Lao động phi chính thức: Bươn chải với lương bình quân 4,4 triệu đồng/tháng

(Dân trí) - “Mức lương trên bằng 58% tiền lương bình quân của lao động chính thức, cao hơn 1,5 lần tiền lương tối thiểu vùng 4 và chỉ cao hơn 12,6% tiền lương tối thiểu vùng 1. Với mức tiền lương này, người lao động rất khó bảo đảm cuộc sống cho mình và nuôi sống gia đình…”.


Cả nước có tới 18 triệu lao động phi chính thức

Cả nước có tới 18 triệu lao động phi chính thức

Đây là một phần nội dung Báo cáo của Tổng cục Thống kê và Tổ chức lao động Quốc tế về lao động phi chính thức, được phát hành hôm 4/10 tại Hà Nội.

Báo cáo đã đưa ra cảnh báo về những thiệt thòi, sự dễ tổn thương của hơn 18 triệu lao động phi chính thức tại Việt Nam. Nhóm đối tượng này đang ở các vị thế việc làm khác nhau, như: Lao động tự làm, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, lao động gia đình không hưởng lương và người làm công ăn lương...

Chịu nhiều thiệt thòi

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Mai - Vụ trưởng Vụ Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch Đầu tư) - về chất lượng lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo trong khu vực phi chính thức chỉ khoảng 14 %. Ngược lại, tỷ lệ này ở khu vực chính thức lên tới 54 %.

Báo cáo cho thấy, lao động phi chính thức xuất hiện ở cả khu vực chính thức. Theo đó, trong năm 2016, khoảng 1/3 trong tổng số 16,139 triệu người làm công ăn lương là lao động phi chính thức (khoảng 5,433 triệu người). Tức là trong 3 người làm công ăn lương ở khu vực phi chính thức sẽ có 1 lao động phi chính thức.

Trong việc làm, gần 70% lao động phi chính thức làm việc trong 3 nhóm ngành: “công nghiệp chế biến, chế tạo”; “xây dựng” và nhóm “bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy”.

Những ngành, lĩnh vực sử dụng lao động phi chính thức chủ yếu là giản đơn, điều kiện lao động không bảo đảm, công việc không ổn định, năng suất lao động thấp và tiền lương thấp.

Về thời gian làm việc, lao động làm công ăn lương phi chính thức làm nhiều hơn 2 giờ so với lao động làm công ăn lương chính thức và cao hơn số giờ làm việc theo quy định (49,2 giờ và 47,2 giờ).

Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có số lao động phi chính thức lớn nhất: Trên 20% tổng số lao động phi chính thức của cả nước.

Dễ bị tổn thương

Theo kết quả khảo sát, có một bộ phận không nhỏ lao động phi chính thức phải làm việc lưu động như vỉa hè, lề đường (10,5%), làm việc ở các chợ hoặc trung tâm thương mại (8,6%), làm việc ngoài trời (6,4%).

Nhóm này dễ bị tác động bởi các chính sách quản lý nhà nước và các điều kiện tự nhiên, thời tiết.

Về tiền lương bình quân, lao động phi chính thức có mức lương là 4,44 triệu đồng/tháng, bằng 58% tiền lương bình quân của lao động chính thức mình và nuôi sống gia đình.

Chỉ có 1,9 % lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. Khoảng 0,2% số lao động phi chính thức tham gia BHXH bắt buộc và 1,9% tham gia BHXH tự nguyện, còn lại 97,9% lao động phi chính thức không tham gia BHXH. Trong khi đó, 80,5% lao động chính thức tham gia BHXH bắt buộc.

Về ký kết hợp đồng lao động. Hơn 62 % có thỏa thuận miệng và 14,6% không có bất cứ một thỏa thuận nào. Người lao động phi chính thức luôn ở trong tình trạng không bảo đảm về việc làm.

Chịu thế yếu hơn trong thỏa thuận tiền lương, không được hưởng các chế độ phúc lợi và không được bảo đảm đầy đủ các điều kiện lao động.

Về bảo hiểm xã hội, Báo cáo đưa ra cảnh báo về việc đa số lao động phi chính thức và một bộ phận người lao động chính thức không tham gia BHXH (cả bắt buộc và tự nguyện) đang đặt ra những hệ lụy to lớn cho người lao động. Đặc biệt khi họ gặp rủi ro dẫn đến mất thu nhập, cũng như những thách thức lớn cho hệ thống an sinh xã hội quốc gia về bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh việc nêu ra thực trạng, Báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị nhằm hỗ trợ lao động phi chính thức, như: Đẩy mạnh quá trình chính thức hóa khu vực phi chính thức; tăng cường chính sách công và sự bảo vệ đối với lao động phi chính thức; tăng cường thực thi luật pháp lao động trong khu vực chính thức; tăng cường hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ nghề nghiệp cho lao động phi chính thức; đẩy mạnh phát triển chương trình BHXH tự nguyện…

Hoàng Mạnh