1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Làm gì nếu bạn thuộc phe “thiểu số”?

(Dân trí) - Trong công sở, quan hệ đồng nghiệp có vai trò quan trọng không kém gì năng lực của bản thân mỗi nhân viên. Nhưng nếu chẳng may bạn thuộc phe “thiểu số” và môi trường công ty không dễ hòa nhập, đâu sẽ là cách ứng xử hiệu quả dành cho bạn?

Làm gì nếu bạn thuộc phe “thiểu số”? - 1
 
Có nhiều trường hợp khiến bạn thấy mình nằm ngoài nhóm đa số, chẳng hạn như bạn công tác ở nước ngoài và là người Việt duy nhất trong công ty, bạn là người thuộc vùng miền khác so với đa số đồng nghiệp, sếp “đầu tàu” của bạn vừa bị “thất sủng” hoặc chuyển công tác khiến bạn có cảm giác bị bỏ rơi, bạn nằm trong số ít các “bóng hồng” làm việc trong các lĩnh vực như cơ khí, điện tử, hay bạn là “ma mới” và tạm thời chưa thích ứng được với văn hóa công ty... Một số lời khuyên sau sẽ giúp bạn vượt qua cảm giác đơn độc và cải thiện tình hình:
 
Kết nối
 
Theo Sondra Thiederman, tác giả quyển sách Making Diversity Work, cho dù quy mô công ty lớn hay nhỏ, điểm mấu chốt để xua tan cảm giác “mình ta với ta” là tạo ra các kết nối cần thiết với đồng nghiệp.
 
Thiederman nói rõ, “Bạn cần tập trung khai thác những đề tài giúp bạn có thể dễ dàng tìm sự chia sẻ và quan tâm từ đồng nghiệp, thay vì cứ chăm chăm so sánh những điểm khác biệt.”
 
Chúng ta có hàng tá sở thích, mối quan tâm có thể tìm được sự đồng điệu từ người khác, do đó, sẽ không quá khó khăn để “tiếp cận đồng nghiệp, chào hỏi, nói chuyện thân tình và cởi mở chia sẻ.”
 
Đừng làm “anh hùng rơm”
 
Trong một số trường hợp, chuyện “chính trị” trong công ty diễn biến phức tạp, và phe “thiểu số” của bạn không có được nhiều ưu ái. Tuy nhiên, đừng tỏ ra là “anh hùng rơm”, đứng ra làm người phát ngôn và “đầu tàu” cho nhóm khi thấy phe mình chịu nhiều áp lực.
 
Theo Robert Rodriguez, trợ lý trưởng khoa của Trường Cao học Quản trị thuộc Đại học Kaplan, “Các cá nhân trong một tổ chức cần cho người khác thấy tính cách, năng lực và đặc điểm riêng của mình. Do đó, bạn không nên miễn cưỡng trở thành ‘cố vấn’ cho các vấn đề liên quan đến phe nhóm, đại diện giải quyết vấn đề nọ kia, khiến tình hình càng căng thẳng hơn.”
 
Tính chuyên nghiệp đặt lên hàng đầu
 
Tuy nhiên, nếu bạn đã cố gắng hòa nhập nhưng vẫn bị phân biệt đối xử ở một mức độ nào đó, bạn cần thể hiện tác phong chuyên nghiệp, tập trung vào giải quyết vấn đề công việc khi có những sự việc không mong muốn xảy đến, chứ không nên câu nệ tiểu tiết hay để tâm trạng chi phối.
 
Bước đầu tiên là giữ bình tĩnh cho tâm trạng lắng dịu. Theo Thiederman, một vài tiếng đồng hồ để giúp bạn tĩnh tâm, suy nghĩ phương án giải quyết và đánh giá tình hình chính xác hơn. Tiếp theo, bạn cần xác định ai là người bạn cần tiếp cận: sếp của bạn, sếp cấp cao hơn hay bộ phận nhân sự... “Hãy thảo luận với đúng người phụ trách, yêu cầu bảo mật thông tin nếu cần, từ tốn, lịch sự và hợp lý khi trình bày vấn đề.”
 
Đánh giá triển vọng nghề nghiệp
 

Bạn không cần quá e dè về vấn đề phân biệt giới tính, vùng miền, ma mới-ma cũ hay chuyện phe phái trong công ty. Cảm giác mình thuộc về đa số hay thiểu số phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Vấn đề không phải là bạn được xếp vào nhóm nào, mà là bạn có biết cách tiếp cận đồng nghiệp, và xử lý tình huống khéo léo hay không. Quan trọng là bạn đánh giá đúng triển vọng nghề nghiệp của mình tại công ty và nếu đã chắc chắn, hãy tập trung vào công việc thay vì những khác biệt đó.

Ngọc Vân
Theo Monster