Thanh Hóa:

Lao động nhọc nhằn mưu sinh ven biển những ngày gần Tết

Bình Minh

(Dân trí) - Làm việc từ 4h-5h hàng ngày, nhưng người lao động làm nghề xẻ cá thuê, gánh moi, phân loại cá tôm hay vác dầu, đá lạnh cho tàu thuyền chỉ kiếm được từ 80.000-120.000 đồng.

Trên vùng biển Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) hằng ngày có cả trăm lao động ở các độ tuổi 35-70, trong đó chủ yếu là phụ nữ ra bờ biển chờ đợi những chiếc tàu cập bến để làm những công việc như: Bốc vác, vận chuyển và phân loại cá… Những công việc tưởng chừng như tạm bợ nhưng lại là nguồn đảm bảo cuộc sống của nhiều gia đình. Có những người đã gắn bó với nghề đến vài chục năm.

Lao động nhọc nhằn mưu sinh ven biển những ngày gần Tết - 1

Công việc của người lao động phụ thuộc những chuyến tàu thuyền ra vào khơi.

Chẳng kể nắng mưa hay giá rét, lao động ở đây ngày nào cũng "chạy xô" theo những chuyến tàu ra vào khơi. Khi những con tàu, thuyền vừa cập bến là lúc lao động ùa nhau xuống xin được làm việc. Những ngày giáp Tết, có thêm người già lẫn học sinh tham gia công việc này để kiếm thêm thu nhập.

Dù bịt mấy lớp khăn thế nhưng khuôn mặt chị Lê Thị Hòa (xã Ngư Lộc) vẫn không tránh khỏi đen xạm bởi gió biển. Đôi tay thoăn thoắt lựa chọn, phân loại sản vật biển, chị vừa kể về công việc nhọc nhằn.

Lao động nhọc nhằn mưu sinh ven biển những ngày gần Tết - 2

Mỗi một chuyến như thế này, chủ tàu trả cho người lao động 5000 đồng.

Ngày nào chị Hòa cùng bà con ở xóm chài này đều ra biển từ 4-5h, tới tối mịt mới trở về nhà. Công việc mỗi ngày của chị là vận chuyển cá, tôm, moi từ trên tàu vào đến bờ hay phân loại cá, tôm, cua.

Nếu được thuê vận chuyển hàng, chị Hòa sẽ cùng một lao động khác gánh một thùng hàng đi từ tàu lên bờ khoảng cách 15m. Lương của họ không tính bằng ngày công, mà tính bằng sản phẩm. Mỗi lần vận chuyển một thúng cá, tôm, cua nặng khoảng 40-50kg, chị được trả công 5.000 đồng.

"Việc không phải liên tục mà phải chờ tàu vào mới có nên mỗi ngày cũng chỉ kiếm được khoảng 120.000 đồng, thậm chí có ngày không có việc thì chỉ 60.000-70.000 đồng".

Lao động nhọc nhằn mưu sinh ven biển những ngày gần Tết - 3

Những ngày giáp Tết, học sinh cũng tranh thủ kiếm thêm thu nhập.

Những lúc rảnh rỗi chưa có việc, chị Hòa lại cùng các lao động khác ngồi phân loại cá, công việc này cũng giúp họ có thêm 20.000-30.000 đồng.

Ngoài công việc khiêng cá từ biển lên, những phụ nữ ở đây còn vận chuyển dầu máy, thức ăn, nhu yếu phẩm phục vụ cho những chuyến đi biển. Giá vận chuyển một can dầu máy 30 lít từ đê xuống đến biển được chủ trả công 5.000 đồng/can.

"Vài năm nay xuất hiện dịch Covid-19, những chuyến tàu ra khơi cũng ít hơn, công việc của lao động như chúng tôi cũng vì thế mà bấp bênh. Tết đến nơi nhưng nhà nào cũng khó khăn cả vì thế gần Tết là không kể người già, trẻ con đều ra biển tìm việc. Người già, trẻ nhỏ thì phân loại cá, tôm, bóc tôm", chị  Nguyễn Thị Tươi vừa tất bật gánh moi từ biển lên đê vừa chia sẻ.

Lao động nhọc nhằn mưu sinh ven biển những ngày gần Tết - 4

Người lao động tất bật với nghề xẻ cá.

Chị Phạm Thị Oanh (thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc) làm công việc xẻ cá, chồng chị theo tàu ra khơi quanh năm, một mình chị với những đứa con nheo nhóc. Chị cho biết, đi làm từ sáng sớm đến tối mới về nhà nhưng công việc không đều, lúc có hàng lúc không nên thu nhập cũng không được bao nhiêu, ngày thường, chị được trả công 50.000-70.000 đồng tùy theo số lượng cá xẻ được.

Lao động nhọc nhằn mưu sinh ven biển những ngày gần Tết - 5

Tranh thủ lúc chưa có hàng về, lao động lại ngồi phân loại cá, tôm cũng giúp họ kiếm thêm 10.000-20.000 đồng.

"Dịp Tết công việc nhiều và đều hơn, tuy có vất vả chút nhưng thu nhập cũng được tăng hơn, khoảng 120.000-150.000 đồng/ngày. Năm nào cũng chỉ chờ vào tháng cuối cùng của năm để có thêm chi phí sắm Tết, con cái có thêm bộ quần áo mới", chị Oanh tâm sự.

Lao động nhọc nhằn mưu sinh ven biển những ngày gần Tết - 6

Người lao động nhận lương sau một ngày vất vả, cực nhọc.

Theo ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, đàn ông nơi đây đi biển quanh năm. Phụ nữ ở nhà cũng bám biển mưu sinh. Công việc tuy mang lại thu nhập bèo bọt nhưng là cần câu cơm của người dân nơi đây bao đời nay.

Được biết, toàn xã Ngư Lộc hiện có 323 phương tiện khai thác, với tổng công suất 70.671 CV; lao động nghề cá có 2.526 người. Tổng sản lượng khai thác năm 2021 ước đạt 13.880 tấn, tổng giá trị khai thác hải sản ước đạt 355 tỷ đồng.