1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thanh Hóa:

Làng nghề hoa giấy Mật Sơn "chạy nước rút" phục vụ Tết ông Công, ông Táo

(Dân trí) - Năm nào cũng vậy, Tết ông Công, ông Táo càng đến gần, những người thợ ở làng nghề truyền thống làm hàng mã Mật Sơn (phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa) lại tất bật hơn bao giờ hết. Họ phải làm ngày làm đêm mới có thể đủ sản phẩm cung ứng ra thị trường.

Khoảng 20 ngày trước Tết ông Công, ông Táo (23 tháng chạp âm lịch), làng Mật Sơn đã tập nập người đến mua đồ vàng mã như trẩy hội. Du khách sẽ cảm nhận được không khí Tết đang về rất gần.

Vừa xuất hàng cho khách, người dân trong làng vừa hối hả sản xuất tiếp những đơn hàng cuối trong vụ mùa lớn nhất trong năm.

Làng nghề hoa giấy Mật Sơn chạy nước rút phục vụ Tết ông Công, ông Táo - 1
Làng nghề hoa giấy Mật Sơn chạy nước rút phục vụ Tết ông Công, ông Táo - 2

Những người thợ làm hàng mã ở Mật Sơn đang tất bật chuẩn bị hàng để phục vụ cho Tết ông Công ông Táo.

Làng nghề hoa giấy Mật Sơn chạy nước rút phục vụ Tết ông Công, ông Táo - 3

Làm hàng mã có rất nhiều công đoạn và đòi hỏi phải khéo tay.

Để phục vụ nhu cầu của người dân, những hộ sản xuất hoa giấy đã chuẩn bị nguyên liệu từ tháng 11 và đến nay đang tập trung nhân lực để sản xuất những mặt hàng truyền thống như hoa ông Công, hoa gia tiên.

Theo những người dân tại đây, thời điểm giáp Tết âm lịch là lúc bận rộn nhất. Vào dịp cuối năm, hàng hóa làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó, nhiều gia đình còn phải vay hàng của nhau để kịp đóng lô xuất đi.

Chúng tôi có mặt tại gia đình nhà ông bà Minh Thanh, phố Mật Sơn 2. Ông Thanh cho biết, vào dịpTết Nguyên Đán, lượng tiêu thụ hàng mã tăng gấp đôi, gấp ba nên gia đình ông phải tập tập trung nhân lực để sản xuất cho kịp.

Có thời điểm vào vụ, gia đình ông Thanh phải thuê 20 lao động làm hoa giấy, hàng hóa xếp chật kín nhà để khách đến lấy.

Bà Duyên, người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề làm vàng mã cho rằng, thời điểm giáp Tết âm lịch là lúc bận rộn nhất trong năm. Những ngày này các thành viên trong gia đình bà đều dành hết thời gian của mình để làm vàng mã cho kịp tiến độ chuyển đến các đại lý ở khắp nơi.

Làng nghề hoa giấy Mật Sơn chạy nước rút phục vụ Tết ông Công, ông Táo - 4

Thời điểm cận ngày ông Công ông Táo hầu như "cháy hàng" vì không đủ để cung ứng lượng mua sỉ của khách.

Trước kia cơ sở sản xuất của bà chỉ có 8-9 người làm, nhưng mỗi khi Tết đến số lượng công nhân phải tăng gấp đôi để kịp tiến độ. Mỗi ngày gia đình bà cũng nhận được đến cả trăm đơn hàng.

Cũng theo những người làm nghề thì mỗi bộ có giá từ 30.000 – 80.000 đồng, thế nhưng khi đến tay người dùng giá có thể tăng lên gấp đôi.

Nhờ có nghề làm hàng mã, bà con nơi này có cuộc sống khấm khá hơn. Làng hoa giấy Mật Sơn (phường Đông Vệ) hiện có 120 hộ làm nghề hoa giấy. Ngoài những đồ dành cho ngày 23 tháng Chạp, nhiều gia đình vào thời điểm này cũng làm những món đồ mã phục vụ cho ngày Tết Nguyên Đán, dịp tháng Giêng.

Làm hàng mã cũng đòi hỏi phải khéo tay mới làm ra được những sản phẩm đẹp, kỳ công thể hiện sự thành kính, thiêng liêng. Do phát triển lâu đời, có quy mô và thị trường tiêu thụ khá lớn mà Làng hoa giấy Mật Sơn, phường Đông Vệ đã trở thành Làng nghề nổi tiếng xứ Thanh.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Vệ cho biết: “Từ những năm 90 đến nay nghề hoa giấy ở đây đã phát triển nhanh chóng tuy nhiên mãi đến năm 2016, nhà nước mới công nhận là Làng nghề. Hiện nay, Làng nghề Hoa Giấy Mật Sơn đã  góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho các hộ gia đình phố Mật Sơn. Nhiều gia đình làm hoa giấy đã thoát nghèo, kinh tế khá giả hơn, có hộ gia đình thu được hàng trăm triệu đồng mỗi năm”.

Bình Minh