1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Kiên Giang: Chi hỗ trợ 12.520 lao động tự do gặp khó do Covid-19

Nguyễn Hành

(Dân trí) - Tỉnh Kiên Giang thực hiện xong chính sách giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 1.634 doanh nghiệp với gần 60.000 lao động, tổng số tiền hơn 17,4 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kiên Giang, đối với chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, đã được triển khai đến người sử dụng lao động. 

Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, các địa phương đang khẩn trương tổng hợp hồ sơ.

Toàn tỉnh đã có 18 viên chức hoạt động nghệ thuật được hỗ trợ với số tiền hơn 66 triệu đồng; đã trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ 9 hướng dẫn viên du lịch với số tiền hơn 33 triệu đồng.

Kiên Giang: Chi hỗ trợ 12.520 lao động tự do gặp khó do Covid-19 - 1

Riêng chính sách hỗ trợ lao động tự do, Kiên Giang chi hỗ trợ cho 12.520 lao động tự do với tổng số tiền hơn 18,7 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kiên Giang, tỉnh đang tập trung thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người phải điều trị Covid-19, cách ly y tế. Ngành y tế đã lập dự toán, đang triển khai nội dung hỗ trợ theo quy định đến các huyện, thành phố và các cơ sở điều trị, cách ly tập trung, đang tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ.

Đối với chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, đã giải ngân cho một doanh nghiệp vay vốn trả lương cho công nhân với số tiền hơn 31 triệu đồng.

Riêng chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh, Kiên Giang đã chi hỗ trợ 12.520 lao động tự do với tổng số tiền hơn 18,7 tỷ đồng. Hiện UBND cấp xã đã tiếp nhận hồ sơ của gần 61.126 người lao động tự do.

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kiên Giang, một số chính sách triển khai còn chậm là do các địa phương đang thực hiện công tác phòng chống dịch. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội nên việc triển khai thực hiện chính sách gặp nhiều khó khăn.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kiên Giang kiến nghị với UBND tỉnh, cần xem xét bổ sung chính sách hỗ trợ tiền ăn cho những người cách ly từ vùng dịch trở về (không phải là F0, F1); chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, người có công và đối tượng Bảo trợ xã hội.