Là giám đốc nhân sự, tôi tuyển...

Qua mỗi đợt tuyển dụng, tiếp nhận vài trăm hồ sơ, tôi nhận thấy cùng một vị trí công việc (ví dụ như nhân viên lễ tân khách sạn) thì tỉ lệ hồ sơ được chọn giữa những người tốt nghiệp ĐH và những người chỉ mới tốt nghiệp cấp III là như nhau. Vì sao?

Vì đặc thù công việc của khách sạn lớn là luôn giao tiếp với khách nước ngoài, vậy kỹ năng ngôn ngữ là quan trọng nhất. Cho nên nếu chỉ trông chờ vào tấm bằng ĐH làm “bùa hộ mệnh” mà quên đi kỹ năng sử dụng ngoại ngữ thì bạn sẽ bị loại. Còn những người chỉ học hết cấp III, bỏ ra một hai năm chuyên tâm trau dồi ngoại ngữ cho thành thạo thì chắc chắn sẽ được tuyển dụng.

 

Thực chất trong công việc cần những kỹ năng chuyên môn cụ thể chứ chưa cần một số kiến thức khái quát của ĐH. Khi được tuyển dụng, bạn sẽ được huấn luyện về các kỹ năng (làm việc theo nhóm, quan hệ khách hàng...). Thực tế tôi nhận thấy những người đã qua ĐH thường ít chấp nhận được huấn luyện trước khi vào công việc như những người chỉ học hết cấp III hay trung cấp.

 

Do vậy, cứ sau một tuần huấn luyện kỹ năng nghề nghiệp, những người có bằng ĐH là người bị rơi rụng đầu tiên. Có mấy ai được như chị Lê Thị Ngọc Hà chấp nhận đi lên từ vị trí thấp nhất là rửa chén để tiến thân thành tổng giám đốc.  

 

Tôi có gần 10 năm làm việc trong lĩnh vực khách sạn, trong đó 7 năm làm tại các khách sạn năm sao ở TPHCM và gần 3 năm làm việc cho một khách sạn bốn sao tại Hội An, Quảng Nam. Hiện nay tôi là giám đốc nhân sự một khách sạn.

 

Tôi xin khẳng định ĐH không phải là con đường duy nhất để lập thân. Điều quan trọng nhất để bạn khẳng định vị trí của mình trong xã hội chính là những kiến thức hay kỹ năng nghề nghiệp mà bạn thực có để thi thố với đời.

Nói vậy, tôi không có ý coi thường tấm bằng ĐH. Nhưng chỉ chú tâm coi tấm bằng ĐH là phao cứu sinh mà quên đi kiến thức, kỹ năng thực chất mình có được thì cũng như không. Ít nhất trong ngành khách sạn, nhà hàng, rất nhiều người với xuất phát điểm chỉ là tốt nghiệp cấp III. Sau đó những bạn này không ngừng nâng cao kỹ năng ngoại ngữ cũng như các kỹ năng nghề nghiệp khác để dần dần khẳng định vị trí của mình ở những nhiệm vụ cao hơn.

 

Tôi cũng nhận thấy trong hầu hết công ty, khách sạn lớn hiện nay, để đánh giá một nhân viên hay đề bạt một nhân viên vào vị trí cao hơn, họ không bao giờ dựa vào bằng cấp mà chỉ hoàn toàn dựa vào khả năng thực tế người đó đạt được.

 

Vậy, dù bạn chỉ mới học hết cấp III hay đã tốt nghiệp ĐH, khi bước vào đời bạn phải xác định cho mình một lộ trình cụ thể để trang bị một kỹ năng nghề nghiệp cụ thể và vững vàng. Không phải ngẫu nhiên mà ông bà ta đã nói: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề” hay “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”.

 

Theo Hồng Nhung

(Hội An, Quảng Nam)
Tuổi Trẻ