Thanh Hóa:
Kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ tráng bánh đa nem phục vụ Tết
(Dân trí) - Nghề bánh đa nem được làm quanh năm nhưng chỉ 3 tháng cuối năm, người làng nghề mới tất bật với nhiều đơn hàng phục vụ cho Tết. Mỗi gia đình, trung bình có thể thu nhập 1-1,5 triệu đồng/ngày.
Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng Chạp, những gia đình ở làng nghề bánh đa nem Tân Châu (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) lại ăn ngủ cùng với nghề để kịp đơn hàng phục vụ cho Tết. Gia đình nào cũng chạy đua với thời gian. Những lò tráng bánh ngày đêm hoạt động hết công suất để làm được thật nhiều sản phẩm phục vụ thị trường Tết nguyên đán.
Về Tân Châu những ngày này, khắp các đường ngõ đều được tận dụng phơi bánh.
Ngay từ tháng 9 âm lịch, các gia đình đã phải chuẩn bị sẵn nguyên vật liệu, trành phơi, thêm nhân công để tăng sản lượng cho kịp các đơn hàng được đặt trước.
Là một trong những gia đình có truyền thống làm bánh đa nem lâu đời ở Tân Châu, những ngày giáp Tết, gia đình ông Lê Văn Hạnh (làng Đắc Châu 1) lại huy động toàn bộ nhân công làm ngày làm đêm để kịp trả đơn cho các thương lái.
Ông Hạnh cho biết, gia đình ông có 4 lao động chính, trong đó, vợ chồng ông đảm nhiệm khâu tráng bánh, còn con trai, con dâu phụ trách khâu phơi bánh, thu bánh và đóng gói.
Tuy nhiên, 3 tháng cuối năm, đơn hàng nhiều nên gia đình phải thuê thêm 3 nhân công để giúp cho khâu đóng gói sản phẩm. Mặc dù làm ngày, làm đêm nhưng bánh ra đến đâu là hết đến đó. Năm nào cũng vậy, cứ sát Tết, tình trạng "cháy" hàng xảy ra thường xuyên.
Theo ông Hạnh, dù đơn hàng có nhiều, bà con cũng không bao giờ chạy theo số lượng mà dẫn đến làm ẩu, ra những loạt bánh kém chất lượng, ảnh hưởng đến uy tín cũng như niềm tin của khách hàng mà khả năng làm được đến đâu mới dám nhận đến đó. Mỗi ngày, gia đình ông cũng chỉ có thể làm ra từ 2.000-2.500 chiếc bánh đa nem, bỏ túi hơn 1 triệu đồng/ngày.
Với hơn 40 năm kinh nghiệm trong nghề, bà Phùng Thị Lan (ở thôn Đắc Châu 1), cho biết, mỗi ngày, gia đình sản xuất khoảng 3.000 bánh, bán với giá 50.000 đồng/100 bánh. Hiện, gia đình đã kết nối được với những điểm thu mua bánh đa nem tại nhiều địa phương trong tỉnh nên hàng làm đến đâu là tiêu thụ hết đến đó.
"Ở đây, năm nào Tết cũng như đến trước cả tháng, nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm để làm hàng. Vào dịp giáp Tết cổ truyền đơn hàng nhiều hơn nên đòi hỏi các hộ dân làm nghề phải khẩn trương sản xuất để có đủ bánh đa nem phục vụ nhu cầu thị trường", bà Lan nói.
Cũng theo bà Lan bánh đa nem được làm duy nhất bởi nguyên liệu gạo Q5. Gạo được ngâm vài tiếng, sau đó để ráo rồi mới xay thành bột nước. Để chiếc bánh đa nem tròn, mỏng, đẹp, đều tăm tắp đòi hỏi người thợ tráng bánh có kinh nghiệm và sự khéo léo. Ngoài ra, lượng bột vừa đủ, tay tráng phải nhanh và đều thì mới đảm bảo chất lượng cho từng sản phẩm.
Bánh sau khi tráng được phơi ngoài nắng từ 30 phút đến 1 giờ. Vào những ngày nắng, bánh sẽ nhanh khô và thơm hơn. Công việc này tuy không quá nặng nhọc nhưng chiếm rất nhiều thời gian của người làm nghề.
Bánh đa nem ngày thường có giá 35.000 - 40.000 đồng/100 cái, vào các tháng giáp Tết, giá cao hơn một chút, 50.000 đồng/100 cái. Trung bình mỗi ngày, các gia đình cũng kiếm được từ 1-1,5 triệu đồng tiền bán bánh.
Theo bà Lan, trước kia, người dân trong xã làm bánh đa nem tráng bánh bằng bếp củi, xay bột bằng tay nên hiệu quả không cao. Mấy năm gần đây, người dân đã chủ động đầu tư máy nghiền bột, bếp tráng điện nên năng suất cao hơn nhiều, thu nhập từ nghề làm bánh đa nem vì thế cũng được tăng lên.
Được biết, hiện làng nghề Đắc Châu có hơn 200 hộ sản xuất bánh đa, bánh đa nem. Nghề này không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động ở địa phương, giúp đời sống của người dân ngày càng được cải thiện đáng kể.