Lao động thành thị chịu ảnh hưởng nặng nhất từ Covid-19
Một lượng lớn lao động đã rời bỏ thị trường lao động tại thành thị do những tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19.
Theo báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10 của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ thất nghiệp đã tăng mạnh - mặc dù từ mức thấp, do việc cả nước thực hiện giãn cách xã hội vào tháng 4.
Trong đó, người lao động thành thị bị ảnh hưởng nhiều nhất vì nhiều người gặp khó khăn do các biện pháp can thiệp và hạn chế đi lại. Mặc dù các điều kiện dần được cải thiện trong những tháng gần đây, thị trường lao động vẫn cần thêm thời gian để phục hồi.
Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị không những cao hơn mức trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Covid-19, mà một số lượng lớn người lao động đã rời lực lượng lao động. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động chỉ đạt 74,0% trong quý III, vẫn thấp hơn 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam có thể tăng trưởng đến 3% trong năm nay
Dù thị trường lao động vẫn khá đáng lo ngại song về tổng thể theo WB, kinh tế Việt Nam đang có sự phục hồi vững chắc.
Theo đó, sau khi rơi vào suy thoái kỷ lục trong quý II với tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 0,39%, tăng trưởng đã phục hồi và tăng lên đến 2,62% (so với cùng kỳ năm trước) trong quý III. Tổng thể, nền kinh tế tăng trưởng 2,1% trong 9 tháng đầu năm 2020.
Con số này thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng đạt 7,0% trong cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn là một kết quả ấn tượng trong bối cảnh dịch Covid-19 trên toàn cầu.
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI cũng là điểm sáng khác của nền kinh tế Việt Nam. Theo WB, Dòng vốn FDI vào Việt Nam trong tháng 9 đã tăng trở lại mức tháng 4 và tháng 5 sau khi sụt giảm trong tháng 8.
Cụ thể, giá trị vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hồi phục trong tháng 9, tăng từ mức 720 triệu USD trong tháng 8 lên đến 1,65 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm 2020, tổng số vốn FDI cam kết giảm khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2019 – đây vẫn là kết quả rất tích cực trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu dự đoán giảm từ 30-40% theo dự báo mới nhất của UNCTAD.
Cùng với đó, thặng dư thương mại hàng hóa đạt mức kỷ lục.
Thống kê từ WB cho thấy, thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt 16,8 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, một phần nhờ mức thặng dư 2,8 tỷ USD trong tháng 9. Giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng 8% (so với cùng kỳ tháng trước), trong khi hàng nhập khẩu tăng 10,7% so với tháng 8. Các đơn vị xuất khẩu trong nước tiếp tục thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ - tăng 20,2% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2019.
WB đánh giá sự phục hồi kinh tế dường như ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng hơn, cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt 2,5 - 3,0% vào năm 2020. Song WB cũng khuyến nghị, do bất ổn cả trong và ngoài nước, Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn đến việc giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực tài chính công và khu vực tài chính.