Lao động di cư tự do - chuyện không của riêng ai

Với sứ mệnh đặc biệt của mình, IOM đang hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế và xã hội thông qua di cư, nâng cao nhân phẩm và sức khoẻ của người di cư.

Gấp lại những trang sách cuối cùng thời trung học, chàng trai tuổi đôi mươi Đặng Quang Sơn đã quyết định rẽ bước hành trình sang con đường lao động ngoài nước để đi tiếp cuộc đời. "Tôi muốn tìm hiểu ở nước ngoài họ sinh sống và làm việc như thế nào và muốn trải nghiệm cuộc sống ở đó" - Sơn chia sẻ.

Không chỉ những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi, mà từ trong các ngôi làng nghèo ở Nghệ An, người dân đã hướng sức mình ra ngoài biên giới của đất nước để lao động. Thế hệ nối tiếp thế hệ, cứ vậy, đi lao động nước ngoài đã trở thành một xu hướng sống ở Nghệ An trong nhiều năm qua.

Anh Hoàng Mạnh Danh, sinh năm 1988, là một ngư dân nghèo thuộc huyện Quỳnh Lưu chia sẻ, vì cuộc sống gia đình quá khó khăn, nên vợ chồng bàn bạc nhau để cho anh đi xuất khẩu lao động.

Lao động di cư tự do - chuyện không của riêng ai - 1

Tự tìm hiểu thông tin qua bạn bè, hàng xóm, những người đi trước; tự liên hệ sang nước ngoài để kiếm việc làm; những bản hợp đồng mập mờ được ký vội; những đồng tiền là mồ hôi nước mắt, là cả một gia tài được trao tay mà người ta hay gọi là tiền "thế thân". Thế chỗ vào đó là những hứa hẹn cho giấc mơ xuất ngoại mà họ không hay biết có những rủi ro, nguy hiểm luôn rình rập.

Nói về vấn đề nhức nhối trên, ông Đặng Cao Thắng (Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An) cho biết: "Hiện nay Nghệ An có hơn 65.000 người lao động ở các thị trường tại các nước, trong đó có hơn 11.000 là lao động di cư tự do, đi làm việc tại một số nước mà chưa kí kết thỏa thuận đưa lao động sang làm việc có hợp đồng, đây là hiện tượng không bình thường. Nếu đi làm việc di cư tự do sang các nước mà chưa được kí kết lao động thì người lao động sẽ bất lợi nhiều thứ. Không có hợp đồng lao động, pháp luật của hai nước không bảo lãnh, khi xảy ra rủi ro thì bản thân người lao động rất thiệt thòi. Đây là những hình thức đi lao động bất hợp pháp”.

Bà Trần Thị Vân Hà (Cục Quản lý Lao động ngoài nước) đánh giá: “Chúng tôi cho rằng những câu chuyện chưa thành công của những người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài là do trước khi đi họ tìm hiểu các thông tin chưa kỹ, người lao động chưa biết đến nơi mà mình sẽ tới: Văn hóa, pháp luật của nước sở tại, thậm chí họ còn không biết đến điều kiện làm việc, những cái thách thức, khó khăn mà họ sẽ phải đối mặt như thế nào”.

Dù kết quả nhận được, hay cái giá phải trả là gì, thì cũng không có ước mơ nào là đáng trách; mà ngược lại, di cư trật tự và nhân đạo sẽ mang lại lợi ích cho chính bản thân người lao động và cả xã hội. Tận tụy với sứ mệnh ấy, Tổ chức Di cư Quốc tế IOM, Cơ quan Di cư Liên Hợp Quốc, cùng với các đối tác là các quốc gia thành viên, các tổ chức xã hội và cộng đồng quốc tế cùng phối hợp hành động nhằm hỗ trợ trong việc đáp ứng với những thách thức về di cư; thúc đẩy hiểu biết về những vấn đề của di cư.

Ngày 5/12/2016 đánh dấu 65 năm nỗ lực không ngừng của IOM với mạng lưới văn phòng tại trên 100 quốc gia toàn cầu. Tại Việt Nam, IOM bắt đầu hoạt động từ năm 1987 và hiện đang hoạt động trong khuôn khổ Hiệp định Hợp tác với chính phủ Việt Nam.

Lao động di cư tự do - chuyện không của riêng ai - 2

Trở lại với câu chuyện của Sơn, sau ba năm loay hoay mà vẫn chưa tìm được lối đi cho giấc mơ của mình, anh đã tìm đến Văn phòng Thông tin Di cư MRC Nghệ An. Sơn thật thà chia sẻ: “Chúng tôi là những người lao động bỏ ra rất nhiều thời gian và tiền bạc để quyết định sự di cư này, nếu như gặp những rủi ro thì đó là một điều mất mát quá lớn. Qua sự tư vấn của văn phòng thông tin di cư thì chúng tôi đã nhận được những thông tin rất bổ ích, để xác định được đi lao động ở nước nào cho phù hợp”.

Lao động di cư tự do - chuyện không của riêng ai - 3

Ông David Knight, Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam cho biết: “Tổ chức Di cư Quốc tế IOM, với tư cách là Cơ quan Di cư Liên Hợp Quốc , đã có bề dày hoạt động trong 65 năm qua. Một trong những vai trò quan trọng của chúng tôi là tăng quyền năng cho người di cư bằng những thông tin cần thiết để họ đưa ra những quyết định di cư đúng đắn: Thông tin về nơi họ nên đi, mức chi phí, những lợi ích và các rủi ro tiềm ẩn".

Với sứ mệnh đặc biệt của mình, IOM đang hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế và xã hội thông qua di cư, nâng cao nhân phẩm và sức khoẻ của người di cư. Không chỉ trang bị những kiến thức đúng đắn cho cuộc hành trình của người lao động mà IOM còn hỗ trợ người dân viết tiếp những ước mơ đang bị bỏ dở giữa những toan tính của cuộc sống. Để hiểu hơn về thông điệp mà IOM muốn mang đến nhiều hơn cho người dân Việt Nam, mời bạn cùng xem và chia sẻ bộ phim ngắn về di cư an toàn tại: www.facebook.com/iom.vietnam/videos/1785071735076353/

P.V

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm