Lần đầu tiên tổ chức đối thoại thực hiện chính sách bảo hiểm y tế

(Dân trí) - Sáng 28/6, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam tổ chức Hội nghị đối thoại việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế và ký quy chế phối hợp giữa BHXH VN với Hiệp hội.


Ảnh: Hà Phương

Ảnh: Hà Phương

Đây là lần đầu tiên, ngành bảo hiểm xã hội tổ chức đối thoại để lắng nghe những ý kiến của các đơn vị khám chữa bệnh ngoài công lập về việc thực hiện chính sách BHYT.

Số lượng bệnh viện tư nhân tăng nhanh

Theo ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH VN, sau hơn 2 năm thực hiện, những quy định sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế đã đem lại nhiều quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế trên phạm vi cả nước.

Bên cạnh nhiều điểm tích cực, ông Phạm Lương Sơn cũng thẳng thắn thừa nhận việc thực hiện quy định đôi chỗ chưa hoàn toàn suôn sẻ, có thể phát sinh vướng mắc.

“Chính vì vậy, BHXH VN rất mong muốn buổi đối thoại là cơ hội để các nhà quản lý lắng nghe các ý kiến của các đại diện các bệnh viện, phòng khám tư nhân. Nhất là những vấn đề bất cập để nhanh chóng sửa đổi, hướng tới thực hiện hiệu quả chính sách BHYT” - ông Phạm Lương Sơn cho biết.

Cũng theo đại diện BHXH VN, những vướng mắc nào xuất phát từ việc hiểu chưa đúng về chính sách, cơ quan này sẽ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế, Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam tổ chức hội thảo, tập huấn để tổ chức thực hiện hiệu quả hơn.

“Những gì thuộc về cơ chế chính sách chưa thông thoáng, cơ quan Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm trình Chính phủ, Quốc hội kiến nghị sửa đổi” - ông Phạm Lương Sơn nói.

Theo ông Vũ Xuân Bằng, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHXH VN), số lượng cơ sở tư nhân ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày càng tăng và góp phần không nhỏ vào công tác chăm sóc sức khoẻ toàn dân.

Năm 2015, cả nước có 365 cơ sở ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong đó phòng khám là 210 cơ sở, bệnh viện tư nhân là 155 (được xếp tương đương bệnh viện hạng 2).

Lần đầu tiên tổ chức đối thoại thực hiện chính sách bảo hiểm y tế - 2

Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng GĐ BHXH VN.

Đến năm 2017, con số này đã là 444 cơ sở, trong đó phòng khám là 292, bệnh viện là 152 (71 bệnh viện tương đương hạng 2, 81 bệnh viện tương đương hạng 3). Hầu hết các tỉnh, thành phố đều có cơ sở khám chữa bệnh tư nhân thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Tính đến hết quý 1/2017, số lượt khám chữa bệnh là 4.226.854 lượt và chi phí khám chữa bệnh BHYT là gần 1.600 tỉ đồng. Chi phí bình quân một đợt khám chữa bệnh ngoại trú là 384.528 đồng, chi bình quân một đợt điều trị nội trú là 3.584.312 đồng.

Cần sự điều chỉnh từ nhiều phía

Bên cạnh những điểm sáng của hệ thống bệnh viện ngoài công lập, ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (BHXH Việt Nam), cũng cho biết vẫn còn tình trạng một số cơ sở khám chữa bệnh tư nhân có mức bình quân một lượt khám ngoại trú cao như: Bệnh viện Việt Pháp (TP HCM) là 4,1 triệu đồng, Bệnh viện Tân Sơn Nhất (TP HCM) 3,6 triệu đồng…

Qua hệ thống giám định điện tử, BHXH VN còn phát hiện tình trạng lạm dụng và trục lợi BHYT tại một số cơ sở y tế tư nhân.

Đơn cử Bệnh viện Y học cổ truyền (BV YHCT) tư nhân Lan Q (Bắc Giang) có chi phí điều trị ngoại trú bình quân lên đến 643.000 đồng/người, trong khi bệnh viện YHCT Trung ương chi phí này chỉ là 379.000 đồng/ người; bệnh viện YHCT Quân đội là 438.000 đồng và bệnh viện YHCT Công an là 469.000 đồng.

Tại một bệnh viện y học cổ truyền tư nhân, có bệnh nhân hơn 300 ngày điều trị trong năm, nghĩa là đến BV hàng ngày, các dịch vụ kê điều trị như nhau: Xoa bóp bấm huyệt, chiếu hồng ngọai, siêu âm.

Ngoài ra, nhiều cơ sở y tế tư đã có nhiều chiêu trò trục lợi BHYT, thu hút bệnh nhân khám chữa bệnh bằng cách miễn phí đồng chi trả cho người bệnh, thuê xe, vận động người dân đi khám bệnh, khuyến mại tặng quà, lạm dụng nhiều xét nghiệm, kỹ thuật…

Tại buổi đối thoại, đại diện các bệnh viện ngoài công lập và BHXH VN đã trao đổi nhiều ý kiến góp ý có tính xây dựng trong việc thực hiện chính sách BHYT.

Đánh giá cao sự cầu thị của BHXH VN đã tổ chức lần đầu tiên hội nghị đối thoại về thực hiện chính sách BHYT, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội BV tư nhân Việt Nam, cho rằng một số quy định về khám chữa bệnh, thanh toán BHYT tại các bệnh viện tư nhân chưa phù hợp với các bệnh viện ngoài công lập, như việc xếp hạng bệnh viện trong khi đó việc giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đang thực hiện theo hạng BV…

Ông Nguyễn Văn Đệ cũng cho rằng, cần điều chỉnh một số cơ chế, quy định trong thông tư, nghị định nhằm phù hợp và hỗ trợ các cơ sở y tế tư nhân, sự công bằng giữa y tế tư nhân và y tế công lập nhằm phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân thực hiện chính sách BHYT tốt hơn.

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

6 tháng đầu năm 2017: Hơn 340.000 lao động đăng ký trợ cấp thất nghiệp

Đến tháng 6/2017 số người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là hơn 11,2 triệu người, số tiền thu BHTN hơn 5.000 tỷ đồng. Cũng trong thời gian này, hệ thống các Trung tâm dịch vụ việc làm đã tiếp nhận hơn 340.000 lao động đăng ký trợ cấp thất nghiệp.

Theo khảo sát của Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm (Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH), trong 6 tháng đầu năm 2017, các Trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận 340.858 lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2016. Theo ông Nguyễn Thế Hà, Phó Giám đốc Trung tâm, một số nguyên nhân tăng vì: Số người tham gia BHTN tăng so với cùng kỳ năm 2016 dẫn đến số người đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng; Tại nhiều địa phương, người lao động đi làm việc tại những địa phương khác khi thất nghiệp về địa phương nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong khi đó, một số địa phương số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng còn do tình hình sản xuất kinh doanh chưa ổn định, nhiều doanh nghiệp chuyển đổi loại hình kinh doanh, tái cơ cấu, thu hẹp sản xuất và một số doanh nghiệp phải di dời tới địa phương khác nên cắt giảm lao động.

V.K

Mức lương hưu khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Bạn Nguyễn Đức Phúc (Ba Đình, Hà Nội) hỏi: Tôi muốn quan tâm tới chính sách bảo hiểm xã hội đối với người nghỉ hưu, mức lương hưu khi tham gia bảo hiểm xã hội như thế nào?

Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 3, Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo đó, mức lương hưu hằng tháng theo Điều 74 của Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau: Mức lương hưu hằng tháng được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội. Về tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính như sau: Người nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%; Nữ nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%; Nam nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội theo bảng dưới đây, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%:

V.H