Làng thổi thuỷ tinh lo mất nghề
(Dân trí) - Nghề thổi thủy tinh đã có từ khá lâu ở xã Thống Nhất (Thường Tín, Hà Tây). Trải qua năm tháng, nghề này đã dần mai một. Thay vào đó, dân ở đây phần lớn xoay sang làm ống tiêm y tế - một nghề đầy nhọc nhằn mà thu nhập chẳng được là bao.
Quá khứ “vang bóng” của làng nghề
Đi từ Hà Nội theo đường I cũ khoảng 30km là tới xã Thống Nhất. Ở đây trước kia có làng Giáp Long chuyên nghề thổi thủy tinh. Những năm 60, nghề này là nghề chính của người dân trong làng. Ông Tạ Văn Minh, một người dân sống lâu đời ở đây cho hay: “Thời trước, đồ dùng gia công thủy tinh Thống Nhất nổi tiếng khắp nơi. Sản phẩm thủy tinh của Thống Nhất được người tiêu dùng ưa chuộng bởi kiểu dáng đa dạng, phong phú, chất lượng tốt mà giá lại rẻ. Chúng tôi làm tất cả từ những đồ dùng đơn giản như bóng đèn, chai, lọ, ly, cốc, nắp phích... đến những vật trang trí cầu kì, yêu cầu sự kiên nhẫn, tỉ mỉ như những con giống để trưng bày”.
Ông Minh nhớ lại, cả xã có làng Giáp Long là nơi phát triển nhất trong toàn xã về sản xuất đồ dùng thủy tinh. Sản phẩm của xã chủ yếu được đặt mua từ Hà Nội, rồi từ đó mới chuyển đi mọi miền trong nước. Nhờ vào nghề này mà đời sống kinh tế của bà con làng Giáp Long được phát triển.
Nghề đang thịnh vượng thì cơ chế thay đổi. Những năm 1990, hàng hoá từ bên ngoài ùa vào thị trường Việt Nam. Đồ dùng thuỷ tinh Thống Nhất lao đao vì không có đầu ra.Các lò thủy tinh cứ thế tắt dần, tắt dần...
Hình ảnh những lò thổi thủy tinh suốt ngày nóng hầm hập, bề bộn những đống nguyên liệu thủy tinh và dãy chai lọ thành phẩm chỉ còn trong quá khứ. Ông Minh còn nhớ, ngày còn nhỏ, ông thường lang thang vào các lò thổi, nhặt nhạnh những viên thủy tinh óng ánh đủ màu sắc đem về chơi. Ngày ấy, cả làng luôn tấp nập người ra kẻ vào, thu mua sản phẩm. Nhưng giờ thì tất cả chỉ còn là vang bóng.
Đánh cược cuộc sống với lửa, khói, bụi...
Chẳng còn nghề thổi thuỷ tinh, dân làng Giáp Long xoay sang nghề làm ống tiêm, ống thuốc y tế. Không còn các lò kéo thủy tinh nên nguyên liệu làm ra ống tiêm được người dân mua ở Thái Bình.
Công việc vất vả, nhưng thu nhập của những công nhân này chỉ đạt khoảng 300.000đ/tháng. |
Trong cái nóng hầm hập, tôi theo ông Minh vào xưởng sản xuất ống tiêm của gia đình ông. Tiếng là xưởng, nhưng căn nhà cấp 4 chỉ rộng chừng trên 30m2, hơn chục con người đang ra sức làm ống tiêm gia công. Từng ống thuỷ tinh dài hàng mét, được cắt bằng những ngọn đèn khò phì phò lửa, sau đó vuốt dài và đốt đầu ống. Người nào cũng thoăn thoắt xoay ống, cắt ống rất lành nghề.
Anh Bình - một người thợ khá lâu năm trong nghề - vừa vuốt mồ hôi trên mặt vừa tiếp chuyện: “Làm nghề này chỉ phải học khoảng 2 tháng là cùng, nhưng vất vả lắm. Mùa đông còn đỡ, chứ mùa hè thì nóng kinh khiếp. Anh thấy, hơn chục cái đèn đốt, nóng hầm hập thế này mà không được dùng quạt. Nếu có gió là ngọn lửa đổi hướng, không thể làm được”.
Đống ống tiêm anh Bình làm được đã cao vút, ước chừng phải được vài cân. Tôi tiện tay cầm thử một chiếc nhưng lập tức phải buông chiếc ống ra. Chiếc ống tiêm rơi xuống nền nhà vỡ tan. Nóng. Trong phút chốc, hai ngón tay tôi phồng rộp. Anh Bình cười: “Anh không quen đâu, đừng sờ vào nóng lắm. Ở đây chúng em quen hết rồi. Đầu ngón tay ai cũng chai lại, mất hết cảm giác. Nếu không thì không thể làm được nghề này”.
Xưởng ông Minh có gần 20 đèn đốt, dưới nền nhà ngập ngụa rác thuỷ tinh. Bước chân tới đâu, thuỷ tinh vỡ kêu rào rào tới đó. Tôi chỉ đi một đoạn mà đã sởn gai ốc ớn ngại. Đám thợ trong xưởng ông phần lớn đều đi chân đất cho mát. Nhìn mà rùng mình, có lẽ họ đã quen.
Rời nhà ông Minh, tôi sang nhà ông Lương Văn Khả - người được giới thiệu là đã có 20 năm trong nghề làm ống tiêm. Ông Khả không có nhà, chỉ có anh con trai tên Khoa. Anh Khoa nói: “Bố tôi vào nghề thủy tinh từ những năm nghề phát triển rầm rộ. Làng nghề lụi tàn nhưng ông chẳng bỏ nghề mà vẫn tiếp tục quay sang làm ống tiêm. Giờ thì trong nhà luôn có từ 10-30 người lao động. Nói chung, người lao động còn vất vả lắm”.
Đám thợ trong nhà anh Khoa cho biết, lương được trả theo sản phẩm. Mỗi tháng bình quân một người thu nhập được từ 300-400 nghìn đồng. Những người lành nghề và rất chăm chỉ, thì cũng chỉ đạt tới 600 nghìn đồng/tháng.
Cả xã Thống Nhất bây giờ có gần chục hộ theo đuổi nghề sản xuất thủy tinh, mỗi hộ có vài chục nhân công. Vất vả, thu nhập chẳng được bao nhiêu, nhưng vì cuộc sống, những xưởng sản xuất ở đây vẫn đỏ đèn đều đặn hàng ngày. “Thời buổi đồ thủy tinh y tế không còn được ưa chuộng như xưa, đang dần được thay thế bằng vỉ thuốc, sản phẩm nhựa... Không biết tôi còn trụ được với nghề này bao lâu nữa” - ông Minh lo lắng.
Văn Long