1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Làng lụa “Á hậu” tất bật vào vụ Tết Nguyên đán 2017

(Dân trí) - Tới làng lụa Nha Xá (xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, Hà Nam) thời điểm này, đi đến đâu cũng nghe thấy tiếng con thoi nhịp nhàng, tiếng dồn dập của khung cửi hoà với tiếng nói cười rôm rả của những người thợ. Danh tiếng của lụa Nha Xá chỉ xếp sau lụa của làng Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội). Bởi vậy, nhiều người vẫn gọi Nha Xá là làng "á hậu" về nghề dệt lụa.

Những ngày đầu tháng 10 Âm lịch, không khí làm việc ở làng dệt “á hậu” Nha Xá bắt đầu “nóng dần”. Các khung cửi, máy dệt khắp mọi nhà đang chạy đua với thời gian để hoàn thành các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán.


Se tơ tằm lấy sợi dệt vải

Se tơ tằm lấy sợi dệt vải

Làng dệt lụa Nha Xá, cách thành phố Phủ Lý gần 30km về phía Bắc. Ngôi làng tọa lạc bên tả ngạn sông Hồng ngay dưới chân cầu Yên Lệnh nối liền hai tỉnh Hưng Yên và Hà Nam. Làng không chỉ được biết đến với biệt danh làng lụa “á hậu” mà còn nổi tiếng với những ngôi biệt thự cổ kiến trúc Pháp được xây dựng từ đầu thế kỷ 20.

Tương truyền, làng Nha Xá được Nhân Huệ vương - Phiêu kỵ Đại tướng quân Trần Khánh Dư, là võ tướng thời nhà Trần, có công đánh giặc, nên được vua Trần Thánh Tông lập làm Thiên tử nghĩa nam (con nuôi của vua), truyền nghề cá, trồng dâu nuôi tằm và dệt vải. Nhờ vậy, Nha Xá đã trở thành làng nghề phát triển.

Các khung cửi, máy dệt khắp mọi nhà đang chạy hết công suất
Các khung cửi, máy dệt khắp mọi nhà đang chạy hết công suất

Vào thế kỷ 17 - 18, người xưa có câu truyền: “Nhất Kinh Kỳ, nhì Phố Hiến”, để nói về sự làm ăn phát đạt và giao thoa kinh tế ở Phố Hiến, Hưng Yên chỉ đứng sau Kinh Kỳ. Nhờ giáp ranh với Hưng Yên, nên lụa Nha Xá ngày một nổi tiếng và hưng thịnh hơn, nhiều người biết đến hơn.

Những năm 1920 - 1930, làng dệt lụa của Nha Xá rất hưng thịnh và phát triển, người dân nơi đây đưa vải lụa đi khắp nơi buôn bán, thị trường hấp dẫn nhất là Sài Gòn, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc. Thời gian này, không ít lái buôn đổi đời trở thành những người giàu có.

Những tấm lụa “á hậu” dần được hình thành
Những tấm lụa “á hậu” dần được hình thành

Đây cũng là thời kỳ mà người dân Nha Xá được tiếp xúc với giới buôn bán để mở rộng tầm mắt. Đặc biệt sau này, nhà tư sản Bạch Thái Bưởi đã đánh giá nghề lụa Nha Xá có cơ hội phát triển, nên đã tìm cách tiếp cận với người dân nơi đây, cho tàu cập mạn đê hữu sông Hồng lấy hàng sang phương Tây.

anh-4-1479825859068

Quá trình làm dệt lụa đòi hỏi quan sát tỉ mỷ, tránh lỗi

Trải qua bao thời gian thăng trầm, đến nay làng dệt Nha Xá vẫn duy trì làng nghề để ngày càng làm đẹp cho đời, làm ấm lòng người trong và ngoài nước. Hiện nay làng dệt Nha Xá có 255 hộ, gần 800 nhân khẩu với khianrg 100 máy dệt.

Mỗi hộ làm nghề dệt thường có khoảng 2 - 3 máy dệt, có nhà nhiều nhất là 8 chiếc. Nguyên liệu tơ chủ yếu được lấy từ thôn Từ Đài, xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên và nhập từ tỉnh Lâm Đồng.

Khi đất nước chuyển sang cơ chế thị trường, khung dệt được chia về từng gia đình. Năm 1993, làng dệt đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng lưới điện đến từng nhà. Có điện, làng dệt càng nhộn nhịp hơn, góp phần giải phóng sức lao động cơ bắp cho mọi người, tăng năng suất lên gấp đôi và mở rộng khổ vải, lụa từ 0,3-0,8 mét lên 1-1,2 mét.

Người dân Nha Xá phơi lụa
Người dân Nha Xá phơi lụa

Những năm gần đây khi áp dụng máy móc hiện đại, thay vì thao tác thủ công các gia đình đã chuyển dần sang chuyên môn hóa từng khâu: Hộ nào dệt chỉ có dệt, hộ nhuộm thì chuyên nhuộm. Chính vì vậy chất lượng sản phẩm được nâng cao, sản lượng lớn hơn. Nhiều mặt hàng mới ra đời như hàng đũi, tơ se, hàng lụa hoa, hàng lanh...làng dệt càng nhộn nhịp hơn, sức lao động được giải phóng góp phần tăng năng suất lên gấp đôi, chất lượng, mẫu mã sản phẩm tiếp tục được nâng cao.

Làng nghề đã có sự phân công lao động tự nhiên mang tính chuyên môn hoá theo mặt hàng cũng như theo công đoạn sản xuất.. Cái đáng quý của nghề dệt cha ông để lại là tận dụng được sức lao động, không chỉ của mọi người trong làng mà còn của hàng trăm lao động ở các vùng lân cận.

Mặc dù khó khăn về vốn sản xuất và đầu ra cho sản phẩm, dù vậy, quy mô sản xuất của làng nghề đang tiếp tục mở rộng theo hướng công nghiệp, từng bước hiện đại hoá. Nhiều gia đình tiếp tục đóng thêm máy dệt, hoặc đầu tư thay khung gỗ bằng khung sắt để làm ăn lâu dài.

Công đoạn nhuộm chủ yếu vẫn được làm thủ công, người dân chỉ sử dụng máy nhuộm công nghiệp khi có đơn hàng từ vài trăm mét trở lên. Nhiệt độ và thời gian nhuộm chính là bí quyết để tạo mầu đẹp và đảm bảo không bị phai bạc mầu.
Công đoạn nhuộm chủ yếu vẫn được làm thủ công, người dân chỉ sử dụng máy nhuộm công nghiệp khi có đơn hàng từ vài trăm mét trở lên. Nhiệt độ và thời gian nhuộm chính là bí quyết để tạo mầu đẹp và đảm bảo không bị phai bạc mầu.

Hiện nay, nếu gia đình nào đầu tư máy dệt làm xưởng, cũng tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân quanh vùng. Xưởng nào vừa vừa bình quân bình quân mỗi ngày cho ra 100 mét vải, tương đương 100 m2. Thu nhập của công nhân cũng ở mức ổn định khoảng trên 2 triệu đồng/người/tháng.

Không những phục vụ tiểu thương các vùng lân cận, các xưởng còn chủ động liên hệ và xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản... Có việc làm thường xuyên và ổn định, doanh thu hàng năm trừ chi phí sản xuất thu lãi gần 100 triệu đồng/năm.

Theo nhiều hộ làm nghề tại Nha Xá, công đoạn nhuộm chủ yếu vẫn được làm thủ công, người dân chỉ sử dụng máy nhuộm công nghiệp khi có đơn hàng từ vài trăm mét trở lên. Nhiệt độ và thời gian nhuộm chính là bí quyết để tạo mầu đẹp và đảm bảo không bị phai bạc mầu. Sau khi nhuộm, lụa sẽ được sấy khô và cán phẳng bằng máy. Tuy nhiên, tùy thuộc theo yêu cầu của khách hàng, các hộ sản xuất cũng có thể đem phơi lụa theo cách truyền thống. Việc này thường được áp dụng đối với mặt hàng lụa tơ tằm dạng mỏng.

Ông Nguyễn Văn Định, ở xóm 2, Nha Xá cho biết: ‘Thông thường cuối năm thì hàng bán chạy hơn rất nhiều do nhu cầu tiêu dùng cao hơn. Nhưng họ cũng đòi hỏi chất lượng phải tốt hơn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đảm bảo cả về giá cả cho họ, không tăng giá nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cho khách hàng”.

Cổng vào làng lụa Á hậu Nha Xá
Cổng vào làng lụa "Á hậu" Nha Xá

Hiện nay, lụa Nha Xá bán với giá 38.000đ/1m chưa nhuộm, còn 60.000đ/1m đã nhuộm. Thị trường chủ yếu của lụa Nha Xá hiện nay chủ yếu là khu vực phía Nam và những nước lân cận như Lào, Thái Lan, Campuchia và Trung Quốc.

Phía UBND xã Mộc Nam cho biết, những năm trước đây lụa Nha Xá ở thời kỳ hưng thịnh, con buôn kéo đến đây đông nghịt, nhưng thời điểm này thật là hơi hiếm, trừ dịp giáp tết. Để xây dựng lại thương hiệu lụa Nha Xá, hiện nay UBND xã đã thành lập hiệp hội làng nghề để tạo thành thương hiệu.

Ngày 10/8/2015, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Nam tổ chức trao giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể lụa Nha Xá cho Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh lụa Nha Xá (xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên), do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp.

Nhãn hiệu tập thể lụa Nha Xá được sử dụng cho các sản phẩm lụa của làng Nha Xá, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên gồm: kén tằm; sợi tơ tằm, chỉ tơ tằm và tơ tằm đã xe; vải lụa, vải lụa dùng cho mẫu in hoa, khăn lụa và dịch vụ mua bán sản phẩm lụa Nha Xá.

Đức Văn