Làm sao để từ chối “tình ý” của sếp?
(Dân trí) - Sếp đã chính thức “bắn tin” và thể hiện tình cảm nồng nàn dành cho bạn, nhưng thật khó để nói lời đồng ý bởi nhiều lý do. Bạn không biết nên làm thế nào để lời từ chối của mình không phải “đòn” giáng xuống đầu sếp. Dưới đây sẽ là câu trả lời.
Từ chối một cách khéo léo, tế nhị sẽ không làm đối phương sốc, bạn cũng vẫn có thể giữ được mối quan hệ với người ấy (ảnh minh họa)
Trả lời những câu hỏi cá nhân một cách chung chung
Bạn sẽ không thể không trả lời những câu hỏi của sếp bởi nhiều lý do “bất khả kháng”. Tuy nhiên, bạn có thể khéo léo trả lời bằng những câu chung chung và có phần không liên quan đến câu hỏi. Ví dụ, nếu sếp muốn biết thêm thông tin về cuộc sống cá nhân của bạn, bạn có thể tặng sếp một nụ cười cùng câu trả lời “ oh, nó phức tạp lắm sếp ạ” và cố gắng kết thúc câu chuyện càng nhanh càng tốt.
Giọng điệu chuyện trò luôn dứt khoát
Khi sếp gọi điện vào số cá nhân để chuyện trò với bạn. Thay vì “tám” rôm rả và tự nhiên, hãy tiết chế giọng điệu của mình một cách bình thường và dứt khoát. Khi ở văn phòng có thể bạn sẽ phải ngọt, nhạt với sếp nhưng khi đã rời khỏi tòa cao ốc thì sếp cũng chỉ như một người bạn thông thường.
Chuyện trò dứt khoát không có nghĩa là bạn trả lời một cách thiếu tôn trọng. Cố gắng trả lời nhanh các câu hỏi của sếp với một tốc độ vừa đủ, không cần thiết phải mở rộng câu chuyện và có thể kết thúc bằng câu “ nói chuyện với sếp rất thú vị! nhưng giờ tôi có việc cần giải quyết. Hẹn gặp lại sếp ở văn phòng”.
Không nhận quà một cách vô cớ
Nếu sếp tặng bạn quà vào dịp đặc biệt (sinh nhật bạn) thì việc nhận sẽ không có gì đáng nói. Bởi, đơn giản sếp chỉ muốn gần gũi và thân thiết với nhân viên. Nhưng nếu tần xuất tặng quà của sếp tăng theo cấp số cộng cùng những lý do “không liên quan” thì bạn cần có thái độ và hành động ngay lập tức.
Tuyệt đối không nhận quà vô cớ và không quên gửi đến sếp một lời cảm ơn về sự quan tâm “đặc biệt”. “ Có qua có lại mới toại lòng nhau”, vì vậy đừng bao giờ nhận quà từ sếp một cách dễ dàng. Hãy nhớ, khi bạn tỏ rõ thái độ, sếp sẽ nhận ra rằng cách hành xử của bạn với sếp chỉ đơn giản là phép lịch sự không cùng tình cảm nam nữ. Điều này giống như một thông điệp ngầm gửi đến sếp cùng lời nhắn “rất xin lỗi”.
Đề xuất tuyển thêm cộng sự (nếu cần)
Sếp yêu cầu bạn làm thêm giờ để có thời gian bên cạnh bạn. Đó là mục đích của sếp không liên quan đến tính chất công việc của bạn. Là người trực tiếp gắn bó với công việc, bạn sẽ hiểu liệu bạn có cần làm thêm giờ hay không. Nếu sếp vẫn “trước sau như một” muốn bạn làm thêm giờ, hãy thảo luận với sếp về thời gian và thời lượng làm thêm. Nếu cần thiết, hãy mạnh dạn yêu cầu sếp tuyển thêm cộng sự để cùng bạn giải quyết công việc.
Đánh tiếng bạn là “hoa đã có chủ”
Sếp thường không mấy hứng thú hoặc nhụt dần ý chí khi biết bạn là “hoa đã có chủ”. Vì vậy, đánh tiếng cho mọi người biết rằng bạn đang yêu và tình cảm của hai bạn thực sự gắn bó sẽ khiến sếp suy nghĩ lại.
Không để sếp có cơ hội chen ngang công việc
Khi sếp “lân la” đến bàn làm việc của bạn, hãy cố gắng tạo không khí thoải mái với sếp. Bởi, quanh bạn còn có rất nhiều đồng nghiệp. Mỗi phản ứng thái quá của bạn sẽ khiến sĩ diện của sếp bị tổn thương. Vì vậy, chỉ nói đến công việc với sếp và ngắt mọi ý định phát triển câu chuyện của sếp. Hãy nhớ, nếu bạn không thể cho sếp cơ hội gõ cửa trái tim mình thì hãy xây dựng một bức tường thành với sếp. Tuy nhiên, bức tường cần được xây dựng bằng chất liệu mềm để sếp chấp nhận một cách nhẹ nhàng. Nếu bức tường bạn xây quá cứng và quá cao, bạn sẽ khiến mối quan hệ giữa bạn và sếp đi đến bờ vực thẳm.