1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Kiện DN nợ BHXH: Chưa kết thúc được vụ nào sau 6 tháng triển khai?

(Dân trí) - Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN), việc triển khai khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH theo quy định Luật BHXH năm 2014 cần nhanh chóng tạo sự thông thoáng hơn, hạn chế các vướng mắc về trình tự thủ tục và thống nhất quan điểm nhìn nhận khác nhau.

PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đình Quảng để làm rõ thêm những vấn đề trên.

Theo quy định của Luật BXHH năm 2014, từ ngày 1/7/2016, tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH. Vậy tới nay, công tác triển khai khởi kiện như trên đã diễn ra sao, thưa ông?

- Căn cứ theo Luật BHXH năm 2014, việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH đã được chuyển giao từ ngành bảo hiểm xã hội sang ngành công đoàn.

Qua đó, 59 liên đoàn lao động (LĐLĐ) cấp tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với BHXH về tiếp nhận thông tin doanh nghiệp nợ BHXH. Cơ quan bảo hiểm xã hội đã bàn giao cho 52 LĐLĐ tỉnh, thành hơn 1.150 vụ nợ BHXH số tiền, thời gian nợ…

Tới nay, 11 LĐLĐ tỉnh, thành đã nộp đơn khởi kiện 74 doanh nghiệp nợ BHXH lên toà án. Tuy nhiên trong số 74 đơn khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, toà án đã trả về 12 đơn khởi kiện đã bị trả về do chưa đúng thủ tục uỷ quyền của công đoàn cơ sở cho LĐLĐ cấp huyện hoặc tỉnh.

“Ngoài việc khởi kiện, nhiều LĐLĐ tỉnh, thành đã gửi thông báo tới doanh nghiệp nợ BHXH. Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp chủ động trả lại 21 tỉ đồng nợ BHXH” - ông Lê Đình Quảng nói.

Với 62 đơn còn lại, nguyên đơn chủ yếu là LĐLĐ cấp huyện, tỉnh thực hiện.

Trong tháng 2, các LĐLĐ sẽ nộp đơn khởi kiện tiếp hơn 70 doanh nghiệp. Như vậy, thời gian tới sẽ có hơn 140 doanh nghiệp nợ BHXH sẽ bị khởi kiện.

Thưa ông, 12 đơn khởi kiện bị toà án trả lại do chưa có sự uỷ quyền của công đoàn cơ sở tới LĐLĐ cấp huyện, tỉnh đã nói lên sự bất cập, vướng mắc gì trong triển khai khởi kiện của ngành công đoàn?

- Việc việc toà án trả lại 12 đơn khởi kiện cho thấy thủ tục khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH còn nhiều điều cần điều chỉnh và thống nhất.

Theo trình tự thủ tục tranh chấp lao động, công đoàn cơ sở phải tự khởi kiện hoặc uỷ quyền. Trong khi có bất hợp lý là công đoàn cơ sở nằm trong doanh nghiệp nên rất khó thực hiện khởi kiện chính doanh nghiệp.


Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN).

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN).

Chưa kể việc áp dụng quy trình tố tụng về giải quyết tranh chấp lao động của pháp luật công đoàn vào giải quyết khởi kiện nợ BHXH sẽ rất phức tạp.

Trước hết, công đoàn cơ sở phải đưa vấn đề tranh chấp ra với chủ sử dụng lao động, nếu không được phải đưa qua hoà giải viên, nếu hoà giải không thành sẽ chuyển lên chủ tịch UBND huyện xử lý. Ở cấp này, nếu các bên không đồng ý với quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện thì mới khởi kiện.

Đây là điểm khác so với việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH của ngành bảo hiểm xã hội trước đây. Khi đó, thủ tục sẽ theo trình tự dân sự. Cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện hoặc tỉnh, thành đều có quyền khởi kiện trực tiếp, không phải qua nhiều trình tự.

Mặt khác, việc hiểu cấp công đoàn đứng ra khởi kiện còn chưa thống nhất. Nghị định 43/2013/NĐ-CP về hướng dẫn một số điều của Luật Công đoàn năm 2012 và Điều 14 Luật BHXH năm 2014 chỉ ghi chung chung là công đoàn đứng ra khởi kiện, chứ không quy định cụ thể cấp công đoàn nào?

Thời gian qua, LĐLĐ TP Đà Nẵng và Khánh Hoà cũng đã thực hiện nhiều vụ khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH. Vậy, thủ tục triển khai ở các tỉnh trên có gặp khó khăn như ông đã nêu?

- Tại Khánh Hoà và Đà Nẵng, toà án đã đứng ra xử lý nhiều vụ kiện nợ BHXH. Tuy nhiên, đây là những vụ người lao động uỷ quyền cho công đoàn đứng ra khởi kiện nợ BHXH chứ không phải thực hiện theo quy định công đoàn chủ động khởi kiện theo quy định của luật BHXH 2014.

Qua đây cũng cho thấy những vướng mắc. Một số ngành liên quan vẫn cho rằng, người lao động bị doanh nghiệp không đóng BHXH. Do đó, cá nhân người lao động phải đứng ra khởi kiện chứ không phải là tổ chức công đoàn.

Tuy nhiên, nếu người lao động tự khởi kiện về nợ BHXH sẽ càng trở nên phức tạp.

Nếu doanh nghiệp nợ BHXH của hàng trăm hay hàng ngàn lao động thì phải chia lẻ ra từng vụ kiện. Nguồn lực đâu để có thể làm được? Nếu người lao động thắng kiện, số tiền nợ BHXH sẽ chuyển cho người lao động - nguyên đơn. Thực tế, số tiền nợ BHXH trên là nợ từ quỹ BHXH, vì chủ sử dụng lao động có trách nhiệm nộp Quỹ BHXH.

Để giải quyết những vướng mắc này, cần có những kiến nghị điều chỉnh, thưa ông?

- Trong tháng 3, Tổng LĐLĐ VN, Bảo hiểm xã hội VN và những ngành liên quan sẽ cùng bàn để giải quyết những vấn đề về hướng dẫn thống nhất cho phép LĐLĐ cấp huyện, tỉnh được khởi kiện với tư cách là nguyên đơn.

“Nếu chỉ giao cho công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp kiện chủ doanh nghiệp nợ BHXH thì sẽ khó. Bản thân cán bộ của công đoàn cơ sở đang hưởng lương của doanh nghiệp. Việc đứng ra đấu tranh khởi kiện ít nhiều sẽ có khó khăn. Do đó cần mở rộng đối tượng được quyền khởi kiện là các cấp công đoàn trên” - ông Lê Đình Quảng nói.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng trên sẽ kiến nghị những nội dung cụ thể phải bổ sung để có sự đồng bộ về Luật Lao động, tố tụng dân sự, bảo hiểm xã hội nhằm tạo sự thông thoáng về công tác khởi kiện nợ doanh nghiệp nợ BHXH.

Theo tôi về lâu dài để giảm nợ BHXH phải tăng cường công tác thanh tra, giám sát và nâng cao ý thức chấp hành của doanh nghiệp và đơn vị tham gia BHXH.

Bởi nếu chỉ đơn thuần dựa vào việc khởi kiện thì hiệu quả chưa cao. Đơn cử một vụ kiện nợ BHXH rất tốn thời gian, qua trình tự sơ thẩm và phúc thẩm, chưa kể việc thi hành án. Ngành BHXH mới có thêm chức năng thanh tra và xử phạt, hy vọng trong năm 2017 với việc bổ sung chức năng trên cũng sẽ làm giảm đi nhiều tình trạng nợ BHXH.

Xin cảm ơn ông

Hoàng Mạnh thực hiện

Nghiên cứu dùng thẻ điện tử thay thế sổ hưu, trợ cấp BHXH

Tổng Công ty bưu điện VN đang đề xuất với Bảo hiểm xã hội VN việc nghiên cứu thí điểm chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH qua thẻ điện tử. Mô hình này sẽ thay thế sổ hưu, trợ cấp bằng giấy hiện hành, người dùng có thể chủ động chọn thời gian, địa điểm rút tiền.

Đề xuất được Tổng Công ty bưu điện VN (VNPost) đưa ra trên cơ sở thực tế triển khai chi trả lương hưu thời gian qua. Theo đó, VNPost đang phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp tổ chức chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH bằng tiền mặt hàng tháng cho hơn 17.000 người trong mỗi đợt chi trả. Việc chi trả theo hình thức truyền thống đòi hỏi người hưởng lương hưu phải tập trung nhận tiền hưu, trợ cấp tại một địa điểm và thời gian cố định được thông báo trước. Điều này dẫn tới thực tế không ít người không chủ động được thời gian để nhận, chưa kể việc chờ đợi xếp hàng, tốn nhiều thời gian. Trong khi đó, thời gian đầu tháng là lúc VNpost phải dồn nguồn lực để thực hiện nhiều dịch vụ khác nhau. Mặt khác, việc thực hiện vận chuyển bằng tiền mặt dù được được các cơ quan chuyên ngành (công an, ngân hàng) hỗ trợ nhưng còn tiềm ẩn rủi ro. Trên cơ sở đó, VNPost đề xuất BHXH VN thí điểm nghiên cứu ứng dụng CNTT để quản lý chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH qua thẻ điện tử. Việc này sẽ thay thế sổ hưu, trợ cấp BHXH bằng giấy hiện hành.

P.L

Công khai tên doanh nghiệp nợ BHXH trên báo chí

Nhằm hạn chế tình trạng nợ và trốn đóng BHXH, từ năm 2017, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ lần lượt công bố danh sách các đơn vị nợ nhiều và kéo dài. Đặc biệt, bảo hiểm xã hội sẽ công khai lên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH VN, vừa trao đổi với báo giới về những biện pháp nhằm làm giảm tình trạng nợ và trốn đóng BHXH trong thời gian tới đây.

Việc nêu tên các đơn vị còn nợ trách nhiệm tài chính theo quy định pháp luật đã không còn mới tại VN. Từ năm 2015, ngành thuế đã thực hiện việc nêu danh sách các doanh nghiệp nợ. Để thực hiện công việc trên, BHXH VN đang yêu cầu BHXH tại 63 tỉnh, thành rà soát, cập nhật và cung cấp danh sách các đơn vị có số nợ nhiều và kéo dài nhiều năm. Được biết, tình trạng nợ BHXH diễn ra ở tất cả các tỉnh, thành phố, ở rất nhiều doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế ngoài quốc doanh, có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước. Theo BHXH VN, tính đến ngày 31/12/2016, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN của BHXH các tỉnh, thành phố (sau khi đã trừ số tiền do ngân sách nhà nước chậm đóng BHYT) là 7.580 tỷ đồng, bằng 3,22% kế hoạch thu.

V.P

Quy định về bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp ra sao?

Ông Phạm Đạt ở Hải Phòng hỏi: Tôi nghe nói luật có quy định một số trường hợp người lao động được bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Xin cho biết cụ thể về quy định này?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì các trường người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu, bao gồm:

Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động không đến nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP; Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp được thực hiện theo quy định tại Khoản 6 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP; Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động có những tháng lẻ chưa giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP; Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trong các trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP.

Việc làm