Kiếm tiền trên YouTube - dễ mà khó

Hiểu đơn giản thì phim chiếu trên YouTube càng nhiều lượt xem thì càng có nhiều tiền, nhưng thực tế không đơn giản như vậy.

Việc chia tiền còn phụ thuộc rất nhiều vào quảng cáo, quốc gia và các tương tác khác, mà đôi khi phim có nhiều người xem vẫn ít tiền, thậm chí còn không có tiền.
 
Một kênh YouTube đủ điều kiện bật tính năng kiếm tiền phải có ít nhất 4.000 giờ xem trong 12 tháng gần nhất, 1.000 người đăng ký (subscribe), đạt 10.000 lượt xem (view) thật, đã liên kết tài khoản với AdSense.
 
Công thức đơn giản, áp dụng phức tạp
 
Chuyên gia Johnny Võ của YAN cho biết các phim nhiều tập thường có ưu thế hơn trong việc kiếm tiền.
 
"Thường thì phải trên 8 phút mỗi tập thì sẽ dễ cài đặt quảng cáo hơn và doanh thu mới tốt. Mỗi tập hơn 8 phút thì doanh thu thường được tính như sau: Doanh thu bằng lượt xem chia (:) cho 1.000, rồi nhân (x) cho 0,07 USD. Ví dụ một tập phim có 10 triệu lượt xem, không vi phạm điều gì, thì YouTube sẽ chia như sau: 10.000.000 : 1.000 x 0,07 = 700 USD. Nhưng phim để có lượt xem cỡ này thì kinh phí đầu tư sẽ cao lắm, thu về 700 USD chẳng ăn thua gì, nên phải cần thêm quảng cáo gián tiếp và trực tiếp. Cũng cần lưu ý là doanh thu trên YouTube sẽ lai rai trong nhiều năm" - Johnny Võ phân tích.
Kiếm tiền trên YouTube - dễ mà khó - 1
Cảnh trong phim "Anh xe ôm và cô gái điếm" (tập 1) với hơn 80 triệu view, chia được khoảng 250 triệu đồng từ YouTube
Còn chị Tú Phượng (Giám đốc điều hành METUB) thì cho biết: "Nhìn chung, khi chiếu phim trên YouTube, phim dài tập hay phim lẻ, về bản chất, thì cách kiếm tiền không khác nhau. Tuy nhiên với phim định dạng dài thì cứ mỗi 8 phút sẽ được đặt một quảng cáo xen kẽ. Do đó, loại hình phim này sẽ hiển thị quảng cáo nhiều hơn.
 
Đối với một số chương trình có nội dung nổi bật, người sản xuất có thể mời gọi sự tham gia độc quyền của một thương hiệu nào đó (CPM) cho mỗi một ngàn lượt xem quảng cáo. Điều này sẽ giúp có doanh thu cao hơn, do chủ sở hữu nội dung tự đặt giá và bán trực tiếp cho nhà quảng cáo. Vì vậy mà, có phim ít lượt xem nhưng lại nhận được nhiều tiền từ nền tảng là vì vậy. Cũng có phim nhiều lượt xem nhưng ít tiền quảng cáo do nội dung hạn chế người xem, hoặc mang tính bạo lực, bôi xấu, không thân thiện với các nhà quảng cáo".
 
Chị Tú Phượng phân tích cụ thể: "Nếu có thêm CPM, một triệu lượt xem ở Việt Nam có thể đem về cho nhà phát hành khoảng 700 đến 1.500 USD, do CPM ở Việt Nam trung bình khoảng 1,3 USD cho 1.000 lượt xem quảng cáo, trong khi ở Mỹ trung bình CPM là 7 USD. Do đó, doanh thu cho chủ sở hữu nội dung từ thị trường Mỹ có thể gấp 5-6 lần thị trường Việt Nam. Một số nước châu Âu như Na Uy có CPM cao tới 12 USD. Số tiền này có được sau khi YouTube đã lấy 45% doanh thu - áp dụng cho mọi thị trường và khu vực trên toàn cầu".
 
Diễn viên Kinh Quốc cho biết với đầu tư chừng 80 triệu đồng, tập 1 phim Anh xe ôm và cô gái điếm có hơn 80 triệu lượt xem, đã mang về cho kênh của anh gần 250 triệu đồng từ ăn chia với YouTube.
 
"Công thức ăn chia của YouTube khá đơn giản, sòng phẳng, nhưng việc áp dụng khá phức tạp, tôi có một tập phim đang có lượt xem rất tốt, tự dưng mấy khúc nhạc nền bị vi phạm bản quyền, YouTube liền khóa nút kiếm tiền, thành ra công cốc. Cho nên để an toàn, các nhà sản xuất phải làm nhiều tập, phải kiếm được đầu tư và quảng cáo, như vậy mới cân đối tập này với tập kia" - Kinh Quốc nói.
 
Tuân thủ các nguyên tắc cộng đồng là tiên quyết
 
Việt Hương, Minh Hằng, Kinh Quốc… đều cho biết YouTube ngày càng nghiêm ngặt về các nguyên tắc cộng đồng, nếu vi phạm thì bị dán nhãn cảnh báo, vô hiệu hóa kiếm tiền, vô hiệu hóa kênh, xóa kênh là điều thường thấy.
 
Tập 3 Kẻ săn tin của kênh Minh Hằng từng bị buộc gỡ bỏ do YouTube gắn mác bạo lực, ê-kíp phải chỉnh sửa để phát lại, gần như mất hết cơ hội kiếm tiền. Minh Hằng nói rằng đây là một bài học về sản xuất cho ê-kíp, để sau này nếu phim có các cảnh hành động nguy hiểm thì mình phải chủ động dán nhãn trước, để YouTube biết và phân luồng tương tác với người xem.
Kiếm tiền trên YouTube - dễ mà khó - 2
Một cảnh trong phim "Kẻ săn tin"
Nhà sản xuất Minh Dofilm khẳng định lối suy nghĩ rằng phim trên YouTube "muốn làm gì thì làm" đã qua rồi. Nếu nghiên cứu kỹ nguyên tắc cộng đồng của YouTube, sẽ thấy rằng để chơi chuyên nghiệp, kiếm được tiền, không bị phạt, là không hề đơn giản.
 
"Tôi cho rằng YouTube cũng giống như K+, Netflix và nhiều nền tảng khác, nó mang đến thêm một công cụ cho giới làm nghề, một phương tiện giải trí cho khán giả, chẳng có gì mâu thuẫn cả. Người làm nghề và khán giả có nhiều công cụ, phương tiện để chọn lựa vẫn tốt hơn, vấn đề còn lại là làm như thế nào cho chuyên nghiệp, hiệu quả thì phụ thuộc vào năng lực riêng" - Minh Dofilm nói.
 
Kinh Quốc thì chia sẻ: "Chỉ mấy năm trước thôi, đa số còn có suy nghĩ cứ làm bỏ đại lên YouTube, bây giờ thì đã khác, vì làm đại chỉ tổ tốn tiền, tốn sức. Tuân thủ các nguyên tắc cộng đồng là tiên quyết, nên trước khi làm cần nghiên cứu rất kỹ luật của YouTube, như vậy mới mong hiệu quả".