Lái tàu hỏa - nghề khổ, nghiệp nguy

Giao thông phức tạp, cơ sở hạ tầng cũ kỹ lạc hậu nên nghề lái tàu hỏa được xem là nghề nguy hiểm do tai nạn luôn rình rập.

Giao thông phức tạp, cơ sở hạ tầng cũ kỹ lạc hậu nên nghề lái tàu hỏa được xem là nghề nguy hiểm do tai nạn luôn rình rập.
 
Lái tàu hỏa - nghề khổ, nghiệp nguy - 1

Lái chính và lái phụ thao tác trên đầu máy tàu Bắc - Nam đoạn qua Hà Nam. Ảnh: K.Linh

 

 

Giao thông phức tạp, cơ sở hạ tầng cũ kỹ lạc hậu nên nghề lái tàu hỏa được xem là nghề nguy hiểm do tai nạn luôn rình rập.

Hơn thế, để trở thành tài xế tàu hỏa lại là một hành trình dài, phải mất 2 năm học nghề, 5-6 năm làm phụ lái tàu, trải qua kì thi sát hạch mới được cấp giấy phép làm tài xế. Không những vậy, hàng năm đều phải kiểm tra, sát hạch định kỳ mới giữ được nghề...

Làm tài xế lái tàu, cái gì cũng phải học

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Giang Nam, tài xế Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội khi anh đang cùng một số anh em trong tổ lái máy kiểm tra lại đầu máy sau khi ra xưởng.

Anh chia sẻ, chuẩn bị cho chuyến tàu sắp khởi hành, tất cả các tổ lái máy đều phải thực hiện thao tác kiểm tra này để đảm bảo máy vận dụng trên đường tốt nhất, tránh xảy ra sự cố dọc đường.

Theo anh Nam, từ khi còn theo học tại trường, lái tàu phải học nhiều nội dung ngoài việc sửa chữa như: Quy trình quy phạm lái tàu, bộ tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt, học viên phải học, nắm bắt các tác nghiệp của các chức danh khác như trực ban chạy tàu, gác ghi, gác chắn, trưởng tàu…

“Nghề lái tàu bây giờ không hấp dẫn nữa. Những năm gần đây, trường tuyển sinh rất khó, hệ cao đẳng 3 năm nay không mở được lớp vì chỉ dưới 10 hồ sơ dự tuyển. Đó là vì không như tài xế ô tô, học lái tàu chỉ lái được tàu, ra nghề thì phải trải qua nhiều lần thi, mất nhiều năm mới được lên lái chính. Trong khi, thu nhập hiện nay quá thấp mà áp lực, rủi ro cao" - Ông Phạm Hoàn, Trưởng phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Đường sắt

“Mình phải biết để thực hiện các tín hiệu của họ cho đúng. Nhưng mặt khác cũng là giám sát họ làm đúng chưa. Nếu không đúng, mình có thể không thực hiện theo, đồng thời báo cáo để các cấp chấn chỉnh. Có như vậy mới đảm bảo an toàn”, anh Nam chia sẻ.

Đem thắc mắc vì sao lái tàu phải kiểm tra lại cả kết quả sửa chữa đầu máy, ông Nguyễn Kiều Thanh, Phòng Tổ chức cán bộ - lao động Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội cho biết, đó chỉ là một phần trong yêu cầu bắt buộc đối với nghề lái tàu.

Khi học ở trường, học viên lái tàu buộc phải học cả về sửa chữa đầu máy. Khi được xí nghiệp tuyển dụng sau 2 tháng thử việc đạt yêu cầu, điều đầu tiên là phải về phân xưởng sửa chữa học, làm như một công nhân sửa chữa thực thụ.

“Chỉ có đào tạo khắt khe như vậy, lái tàu mới có thể chủ động sửa chữa, khắc phục hư hỏng, sự cố nhỏ dọc đường, tránh phải cứu viện, mất thời gian, ảnh hưởng hành trình, biểu đồ chạy tàu”, ông Thanh nói.

Chặng đường trở thành lái tàu quả thật rất dài và nhiều gian nan, mà biết sửa chữa đầu máy chỉ là phần nhỏ trong quy trình đào tạo.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Hoàn, Trưởng phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Đường sắt cho biết, học viên được tuyển vào trường phải đạt hai điều kiện: Điều kiện cần là phải đủ sức khỏe theo quy định đối với nghề lái tàu đường sắt về chiều cao, cân nặng, thị lực, thính lực… do Bộ Y tế quy định; Điều kiện đủ là phải tốt nghiệp THPT và được hội đồng tuyển sinh nhà trường xét tuyển vào học.

Còn theo anh Nam, khi học xong không phải đã được lái tàu ngay. Nếu được tuyển vào ngành đường sắt thì chỉ làm phụ lái 1.

Sau khi đã làm phụ lái 1, nếu suôn sẻ, phải đạt điều kiện ít nhất 24 tháng liên tục lái tàu an toàn với số km an toàn là 30 nghìn km, đảm bảo định mức nhiên liệu trung bình theo quy định của xí nghiệp, không bị kỉ luật, không vi phạm quy định đến mức bị xử lý khiển trách bằng văn bản trở lên, mới được thi lên chức danh phụ lái 2.

Từ phụ lái 2 muốn lên chức danh lái tàu chính (tài xế) phải đạt ít nhất 36 tháng liên tục lái tàu an toàn nữa và các điều kiện khác tương tự. “Tuy nhiên, việc thi sát hạch lên tài xế không phải do xí nghiệp tổ chức như đối với chức danh phụ lái, mà do Cục Đường sắt VN lập hội đồng thi sát hạch, tổ chức. Nếu đạt theo quy định pháp luật mới được Cục cấp giấy phép lái tàu. Nếu mọi thứ “thuận buồm xuôi gió” phải mất 5-6 năm chúng tôi mới trở thành lái tàu được”, anh Nam chia sẻ.

Không những vậy, anh Nam cho biết, trong các kỳ kiểm tra, sát hạch, nếu không đạt, còn “mất” luôn các thành tích, danh hiệu thi đua năm đó nên đòi hỏi người công nhân lái tàu phải cố gắng trau dồi kiến thức, đúc rút kinh nghiệm thực tế để “giữ” nghề.

Cùng đó, trước khi lên ban, anh em các tổ tàu đều phải thực hiện test nhanh kiến thức về quy trình quy phạm trên máy tính. Trong một tháng có 2 lần không đạt yêu cầu sẽ bị giữ lại để học, không được bố trí đi tàu.

“Không được đi tàu là ảnh hưởng đến thu nhập nên buộc anh phải cố gắng. Thực ra, quy trình quy phạm có thể học thuộc nhưng quan trọng là phải tự học, tự đúc rút kinh nghiệm từ thực tế vì đi tàu, nhiều tình huống phát sinh, không thể lường trước được”, anh Nam nói và cho biết, chưa kể, hàng năm người công nhân lái tàu phải trải qua kiểm tra định kỳ chuyên môn, sức khỏe, nếu không đạt sẽ không được bố trí đi tàu. Khi nào thi đạt mới được lái tiếp.

Nghề khổ vẫn trăn trở vì thu nhập thấp

Chia sẻ về nghề lái tàu, ông Kiều Thanh nói: “Nhiều anh em phòng, ban và cả lãnh đạo xí nghiệp xuất thân từ lái tàu nhưng giờ cho lái lại không thể bằng anh em bây giờ. Chúng tôi rất phục họ, vẫn gọi vui là hiệp sĩ lái tàu”.

Theo ông Thanh, lái tàu bây giờ rất khó, vừa phải đảm bảo an toàn là yếu tố hàng đầu, lại phải đúng hành trình, đúng giờ nhưng vẫn phải tiết kiệm nhiên liệu. Trong khi đó, rủi ro dọc đường quá cao với hàng nghìn lối đi tự mở qua đường sắt, ý thức của người tham gia giao thông kém. Áp lực đảm bảo an toàn, áp lực đến đúng giờ để giữ được uy tín với

khách hàng đè nặng lên người lái tàu. Trong khi đó, lương hiện nay của lái tàu rất thấp, anh em buộc phải đảm bảo định mức kinh tế kỹ thuật để có được thu nhập từ nguồn thưởng do tiết kiệm nhiên liệu.

Kiện tướng an toàn chạy tàu lần thứ 6, tài xế Hoàng Ngọc Sơn cho biết, anh đã có thâm niên 34 năm trong nghề công nhân lái tàu, lại lái tuyến Thống Nhất với mật độ chạy tàu cao, nhưng tháng nào đi nhiều bình quân thu nhập được 11-12 triệu đồng/tháng, còn kỳ thấp điểm khoảng 7-8 triệu/tháng.

Lái tàu Nguyễn Giang Nam chia sẻ: “Như tôi, lái một chuyến tàu an toàn từ Hà Nội đến Lào Cai và quay về, đảm bảo định mức nhiên liệu, kinh tế kỹ thuật trung bình thì lương chỉ khoảng 500 nghìn đồng. Một tháng chỉ được bố trí đi khoảng 3 - 4 chuyến, thì lương rất thấp, nếu đi nhiều hơn, lương, thu nhập mới cao hơn. Trong khi đó, cùng một tổ máy, một ban máy, lương phụ lái chỉ được khoảng 60% lương tài xế. Nhưng nếu không đủ định mức kinh tế kỹ thuật mà do lỗi chủ quan của người công nhân lái tàu sẽ bị phạt, trừ vào lương. Thành ra, có chuyến đi không được đồng lương nào vì bị trừ hết”.

Theo các lái tàu, ngược lại, nếu vượt định mức sẽ được thưởng và đây là nguồn thu nhập chính đáng khá lớn của người công nhân lái tàu. Tuy nhiên, để có được thu nhập từ nguồn này không dễ, phụ thuộc nhiều vào trình độ, tay nghề, không chỉ khi lái máy trên đường mà ngay cả khi đầu máy vào xưởng sửa chữa.

“Khi đầu máy vào cấp sửa chữa, tài xế phải biết những hỏng hóc, trục trặc hoặc những chi tiết cần sửa chữa, thay thế để báo bên phân xưởng sửa chữa thực hiện. Đồng thời giám sát, kiểm tra chất lượng sửa chữa đảm bảo máy tốt. Máy tốt thì đỡ tiêu hao nhiên liệu”, anh Nam cho biết.
Áp lực như vậy, thu nhập như vậy nhưng cả anh Sơn, anh Nam và nhiều anh em lái tàu khác đều tâm niệm: “Đã theo nghề này phải đặt tinh thần trách nhiệm lên hàng đầu, vì chỉ cần sơ sẩy là ảnh hưởng đến bao nhiêu người. Vì vậy, phải tự trau dồi cả kinh nghiệm và quy trình quy phạm để tuân thủ cho tốt”.

Theo Thanh Thúy/Báo Giao Thông