Lao động Việt Nam đối mặt với nguy cơ mất thị trường Hàn Quốc.

(Dân trí) - Trước tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn khi sang Hàn Quốc, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã cân nhắc hạn chế việc tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Hàn hoặc cắt giảm chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ta, thậm chí dừng thỏa thuận phái cử lao động.

Cần nắm rõ số lượng lao động bỏ trốn ở từng địa phương; gắn kết và làm rõ trách nhiệm giữa bản thân người lao động, gia đình họ và chính quyền địa phương trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc; kiến nghị với phía Hàn Quốc cho phép những người đã hoàn thành hợp đồng trở về có thể tiếp tục được đăng ký đi làm việc trở lại mà không phải thi tiếng Hàn; đối với ngành nông nghiệp và ngư nghiệp thì cần kiểm tra tay nghề trước khi đi…Đó là những ý kiến được đưa ta tại Hội thảo nhằm góp ý về Đề án “Ngăn ngừa tình trạng người lao động cư trú bất hợp pháp và chuyển đổi nơi làm việc của người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc”, do Trung tâm Lao động Ngoài nước vừa tổ chức tại Hà Nội.

Lao động Việt Nam đối mặt với nguy cơ mất thị trường Hàn Quốc. - 1
Những tiêu cực từ lao động Việt Nam đã gây nhiều bất lợi cho tình hình xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. (Ảnh minh hoạ)
 
Theo thống kê đáng lo ngại từ Trung tâm Lao động Ngoài nước (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), trong tổng số 55.608 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc, có tới 8.436 người đang cư trú bất hợp pháp, trong đó tỷ lệ này trong Chương trình EPS là 8,5% (đến tháng 3/2011), đứng thứ 7 trong 15 quốc gia phái cử nhưng lại đứng đầu về con số tuyệt đối (4392 người). Cá biệt có tình trạng người lao động bỏ trốn ngay sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc (tập trung chủ yếu vào những đối tượng gian lận trong khám sức khỏe ở trong nước hoặc đăng ký dự tuyển vào ngành nông nghiệp và ngư nghiệp với mục đích nhanh chóng được sang Hàn Quốc, nhưng đến sân bay là bỏ trốn ngay).
 
Người lao động Việt Nam cũng bị xếp vào top hay thay đổi công việc so với các lao động các nước khác,với tỷ lệ lên đến 32%, tương đương 22.455 người trong một năm. Nguyên nhân lao động bỏ trốn và nhảy việc chủ yếu vì lý do kinh tế. Theo thống kê, lao động Việt Nam tại Hàn Quốc có thu nhập bình quân từ 900 – 1.100 USD/người/tháng, hoặc cao hơn, cao hơn rất nhiều lần so với mức thu nhập trong nước. Với những tính toán khá hạn hẹp, nhiều lao động đã tìm bỏ qua những cam kết trong hợp đồng, tìm mọi cách để bỏ trốn khi gần hết hạn hợp đồng, hoặc chuyển đến những khu vực có thông tin mức lương cao hơn khi đang làm việc ổn định. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của lao động Việt Nam trong mắt các chủ sử dụng lao động Hàn Quốc. Bên cạnh đó số lượng lao động cư trú bất hợp pháp đang tăng lên tác động đến quá trình lập kế hoạch tiếp nhận lao động Việt Nam.

Lãnh đạo Cục Quản lý Lao động Ngoài nước cho biết, thực trạng này đã dẫn tới việc Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã cân nhắc đến biện pháp hạn chế việc tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Hàn hoặc cắt giảm chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ta. Thậm chí, nếu tiếp tục diễn biến nghiêm trọng thì phía Hàn Quốc có thể áp dụng biện pháp dừng thực hiện thỏa thuận phái cử lao động sang Hàn Quốc.

Để khắc phục tình trạng này, Trung tâm Lao động Ngoài nước dự kiến sẽ thực hiện một số biện pháp như: Thay đổi cách thức tuyển chọn lao động đối với ngành nông nghiệp và ngư nghiệp; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi xuất cảnh; tăng cường giám sát chặt chẽ quá trình kiểm tra sức khỏe của người lao động; thiết lập mạng kết nối việc làm cho người lao động đã hoàn thành hợp đồng về nước nhằm giới thiệu cho các công ty Hàn Quốc tại Việt Nam; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền. Bên cạnh đó, sẽ tiến hành đàm phán với phía Hàn Quốc về một số chính sách nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng hiện nay.

P.T