Nghệ An:
Kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ nghề cào "lộc biển"
(Dân trí) - Cào vẹm là một nghề truyền thống của những người dân sống ven biển ở xã Diễn Hùng, Diễn Bích (huyện Diễn Châu, Nghệ An). Mặc dù là nghề vất vả nhưng đã mang lại cho họ một khoản thu nhập ổn định.
Nhiều năm qua, ngoài những hộ dân mưu sinh chính bằng nghề đi biển, nuôi trồng thủy sản… thì nghề cào vẹm được xem là nghề truyền thống của người dân nơi đây.
Theo người dân địa phương, dọc ven vùng biển huyện Diễn Châu số lượng vẹm sinh sống rất nhiều. Đây là công việc đòi hỏi phải có sức lực dẻo dai, chịu được cái lạnh khi phải ngâm mình dưới nước, chịu được sức nắng của những buổi trưa mùa hè.
Nơi có độ nước sâu, người dân chuẩn bị một chiếc bè nhỏ để bỏ các dụng cụ cần thiết như: Kính lặn, liềm, thắt lưng làm bằng chì… còn đối với những người bắt gần bờ thì chỉ cần một chiếc liềm để cào và dụng cụ để bỏ vẹm.
Sau khi vẹm được cào dưới biển lên, sẽ tiếp tục được sàng lọc cho sạch đất, sỏi và rong rêu. Công đoạn này tưởng đơn giản nhưng tốn khá nhiều thời gian và công sức do lượng bùn, rác bám trên vẹm nhiều. Khi vẹm đã sạch, sẽ được trút vào những chiếc bao tải, đưa vào bờ bán cho thương lái.
Bà Nguyễn Thị Lưu (SN 1960, xã Diễn Hùng, Diễn Châu) đã đi cào hến từ lúc mới 15 tuổi tới nay. Nhiều năm qua, hai mẹ con bà Lưu sắm một chiếc bè nhỏ để mưu sinh bằng nghề cào vẹm dọc vùng biển huyện Diễn Châu. Hôm nào thuận lợi, 2 mẹ con cào được 1 tấn, với giá hiện tại từ 1.800 -2.000 đồng/kg, mỗi ngày kiếm được 1,5-2 triệu đồng.
"Cái nghề nhọc nhằn bởi mùa lạnh thì vẫn phải ngụp lặn dưới nước, mùa nắng thì hơi nóng của nước phả lên rát mặt nhưng thu nhập thì bấp bênh. Dù vậy, những người lao động như chúng tôi vẫn phải bám lấy nghề để sống", bà Nguyễn Thị Lưu cho biết thêm.
Theo bà Lưu, một ngày bắt đầu công việc từ 5h cho đến 17h, đó là thời gian nước rút hoặc cầm chừng nên thích hợp cho việc cào vẹm, còn khi nước lên thì mới cho bè về.
Mùa cào vẹm thường diễn ra 7 tháng trong năm (từ tháng 4 đến tháng 10). Những tháng còn lại trong năm thường gặp thời tiết mưa, lạnh nước biển dâng thì người dân lại chuyển sang bắt hến, ngao...
"Bây giờ nghề cào vẹm bằng hình thức dùng máy sẽ vi phạm pháp luật nên vợ chồng tôi chỉ làm bằng tay. Trung bình 2 vợ chồng cào 1 ngày được 1 tấn vẹm sẽ thu về được 2 triệu đồng", chị Nguyễn Thị Bảy (xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu), cho biết.
Những người làm nghề cào vẹm dường như không có thời gian nghỉ ngơi, mọi sinh hoạt như: Ăn cơm, uống nước … đều diễn ra trên bè, bãi biển. Mặc dù vất vả, khó nhọc nhưng nghề cào vẹm đã mang lại một nguồn thu nhập rất đáng kể cho người dân nơi đây.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Thế Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Diễn Châu (Nghệ An), cho biết: "Đây là một nghề truyền thống của những người dân sống ven biển. Nghề cào vẹm là nghề vất vả nhưng đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Phía chính quyền rất khuyến khích người dân tận dụng nguồn hải sản này bằng cách cào tay, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như thế này".
Một số hình ảnh về nghề cào vẹm được PV ghi lại:
Vẹm là một dạng động vật hai mảnh vỏ sống ở các hồ nước ngọt, suối, nhánh sông, những vùng nước mặn, thủy triều lên xuống bên bờ biển. Vẹm có nhiều đặc tính tương tự như nghêu, loài được dùng rộng rãi để làm thực phẩm.
Thức ăn chính của vẹm là sinh vật phù du, những sinh vật một tế bào rất nhỏ trôi nổi trong nước mặn hoặc nước ngọt. Cũng như các loài động vật có vỏ khác, vẹm ăn bằng cách lọc nước, hút nước và chất dinh dưỡng vào.