ đã xong, visa cũng đã có nhưng lệnh cấm xuất cảnh của Việt Nam và cấm nhập cảnh của Nhật Bản được ban bố ngay đầu tháng 3 khiến tôi không bay được như dự kiến. Cũng kẹt luôn ở TP HCM không thể về quê được. Tiền ăn, tiền trọ vẫn phải trả trong khi tôi đã nghỉ việc để tập trung cho việc học tiếng. Ở nhà ba mẹ cũng trả nợ vay hằng tháng đến nay không còn khả năng chi trả" - Thương chia sẻ.

Việc Thương bị hoãn sang Nhật làm việc khiến cả nhà rất lo lắng. Thu nhập của gia đình Thương chủ yếu từ việc buôn bán nhỏ và cũng chịu ảnh hưởng không ít bởi dịch bệnh. Do vậy, hơn 2 tháng nay, chạy ăn từng bữa là cả vấn đề đối với gia đình, huống hồ phải gánh thêm khoản nợ đã vay mượn để Thương đi XKLĐ.

Lao động xuất khẩu nóng lòng chờ... hết dịch - 1

Lao động Việt Nam tích cực học tập chuẩn bị xuất cảnh Ảnh: GIANG NAM

Tương tự là trường hợp của em Hà Thị Thanh Mai (20 tuổi, TP HCM). Mai từng học Khoa Dược Đại học Nguyễn Tất Thành được một năm, do mẹ bị bệnh, kinh tế gia đình khó khăn nên em phải nghỉ học. Qua một số bạn bè đã XKLĐ sang Nhật, Mai mong có một ngày được ra nước ngoài làm việc để kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Hiểu được mong muốn ấy của Mai nên gia đình bấm bụng vay mượn để em đăng ký đi XKLĐ Nhật Bản qua một công ty. Sau khi học tiếng được 6 tháng nhưng không có đơn tuyển và chưa được phỏng vấn, em đã chuyển qua một công ty khác. Tại công ty mới, sau 3 tuần Mai đậu phỏng vấn, được thông báo ngày 20-5-2020 sẽ xuất cảnh.

Tuy nhiên, do dịch Covid-19, Nhật Bản không duyệt visa và cấp phép lưu trú cho người Việt Nam, việc nhập cảnh vào Nhật Bản của Mai bị tạm ngưng. Số tiền hơn 150 triệu chi phí cho giấc mơ cải thiện thu nhập đã đóng là khoản tiền gia đình Mai phải vay mượn. Việc trễ lịch bay sẽ ảnh hưởng rất nhiều khi phải tốn thêm thời gian chờ đợi và chi phí ăn uống sinh hoạt tại Việt Nam.

"Em chỉ mong sớm được xuất cảnh sang Nhật Bản trong năm nay để đỡ tốn thời gian và sớm có tiền phụ giúp mẹ. Nếu dịch bệnh còn kéo dài, có khi em phải tìm việc gì đó làm chứ không thể để ba mẹ gồng gánh trả nợ" - Mai nói.

Tránh ảnh hưởng quyền lợi người lao động

Sự bùng phát và những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã khiến nhiều đơn hàng tuyển dụng lao động của các đối tác nước ngoài bị đình trệ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến các DN cũng như NLĐ trong nước.

Không chỉ Nhật Bản, Hàn Quốc mà nhiều nước là thị trường tiếp nhận nhiều lao động của Việt Nam đều tạm đóng cửa để phòng chống dịch bệnh. Dù Việt Nam đã làm tốt không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng và đã nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, cuộc sống nhiều nơi đã quay trở lại bình thường.

Thông thương trong nước cũng từng bước nối lại nhưng giao thương quốc tế vẫn đình trệ. Đây là khó khăn chung của toàn thế giới và các DN XKLĐ cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Ông Trần Anh Quang Thanh, Giám đốc Chi nhánh PITSCO tại TP HCM, cho rằng thị trường sẽ sớm nối lại khi cả Việt Nam và Nhật Bản khống chế được dịch bệnh. Trong khi chờ đợi thông tin từ chính phủ hai nước, NLĐ nên liên tục cập nhật thông tin, nâng cao sức khỏe phòng dịch và dành nhiều thời gian cho việc học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng và ôn luyện tiếng cho thật tốt.

"Các bạn đã học xong hãy cố gắng học thêm tiếng vì học giỏi tiếng sẽ giúp các bạn nhanh chóng hòa nhập, làm quen với công việc và nhanh chóng thành công hơn. Không còn cách nào khác là chúng ta phải chờ chính phủ Nhật Bản cho nhập cảnh, mà theo tôi là sẽ sớm thôi vì khi Nhật Bản khởi động lại nền kinh tế, họ cần nhân lực rất nhiều và họ phụ thuộc vào các lao động đến từ nước ngoài" - ông Thanh chia sẻ.

Theo ông Thanh, không chỉ NLĐ sốt ruột mà các DN XKLĐ cũng lo lắng không kém vì mọi kế hoạch tuyển sinh đều khó khăn trong khi chi phí hoạt động vẫn phải chi.

Do đó, tất cả đều chờ ngày hết dịch, chờ ngày được tiễn các bạn ở sân bay như tiễn những niềm hy vọng đổi đời của các bạn trẻ. Hầu hết quốc gia tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc hiện đã tiến hành ngừng nhập cảnh.

Vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu các DN XKLĐ phải xây dựng kế hoạch đào tạo và chuyển đổi lao động đi làm việc tại những thị trường khác hoặc cung ứng cho các DN trong nước để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ.

Người học nghề chăm sóc sức khỏe và y tế vẫn được nhập cảnh vào Đức

Cơ quan đại diện CHLB Đức tại Việt Nam thông báo về ngoại lệ với học viên học nghề trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và y tế vẫn có thể nhập cảnh vào Đức trong thời gian hạn chế nhập cảnh. Hồ sơ xin cấp thị thực cho mục đích này vẫn được tiếp nhận và xử lý.

Các học viên học nghề trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và y tế từ nước thứ ba muốn nhập cảnh vào Đức phải đáp ứng những điều kiện sau: Đã có thị thực quốc gia Đức với mục đích học nghề trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và y tế; khi nhập cảnh phải xuất trình được hợp đồng đào tạo nghề trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và y tế; giấy xác nhận của trường nghề nêu rõ trong bối cảnh dịch Covid-19 chương trình học vẫn được thực hiện tại cơ sở đào tạo (lưu ý, xác nhận học trực tuyến không được chấp nhận); trường hợp học viên tham gia học tiếng trước chương trình học nghề thì khi nhập cảnh phải chứng minh được khóa học nghề sẽ diễn ra ngay sau khi khóa học tiếng kết thúc; phải nghiêm chỉnh thực hiện cách ly theo quy định của từng bang để phòng chống lây nhiễm bệnh Covid-19.

Đại sứ quán CHLB Đức tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán CHLB Đức tại TP HCM tiếp tục tiếp nhận hồ sơ xin cấp thị thực dài hạn cho mục đích học nghề chăm sóc sức khỏe và y tế (bao gồm đào tạo nghề trực tiếp và có khóa học tiếng trước đó).

Theo G.Nam/Báo Người Lao động