Lao động di cư trở về đóng góp đáng kể cho sự phát triển đất nước
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan nhận định, người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về nước cần được huy động và sử dụng có hiệu quả vì mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh điều này tại hội thảo "Rà soát báo cáo quốc gia của Việt Nam về tái hòa nhập vào thị trường lao động cho lao động di cư trở về nước".
Hội thảo được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với sự hỗ trợ của Quỹ Châu Á tổ chức để chia sẻ những nghiên cứu có được từ báo cáo quốc gia của Việt Nam về tái hòa nhập thị trường lao động cho người lao động di cư. Trao đổi cởi mở về những cơ hội và thách thức mà lao động di cư trở về gặp phải, đưa ra các khuyến nghị về hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài quay trở về một cách hiệu quả cũng như kết nối giữa thị trường lao động trong nước và khu vực.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan khái quát, thời gian qua, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng; thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Bên cạnh đó, nhiều thị trường mới đã được mở ra như Australia, New Zealand, Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Séc, Slovakia, Rumani... Số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng ổn định, từ năm 2014 đã vượt qua con số 100.000 người/năm. Đặc biệt, giai đoạn từ 2013 đến 2021, Việt Nam đã đưa được gần 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài.
"Lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước; đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích lũy và cải thiện đời sống người lao động và gia đình.
Lực lượng lao động này sau khi về nước trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội trong nước và là nhân tố quan trọng giúp lan tỏa tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động và là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và quốc tế.
Do vậy, người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về nước cần được huy động và sử dụng có hiệu quả vì mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước", Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nói.
Thứ trưởng Hoan nhấn mạnh, định hướng này luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động về nước đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho mình và cho người khác.
Qua hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan kỳ vọng, nghiên cứu quốc gia của Việt Nam sẽ nhận được sự quan tâm đóng góp của các quốc gia thành viên ASEAN và sẽ là bước đi đầu tiên trong nhiều hoạt động hướng tới tái hòa nhập hiệu quả cho người lao động di cư vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực ASEAN nói chung.
Tại hội thảo, bà Katherine Loh - Tư vấn quốc tế bày tỏ sự ủng hộ đối với dự án tái hòa nhập việc làm cho lao động di cư.
"Lao động di cư quay về cần được hỗ trợ an sinh. Những người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về đều nói rằng, những kinh nghiệm, kiến thức họ có được trong quá trình làm việc thật sự giá trị.
Nếu được hỗ trợ, khi trở về nhóm lao động này sẽ có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế, xã hội qua những kinh nghiệm họ có được trong thời gian làm việc tại nước ngoài", bà Katherine Loh cho biết.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia quốc tế, người lao động di cư quay trở về giai đoạn 2020-2021 gặp không ít trở ngại trong quá trình tái hòa nhập khi đại dịch Covid-19 đã tác động đến hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế, thị trường lao động và xã hội.
"Người lao động di cư, đặc biệt là lao động trẻ luôn gặp khó khăn trong việc chấp nhận mức lương thấp hơn được đưa ra trên thị trường lao động Việt Nam.
Nhiều người từ chối những lời mời làm việc với điều kiện họ coi là thấp, họ lựa chọn tìm kiếm việc làm ở nơi khác hoặc ở nước ngoài. Những người chấp nhận mức lương thấp hơn cũng nhanh chóng rời bỏ việc làm khi tìm được một công việc trả lương cao hơn", vị chuyên gia cho rằng chính điều này khiến người sử dụng lao động coi những người lao động trở về là đối tượng "ẩn chứa nhiều rủi ro".