1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lao động trẻ phải tìm việc… qua các quan hệ cá nhân

Một tỷ lệ lớn lao động (LĐ) trẻ làm việc trong lĩnh vực hộ gia đình hoặc phi chính thức và không đúng với chuyên môn được đào tạo, đồng nghĩa với việc họ ít có điều kiện tích lũy kỹ năng, có khuynh hướng ít được hưởng BHXH hơn.


Ảnh minh họa từ internet.

Ảnh minh họa từ internet.

Thông tin được đưa ra trên cơ sở khai thác hai bộ số liệu có tính đại diện toàn quốc là Điều tra LĐ việc làm trong 10 năm từ 2007 đến 2016 và Điều tra chuyển tiếp từ trường học tới việc làm trong hai năm 2012 và 2015 được Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố tại Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2018 “Hiểu thị trường LĐ để tăng năng suất”.

Hiện tại thừa, tương lai thiếu…

Theo nhóm nghiên cứu, tốc độ tăng trưởng của lực lượng LĐ đang giảm dần dẫn tới nguồn cung LĐ trẻ về mặt số lượng có xu hướng giảm. Việc làm cho LĐ trẻ không là vấn đề lớn nhưng chất lượng việc làm chưa tốt như kỳ vọng: một phần lớn LĐ trẻ tốt nghiệp phổ thông tham gia vào thị trường LĐ qua kênh LĐ gia đình hoặc hộ kinh doanh cá thể nên không tích lũy đủ khả năng cho việc làm, dẫn đến lãng phí nguồn lực và có thể thiếu LĐ có kỹ năng trong tương lai.

Cùng với đó, tỷ lệ LĐ trẻ tham gia BHXH không cao dễ bị tác động trước những cú cốc (gia đình và kinh tế). Sự không phù hợp về chuyên môn lớn trên thị trường LĐ làm mất cân bằng cung cầu: lãng phí nguồn lực hiện tại và không tích lũy đủ LĐ cho tương lai.

Theo số liệu khảo sát của ILO, hiệu quả của các trung tâm dịch vụ việc làm rất mờ nhạt trong việc kết nối cung cầu LĐ trẻ nên LĐ trẻ thường thiếu thông tin thị trường. Điều này cho thấy nguy cơ năng suất không được cải thiện trong tương lai đi cùng với nhiều rủi ro hơn. Vì thế, sự tìm kiếm việc làm, nhất là LĐ trẻ thường phải qua các quan hệ cá nhân chứ không phải qua các trung gian chuyên nghiệp trên thị trường, cho thấy một thị trường LĐ thực thụ chưa phát triển. Kết quả là, các chính sách thúc đẩy LĐ việc làm của Nhà nước thường ít phát huy tác dụng.

Trong khi đó, xuất khẩu LĐ là một “cửa” để tạo việc làm và tăng chất lượng (qua đào tạo) cho lực lượng LĐ nhưng chưa thực sự phát huy tác dụng vì sau khi về nước, nhiều LĐ đã không làm những công việc được đào tạo khi đi xuất khẩu LĐ. Khoảng một nửa số thực tập sinh trả lời rằng công việc tại Nhật Bản không liên quan đến công việc họ đã làm hoặc từng học trước đó. 61% lựa chọn công việc không liên quan đến công việc đã làm ở Nhật. Đây cũng là sự lãng phí trong lực lượng LĐ và nền kinh tế cần được nhìn nhận để có giải pháp khắc phục.

Đào tạo và nâng cao tri thức, kỹ năng cho người LĐ

Trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và lo ngại về thất nghiệp trước sự “đe dọa” của tự động hóa cực cao và khả năng siêu kết nối trong ngắn hạn, một phần lực lượng LĐ kỹ năng thấp (chẳng hạn các công nhân trong dây chuyền lắp ráp) vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tự động hóa cơ bản nay có thể bị ảnh hưởng hơn nữa. Sự ra đời của “cobots”, tức robot hợp tác có khả năng di chuyển và tương tác, sẽ giúp các công việc kỹ năng thấp đạt năng suất nhảy vọt.

Tuy nhiên, những người bị ảnh hưởng nặng nhất có thể là lực lượng LĐ có kỹ năng trung bình do sự phát triển của siêu tự động hóa và siêu kết nối, cộng với trí tuệ nhân tạo sẽ tác động đáng kể đến bản chất của các công việc tri thức.

Vì vậy, chất lượng LĐ, nhất là LĐ trẻ là vấn đề cần phải chú ý để góp phần tăng năng suất cho nền kinh tế khi lợi thế về LĐ giá rẻ sẽ ngày càng mất đi do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo Báo Pháp luật VN