Ký họa chân dung - Nghề mới ở Hà Nội
(Dân trí) - Đứng thành một nhóm tại góc phố ở khu chợ đêm hoặc ngồi đơn lẻ ở những nơi đông người qua lại, đồ nghề chỉ là vài cây bút chì đen với tập giấy trắng, những người làm nghề ký họa chân dung đã kiếm được một khoản không nhỏ từ chính tài năng của mình.
Vào những phiên chợ đêm trên phố Hàng Ngang, Hàng Đào, người ta sẽ thấy sự hiện diện của một tốp sinh viên trẻ đứng lẫn với vài người trung tuổi đang miệt mài ký họa chân dung cho những vị khách bộ hành có nhu cầu giữ lại một bức họa làm kỷ niệm. Đó là những bức vẽ phác họa bằng bút chì, được hoàn thành khá nhanh, chỉ trong khoảng 15 phút. Giá mỗi bức vẽ khoảng 30-50.000 đồng.
Lê Thu Hà - sinh viên năm thứ 3 trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội kể, cô làm nghề này đã được nửa năm. Lúc đầu Hà ra chợ đêm vẽ với mục đích nâng cao tay nghề. Cô vẽ chân dung khách qua đường rồi giữ hoặc tặng họ làm kỷ niệm. Nhiều người trong số khách được cô tặng tranh nhất định trả tiền, họ giải thích rằng ở nước ngoài cũng có những người làm nghề vẽ ký họa chân dung và nghề đó rất được yêu mến.
Điều này khiến Hà nảy ra ý nghĩ rủ thêm một số bạn bè cứ buổi tối thứ 6, 7 và Chủ nhật lại tập trung ở góc phố hàng Đường, vẽ tranh ký họa cho những người có nhu cầu. Nguyên tắc của họ là không nài ép và rất hạn chế kỳ kèo về giá cả. Mỗi tối họ kiếm được không dưới một trăm ngàn đồng, đó là một khoản tiền không nhỏ đối với những sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường.
Tuy nhiên, theo Hà, quan trọng hơn cả là nghề này giúp cô trau dồi nét vẽ vì được cọ xát liên tục với thực tế và nhận được những lời góp ý trực tiếp từ khách hàng. Hà cho biết, khách của cô già nửa là người nước ngoài. Cũng có nhiều người không hài lòng khi nhận bức vẽ, họ cho rằng cô vẽ chưa đẹp hoặc không giống, khi đó, Hà thường không lấy tiền công.
Còn bác Hà Tự Minh thì cho biết, bác không ngồi cố định ở chỗ nào cả, cứ đạp xe thong thả gặp chỗ nào đông người lại có cảnh đẹp thì dừng lại vẽ. Thông thường bác Minh thường hay ngồi quanh khu vực bờ hồ vì nơi ấy nhiều ánh sáng, lại đông người qua lại. Bên hông chiếc xe đạp, bác treo tấm biển “ ký họa chân dung” để mời khách.
Mỗi ngày, ít nhất bác cũng vẽ được 5 tấm, mỗi tấm 20.000 đồng. Trừ các khoản tiêu, cuối ngày thế nào bác cũng bỏ túi được dăm ba chục ngàn. “Trước đây, tôi làm ở viện bảo tàng Mỹ thuật Công nghiệp nên rất mê vẽ, nghỉ hưu thấy buồn không chịu nổi, thế là đi vẽ lang thang, vừa có tiền lại tha hồ được thỏa niềm đam mê”- Bác Minh tâm sự.
Theo anh Nguyễn Trung Dũng, một trong số ít những người còn theo đuổi nghề tranh truyền thần, dịch vụ vẽ ký họa chân dung mới chỉ xuất hiện cách đây vài ba năm. Thực chất, vẽ tranh ký họa là bộ môn khó, nếu muốn thành nghề phải mất ít nhất mười năm theo học. Bức ký họa muốn đẹp phải mất rất nhiều thời gian.
Còn với kiểu trang phác họa trong vòng 15 phút như hiện nay tất nhiên không thể có tính nghệ thuật cao, nó đơn thuần chỉ là bức hình kỷ niệm mà thôi. Tuy nhiên, anh Dũng thừa nhận khách nước ngoài đặc biệt thích thú với loại hình dịch vụ đặc biệt này. “Dù sao, đây cũng là một nét đẹp và văn hoá riêng của Hà nội cần được phát huy và ủng hộ”.
Thanh Trầm