Tết Dương lịch năm 2022: Nhọc nhằn "kiếp mưu sinh"
Kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2022, cũng như mọi năm, nhiều lao động tự do vẫn lao ra đường kiếm sống. Thế nhưng, dịch giã khiến chợ búa ế ẩm ảnh hưởng đáng kể đến công việc của những người quanh năm bám chợ sinh sống.
Cố gắng bám trụ ở Hà Nội mưu sinh
Sáng mùng một Tết Dương lịch, phóng viên có mặt tại chợ đầu mối Long Biên. Mưa phùn kèm theo gió rét, nhưng nhiều lao động tự do vẫn miệt mài làm việc. Từ bán hàng rong, bốc vác, đến đẩy xe hàng, mọi việc vẫn diễn ra tất bật không khác gì ngày thường.
Ngồi bên thùng hàng hoa quả vẫn còn quá nửa, cô Nguyễn Thị Liên (55 tuổi, quê Hưng Yên) lắc đầu ngán ngẩm: "Tết Dương năm nay hàng hóa bán ra chậm, người mua ít, phần nhiều vì dịch người ta cũng ngại ra đường. Những năm trước bán được đắt hàng lắm, người ta ra vào chợ nườm nượp từ đêm đến tờ mờ sáng chứ không như năm nay, ế gần nửa rồi".
Cô Liên ngồi bán hoa quả ở chợ đầu mối này đã hơn mười năm, từ Hưng Yên lên Hà Nội mưu sinh với mong muốn kiếm được chút tiền gửi về cho gia đình nên bao nhiêu năm nay cô chưa bao giờ dám nghĩ đến việc nghỉ ngơi. Hàng ngày cô dọn hàng ra chợ từ khoảng 9h tối đến 3h sáng. Công việc cứ lặp đi lặp lại như thế, không kể mưa nắng. Số tiền kiếm được sau khi trả tiền thuê trọ và sinh hoạt thì cũng đủ để gửi về quê nuôi con ăn học.
Vì là lao động tự do nên cô không có bảo hiểm nghề nghiệp. Bán hàng được ngày nào thì hay ngày ấy, thu nhập phụ thuộc cả vào sạp hàng hoa quả này. Vì vậy, dù là dịp lễ Tết như hôm nay thì cũng vẫn phải đi làm. Bao nhiêu năm bán hàng ở đây cũng là bấy nhiêu năm cô chưa từng đón tết Dương lịch. "Tết Dương thì cũng chỉ là ngày bình thường như những ngày khác thôi. Làm nghề này làm gì có khái niệm nghỉ Tết dương lịch bao giờ".
Một mình kéo xe chất đầy hàng hóa vào chợ, bóng dáng cô Nguyễn Thị Hà (50 tuổi) hòa lẫn vào khung cảnh chợ đông đúc. Cả năm nay dịch bệnh phức tạp, cô Hà chưa một lần về quê Nam Định. Cô kể: "Dịch bệnh nhưng mà vẫn phải cố, mình không làm thì lấy gì mà ăn. Về quê còn phải cách ly, xét nghiệm,... tiền ăn còn chưa có, tiền đâu mà làm ba thứ kia!".
Cô Hà là lao động tự do ở chợ đầu mối Long Biên, ai thuê gì làm nấy. Làm lâu năm ở chợ, cô Hà thở dài vì ít việc. "Các năm giờ này tất bật, làm không hết việc. Năm nay người thuê làm ít lắm, vì dịch mà, ai cũng tiết kiệm chi phí hết mức cả".
Gia đình khó khăn, vất vả bươn chải từ ngày mới 6 tuổi. Nỗi lo toan nhọc nhằn hàng ngày khiến cô Hà "quên luôn" cả việc lập gia đình. 50 tuổi, một mình bươn chải ở Hà Nội, lo thêm mẹ già ở quê. Gánh nặng cả đời người hằn lên từng vết chân chim trên gò má người phụ nữ này.
1 năm dịch bệnh vất vả khép lại, cô Hà chỉ mong có đủ sức khỏe để bươn chải. "Năm mới chẳng mong gì, chỉ mong có sức khỏe, không bệnh tật ốm đau. Có sức khỏe là có tất cả, Hà Nội rộng lớn thế này, lo gì không sống nổi cháu ơi!". Nói rồi cô phất tay, lại bận bịu chở chuyến hàng còn đang dở.
Lao động tự do thì làm gì có nghỉ Tết dương lịch
Cũng là lao động tự do như nhiều người khác, bà Lê Thị Bình (52 tuổi) đã có thâm niên hơn 30 năm bán hàng tại chợ hoa Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội). Sạp hoa nhỏ của bà bán đủ các loại hoa, mùa nào hoa nấy, không thiếu loại gì. Đôi tay vừa thoăn thoắt tỉa lá, bó hoa vừa luôn miệng mời chào khách dường như đã trở thành thói quen.
Bà kể đã ngồi đây bán hàng từ 5 giờ sáng, tầm trưa nghỉ một chút rồi chiều lại bán tiếp, có ngày bán đến tối muộn mới về. Hoa tươi được các thương lái nhập tận vườn, suốt hơn 30 năm nay đây là "cần câu cơm" chính của bà nên dù có là ngày lễ Tết thì bà vẫn bán hàng như thường, chỉ mong kiếm thêm chút tiền để lo cho gia đình.
Theo bà Bình, tuy hôm nay là tết Dương lịch nhưng lượng hàng bán ra vẫn không đáng kể, hoa ế nhiều một phần là do dịch bệnh mọi người hạn chế ra đường, hơn nữa "người ta cũng không chơi hoa Tết Tây, chỉ có Tết Ta thì mới kiếm được". Hàng hóa dù chẳng bán được là bao nhưng nhiều năm nay bà chưa bao giờ có khái niệm nghỉ Tết Dương lịch. "Tôi chưa bao giờ nghỉ Tết Dương cả. Cái sạp hoa nhỏ này là nguồn sống nuôi 2 đứa con tôi học đại học đấy, Tết Dương mà nghỉ thì lấy gì mà ăn".
Ngồi bên sạp hàng cạnh đó, bà Đinh Thị Thìn (48 tuổi) đang ngồi xì xụp húp nốt bán phở đang ăn dở. Bán hàng từ 3h sáng, bây giờ bà mới có thời gian nghỉ ngơi để ăn bát phở cho ấm bụng. May mắn hơn những người khác, sạp hoa của bà Thìn đã bán được gần hết, chỉ còn vài bó hoa cúc và dăm bông hồng. Nụ cười nở tươi rói trên môi người phụ nữ tuổi tứ tuần, đã lâu lắm rồi hôm nay mới được một ngày bội thu.
Cũng từ quê lên mưu sinh, bà Thìn đã quen với công việc vất vả này được gần 20 năm. Nếu như người ta lễ Tết được nghỉ ngơi thì ngày này với bà cuộc sống vẫn tất bật như vậy. Bà kể năm nay hoa đắt, do nhiều nhà vườn sợ dịch không bán được nên bỏ vườn. Giá hoa tăng cao nhưng hiếm hàng nên nhiều người muốn mua mà không được. Tết Dương lịch năm nay bà dọn hàng từ sớm "Có vất vả cũng phải cố mà làm. Cố kiếm chút tiền dịp này thì may ra Tết Nguyên Đán còn được về quê đoàn tụ cùng gia đình".
Mở đầu ngày đầu năm mới, Hà Nội vẫn gió lạnh "cắt da cắt thịt". Người lao động tự do vẫn bắt đầu ngày mới với bao nỗi lo toan bộn bề. Những kiếp sống tha phương, lo lắng bữa cơm ngày hôm nay, về ngày đoàn tụ với gia đình, về cuộc sống mai này già yếu,...