1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lao động nước ngoài ồ ạt rời Saudi Arabia

Trong vòng mấy quý trở lại đây, hàng trăm nghìn lao động nước ngoài đã rời khỏi Saudi Arabia...

Trong vòng mấy quý trở lại đây, hàng trăm nghìn lao động nước ngoài đã rời khỏi Saudi Arabia, và xu hướng này có thể sẽ không sớm chấm dứt.

Với nguồn thu dồi dào từ xuất khẩu dầu lửa, Saudi Arabia đã là một điểm đến hấp dẫn đối với lao động từ các quốc gia khác trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, trong bối cảnh các công ty ở Saudi Arabia đối mặt với tình hình kinh doanh chậm lại và cơ quan chức năng nước này áp phí lao động ngoại quốc cao hơn, nền kinh tế lớn nhất thế giới Arab đang mất đi một phần sức hút đối với lao động nước ngoài.


Saudi Arabia là nền kinh tế lớn nhất thế giới Arab - Ảnh: Reuters.

Saudi Arabia là nền kinh tế lớn nhất thế giới Arab - Ảnh: Reuters.

Dữ liệu cho Chính phủ Saudi Arabia công bố mới đây cho thấy số lao động nước ngoài ở nước này đã giảm 6% trong 3 tháng đầu năm 2018, còn 10,2 triệu người. Trong vòng 5 quý tính đến hết quý 1, số lao động nước ngoài ở Saudi Arabia đã giảm 700.000 người.

Những ngành chứng kiến số lao động nước ngoài giảm sút ở Saudi Arabia trong quý 1 có ngành xây dựng - một ngành cần nhiều nhân công giá rẻ - và cả các ngành thương mại và công nghiệp chế tạo.

Tuy số lao động nước ngoài giảm, tỷ lệ thất nghiệp của người Saudi Arabia vẫn tăng nhẹ lên 12,9%, cho thấy thách thức mà Chính phủ nước này trong vấn đề tạo việc làm cho người dân. Nền kinh tế Saudi Arabia vẫn đang trong tiến trình phục hồi chậm chạp kể từ sau đợt suy thoái tồi tệ nhất hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009.

Tạo việc làm cho người Saudi Arabia là một ưu tiên của thái tử Mohammed bin Salman, người "đứng mũi chịu sào" cho chiến lược giảm phụ thuộc vào dầu lửa của nước này. Theo chương trình cải cách quốc gia của Saudi Arabia, Chính phủ nước này đặt mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp về mưc 9% trước năm 2020.

"Chúng tôi dự báo số lao động nước ngoài bị mất việc ở Saudi Arabia sẽ còn tăng trong năm nay", chuyên gia kinh tế Mohamed Abu Basha thuộc ngân hàng đầu tư EFG-Hermes ở Cairo nhận định. Vị chuyên gia đưa ra dự báo này dựa trên các yếu tố gồm phí lao động nước ngoài tăng, những nỗ lực nhằm mang lại việc làm cho người bản xứ, và bức tranh kinh tế kém sáng sủa của Saudi Arabia.

Từ tháng 7 năm ngoái, Chính phủ Saudi Arabia bắt đầu áp mức phí 100 Riyal, tương đương gần 27 USD, mỗi tháng đối với mỗi lao động nước ngoài. Theo dự kiến, phí này sẽ tăng lên mức 400 Riyal/tháng vào tháng 7/2020.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Saudi Arabia chỉ tăng 1,2% trong quý 1 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng là quý tăng đầu tiên sau 5 quý, nhờ giá dầu tăng trở lại. Trong đó, tăng trưởng kinh tế khu vực tư nhân chỉ đạt 1,1%.

Theo VNeconomy.vn