1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thanh Hoá:

Kiếm trăm triệu đồng từ dưa kim hoàng hậu, hoa ly nhờ... câu nói của chị gái

(Dân trí) - Mới học hết phổ thông, chưa qua trường lớp nào, nhưng anh Nguyễn Văn Trung vẫn quyết tâm dấn thân vào làm nông nghiệp công nghệ cao cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm trên chính mảnh đất quê hương.

Không qua trường lớp, nam thanh niên vẫn kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Đó là trường hợp của anh Nguyễn Văn Trung (SN 1991), ở thôn 7, xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Ấn tượng đầu tiên là chàng thanh niên có dáng người đậm, nước da ngăm đen, trông già hơn nhiều so với tuổi của mình.

Nhìn những dãy nhà kính được đầu tư hiện đại, không ai nghĩ rằng chủ nhân của mô hình đó là chàng thanh niên không qua trường lớp chuyên môn nào mà mới chỉ tốt nghiệp THPT.

Kiếm trăm triệu đồng từ dưa kim hoàng hậu, hoa ly nhờ... câu nói của chị gái - 1
Mô hình trang trại theo hướng nông nghiệp công nghệ cao của chàng thanh niên Nguyễn Văn Trung.

Năm 2009, sau khi học hết THPT, anh Trung không thi đại học mà đi làm để kiếm tiền nuôi sống bản thân. Vì muốn có công việc ổn định, anh Trung theo học Trung cấp nghề rồi ra làm việc tại Ga Thanh Hóa từ năm 2011.

Tuy nhiên, năm 2013 vì đồng lương ít ỏi, không đủ sống nên anh Trung lại bỏ việc đi làm ngoài.

Sau nhiều năm bôn ba với nhiều nghề khác nhau nhưng thu nhập không ổn định, năm 2015, anh Trung quyết định về quê làm nông nghiệp với mô hình trồng cây ăn quả.

Kiếm trăm triệu đồng từ dưa kim hoàng hậu, hoa ly nhờ... câu nói của chị gái - 2
Hiện anh Trung đã có 5.400m2 nhà kính.

Dù chưa qua trường lớp, nhưng với quyết tâm và được sự hỗ trợ của chị gái là kỹ sư nông nghiệp nên vợ chồng anh Trung đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư làm nhà kính.

“Chị gái làm ở nhà máy, thấy tôi chưa có việc làm ổn định nên hỏi cậu có làm vườn không. Tôi nghĩ, đi làm ngoài công việc không ổn định mà thu nhập thấp. Trong khi đó, ở quê đất đai có nên tôi quyết định về làm vườn. Ban đầu, những kiến thức về chăm sóc và làm vườn đều do chị gái dạy cho cả”, anh Trung chia sẻ.

Kiếm trăm triệu đồng từ dưa kim hoàng hậu, hoa ly nhờ... câu nói của chị gái - 3
Những kỹ thuật trồng và chăm sóc dưa anh học từ người chị gái của mình.

Với suy nghĩ, cây dưa kim hoàng hậu là cây cho giá trị kinh tế cao nên anh quyết định tập trung vào loại cây trồng này. Thời gian đầu, anh Trung gặp khó khăn về vốn. Hơn nữa, do chưa nắm chắc kỹ thuật, quả dưa làm ra chưa được ngon như mong muốn. Thậm chí, có những vụ cây bị bệnh phải nhổ bỏ đi nửa vườn.

Không chán nản, anh Trung vẫn luôn đặt niềm tin vào mô hình của mình. Đến nay, sau nhiều năm phát triển, mở rộng, anh Trung đã đầu tư được 5.400 m2 nhà kính với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng.

Kiếm trăm triệu đồng từ dưa kim hoàng hậu, hoa ly nhờ... câu nói của chị gái - 4
Kiếm trăm triệu đồng từ dưa kim hoàng hậu, hoa ly nhờ... câu nói của chị gái - 5
Thường mỗi vụ anh xuống giống hơn 11.000 gốc.

Mỗi vụ, anh xuống giống khoảng hơn 11.000 gốc dưa kim hoàng hậu. Thời gian cây sinh trưởng, cho sản phẩm khoảng từ 75 - 85 ngày, mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 20 tấn quả, bán ra khoảng hơn 600 triệu đồng, trừ chi phí còn khoảng 400 triệu đồng.

Ban đầu, anh cũng lo đầu ra cho sản phẩm, nhưng đến nay, dưa làm ra được tiêu thụ qua một đơn vị trung gian và nhập cho một số cửa hàng hoa quả sạch...

Mỗi năm, anh Trung thường trồng hai vụ dưa, vụ còn lại trồng cà chua, dưa chuột hoặc các loại hoa phục vụ Tết như hoa cúc và hoa ly. Các loại cây trồng khác cho thu nhập khoảng 25 triệu đồng/sào.

Kiếm trăm triệu đồng từ dưa kim hoàng hậu, hoa ly nhờ... câu nói của chị gái - 6
Dù chưa qua trường lớp chuyên môn nào, nhưng anh Trung đã thành công bước đầu với mô hình của mình.

Không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao cho bản thân, gia đình, mô hình của anh Trung còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 lao động là người dân địa phương với mức thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Những lao động thường xuyên có công việc ổn định, mức thu nhập phù hợp với sức lao động nông thôn. Hầu hết người lao động làm việc tại mô hình của anh Trung là những người ở quanh xã. Công việc chủ yếu của lao động là đánh ống, nhổ cỏ, tưới phân, đánh chét, thụ phấn, định quả cho cây.

Chị Nguyễn Thị Trang, một trong những lao động thường xuyên tại đây chia sẻ: “Tuy làm nông, nhưng công việc cũng không nặng nhọc lắm. Hơn nữa, làm ở tại địa phương nên quãng đường gần, không mất nhiều chi phí đi lại, tiền tiết kiệm dôi dư hơn là đi làm ở các khu công nghiệp phải chi phí nhiều”.

Kiếm trăm triệu đồng từ dưa kim hoàng hậu, hoa ly nhờ... câu nói của chị gái - 7
Kiếm trăm triệu đồng từ dưa kim hoàng hậu, hoa ly nhờ... câu nói của chị gái - 8
Mô hình của anh Trung còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương.

Bên cạnh những lao động thường xuyên, tùy vào thời vụ, mô hình của anh Trung còn thu hút thêm một số lao động làm việc thời vụ như lau chùi nhà kính, chở đất, trộn đất trồng và đóng bầu...với thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày.

Theo anh Trung, quy trình trồng và chăm sóc dưa cũng khá đơn giản, đất trộn với trấu và phân hữu cơ ủ hoai..., nước tưới nhỏ giọt qua hệ thống lọc. Thời gian tới, anh Trung mong muốn mở rộng thêm diện tích nhưng còn gặp khó khăn về quỹ đất.

Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, Bí thư Đoàn xã Xuân Châu chia sẻ: Mặc dù không học qua trường lớp nào, đã từng làm nhiều công việc nhưng thu nhập không ổn định. Anh Trung đã học hỏi thông qua chị gái để làm giàu cho bản thân, gia đình và địa phương.

Kiếm trăm triệu đồng từ dưa kim hoàng hậu, hoa ly nhờ... câu nói của chị gái - 9
Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, Bí thư Đoàn xã Xuân Châu mong muốn nhân rộng thêm mô hình phát triển kinh tế cho đoàn viên thanh niên địa phương.

Cũng theo chị Huyền, trên địa bàn xã Xuân Châu hiện có khoảng 5 mô hình trồng trọt, nhưng quy mô còn nhỏ, việc tiếp cận vay vốn còn hạn chế. Mô hình của anh Trung là điển hình nhất của địa phương, không chỉ cho thu nhập cao mà còn tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động thường xuyên và lao động thời vụ tại địa phương.

“Chúng tôi cũng đã đưa các đoàn viên, thanh niên trong xã đến học tập để phát triển mô hình. Tuy nhiên, do khó khăn về vốn, việc tiếp cận với khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Chúng tôi mong muốn các đoàn viên, thanh niên học hỏi, vận dụng vào điều kiện cụ thể của mình để phát triển kinh tế cho bản thân và gia đình...”, chị Huyền cho biết thêm.

Duy Tuyên