Làng nghề may cờ Tổ quốc nhộn nhịp trước ngày Quốc khánh
(Dân trí) - Những ngày cận kề Quốc khánh 2/9, không khí làm việc ở các xưởng thêu, may cờ Tổ quốc tại làng Từ Vân (Hà Nội) khẩn trương với tiếng máy cắt vải, máy khâu, tiếng nói cười rộn rã của người làm nghề...
Hơn 70 năm qua, người dân làng Từ Vân (Lê Lợi, Thường Tín, Hà Nội) gắn bó với nghề thêu, may cờ Tổ quốc. Công việc thiêng liêng, tự hào và mang đến nguồn thu nhập ổn định cho đời sống người làm nghề.
Hàng chục năm tuổi nghề
Bà Đặng Thị Đàn (64 tuổi, Từ Vân, Thường Tín, Hà Nội) có hơn 40 năm làm nghề may, thêu cờ Tổ quốc. Những ngày cận dịp Quốc khánh 2/9, xưởng sản xuất của gia đình bà Đàn mỗi ngày xuất hàng trăm sản phẩm đặc biệt này cho khách hàng.
Bà Đàn cho biết: “Các loại cờ được sản xuất để phục vụ trong những dịp khai giảng năm học mới, ngày Quốc khánh 2/9, dịp lễ, Tết, cổ vũ đội tuyển bóng đá Việt Nam”.
Để kịp sản xuất đủ hàng do khách đặt trước ngày Quốc khánh 2/9, xưởng nhà bà Đàn đang thuê thêm 25 nhân công làm việc các vị trí khác nhau như may, chạy máy, xếp hàng với mức lương từ 120.000 - 200.000 đồng/ngày.
Theo bà Đàn, trước đây để sản xuất ra được một lá cờ mất rất nhiều thời gian, từ khâu chọn vải, cắt vải rồi phải tỉ mỉ từng đường may. Mỗi dịp Quốc khánh 2/9 hay Tết Nguyên đán, bà phải huy động tất cả con cháu trong nhà làm ngày làm đêm mà vẫn không kịp.
Đến nay, xưởng sản xuất của gia đình bà Đàn áp dụng nhiều máy móc tiên tiến và được lập trình bằng máy tính nên độ chính xác và năng suất cao hơn.
“Mỗi lá cờ biểu tượng cho hồn thiêng dân tộc. Nghề may cờ bởi thế dù không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng phải hết sức khéo léo, cẩn thận. So với các nghề may thêu khác, càng phải kỳ công từ khâu chọn vải, may, in, pha màu”, bà Đàn chia sẻ nói.
Cũng theo bà Đàn, để làm ra lá cờ hoàn chỉnh cần có nhiều công đoạn, như: Cắt vải, may nhiều lớp, may viền, may mặt, phải đo chính xác, lấy phấn đánh dấu rồi đặt ngôi sao và lấy ghim để giữ... Trong đó, bước quan trọng là ghép ngôi sao vào cờ, phải chính xác ở giữa.
Làm nghề may cờ thuê đã 7 năm nay, chị Nguyễn Thị Tuyết, một hộ sản xuất của làng Từ Vân, chia sẻ: "Mỗi ngày, gia đình tôi may được khoảng 200 -250 lá cờ, bình quân thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày. Việc may cờ vừa đem lại thu nhập ổn định lại vừa có thời gian chăm lo cho gia đình, con cái".
Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người làm cờ phải thực sự khéo léo, tỉ mỉ trong từng đường kim, mũi chỉ, làm sao để cờ may xong không chỉ chính xác về tiêu chuẩn mà còn phải sắc nét, bền đẹp.
Cờ Tổ quốc thêu tay
Công nghệ sản xuất hiện đại đã hỗ trợ người dân làng Từ Vân trong việc may cờ và đem đến năng suất cao hơn. Tuy nhiên ở Từ Vân, nhiều hộ gia đình vẫn giữ gìn cách làm cờ truyền thống là thêu tay.
Chị Vương Thị Nhung (Từ Vân, Thường Tín, Hà Nội) năm nay 46 tuổi nhưng đã có hơn 30 năm chuyên thêu cờ Tổ quốc.
Chị Nhung chia sẻ: “Ngày trước bố tôi làm cờ nên tôi theo nghề từ năm 10 tuổi, đến khi đi lấy chồng vẫn đem nghề theo. Sản phẩm do gia đình tôi làm ra chủ yếu là cờ thêu tay do các cơ quan, đoàn thể và người dân đặt hàng”.
Theo chị Vương Thị Nhung, để có thể sản xuất ra một lá cờ thêu tay thì từ xưa đến nay, loại vải để làm lá cờ là vải sa mua từ làng La Khê (Hà Đông, Hà Nội). Vải phải dày dặn, màu đỏ tươi mới đem lại độ bền và chịu được nắng gió. Còn tua, chỉ được mua từ làng Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội).
Để hoàn thiện một lá cờ thêu tay, chị Nhung phải mất gần 2 ngày, những người chưa thạo nghề có khi mất đến cả tuần. Từng đường kim mũi chỉ được thêu nên cờ phải đạt độ chính xác rất cao.
Chính vì vậy, giá thành của một lá cờ thêu tay từ 300.000 - 500.000 đồng tùy kích cỡ, cao hơn nhiều lần so với cờ được may bằng máy.
Cũng theo chị Nhung, tiền thuê nhân công thêu cờ bằng tay cũng cao hơn so với nhân công may cờ, từ 200.000 - 250.000 đồng/người/ngày.
Lý giải nguyên nhân sao không dùng máy móc cho năng suất, chị Nhung cho rằng muốn giữ nghề truyền thống thêu tay của cha ông để lại, và truyền lại cho các thế hệ sau.
Chị Nhung tự hào khoe về cô con gái năm nay mới 22 tuổi, nhưng cũng đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề thêu cờ. Ngoài cô con gái lớn, các con rồi cháu của chị Nhung cũng hàng ngày hỗ trợ người lớn trong việc thêu cờ.
Lan toả mọi miền Tổ quốc
Theo chị Nhung, bà Đàn và các hộ gia đình làm cờ khác trong thôn, nghề làm cờ này khó khăn nhất là lúc khách hàng cần gấp với số lượng lớn, yêu cầu người làm phải thao tác nhanh nhưng vẫn phải đạt độ bền đẹp và chính xác trong từng đường kim mũi chỉ.
“Các dịp lễ, tết đều cần dùng đến cờ nên người dân làng Từ Vân quanh năm không hết việc. Thu nhập ổn định từ nghề may cờ giúp các gia đình có tiền lo cho con cháu ăn học đến nơi đến chốn, nhiều nhà còn xây được nhà, tậu được xe”- chị Nhung phấn khởi kể.
Cũng theo chị Nhung, trước đây, làm cờ rất mất nhiều thời gian, từ khâu đo vải, vẽ ngôi sao bằng phấn rồi cẩn thận cắt tay từng chi tiết, để hoàn thiện 1 lá cờ có khi mất cả buổi sáng, đây cũng là lý do nhiều họ gia đình bỏ nghề.
“Hồi ấy, cả gia đình tôi 5 người làm. Hàng ngày, bố tôi sẽ chở cờ bằng xe đạp lên phố Hàng Bông (Hoàn Kiếm, Hà Nội) giao cho khách, 94 tuổi nhưng ông cụ vẫn đạp xe băng băng mấy chục km đi giao cờ. Ông cụ thọ 104 tuổi, cũng là những người đầu tiên đem nghề làm cờ về làng” - chị Nhung tự hào chia sẻ.
Sống được bằng nghề, tự hào được làm nghề, người dân làng Từ Vân luôn cảm thấy xúc động, thiêng liêng khi những lá cờ gia đình bà sản xuất đã có ở mọi miền Tổ quốc.
Nghề tạo việc làm cho 70-100 lao động
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Kỳ - Trưởng thôn Từ Vân (Lê Lợi, Thường Tín, Hà Nội) cho biết: “Hiện nay, thôn Từ Vân có 5 hộ gia đình có nghề truyền thống may cờ Tổ quốc. Nghề đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 70 - 100 lao động trong thôn và các thôn lân cận".
Theo ông Nguyễn Văn Kỳ, làng nghề Từ Vân trước đây nổi tiếng về nghề thêu từ những năm giữa thế kỷ 16, đến năm 1945 nhiều nghệ nhân thêu giỏi được Uỷ ban kháng chiến mời vào Hợp tác xã cờ đỏ trên phố Hàng Bông (Hà Nội) để may cờ Tổ quốc chuẩn bị cho khởi nghĩa.
Sau đó các cụ đem nghề thêu cờ về làng truyền dạy cho con cháu đến tận ngày nay. Cũng theo ông Kỳ, trước đây thôn Từ Vân có nhiều hộ gia đình làm cờ, nhưng do chưa có máy móc nên năng xuất không cao, nhiều hộ chuyển sang làm nghề khác. Mấy năm trở lại đây, có nhiều máy móc hiện đại được áp dụng vào làm cờ nên nghề làm cờ đang dần trở lại sôi động.
"Thôn cũng đã hàng năm động viên, khuyến khích các gia đình mở rộng quy mô sản xuất và giữ gìn nghề truyền thống”- ông Kỳ cho biết thêm.