1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Sự cố part time mùa hè

Kì 1: Những tai nạn nghề nghiệp “sởn gai ốc”

Đi làm gia sư, gặp phải một “cô” học sinh chỉ thích ăn mặc hở hang; mang tiếng đi làm tổ chức sự kiện mà tới nơi bị ép mặc một bộ đồ hai mảnh đứng trước một quán nhậu nhếch nhác...

“Cộng tác viên tổ chức sự kiện” - lương cao, môi trường làm việc tốt và…

 

Mùa hè này quả thật là thời gian “phát tài” của Minh (20 tuổi, ĐN), bạn bè đồn: “Nó đi làm cộng tác viên tổ chức sự kiện cho công ty X, rồi viết bài PR cho công ty Y, tùm lum nơi hà, toàn hốt tiền triệu thôi”  làm nhiều người phải xôn xao nể Minh. Thế nhưng, đến khi gặp trực tiếp thân chủ, anh bạn mới kể khổ: “Mang tiếng làm nhiều nơi, việc nhiều, nhưng cực lắm, trả lương không xứng đáng, hơn hết, biết mình nhỏ nên bị nhiều người ức hiếp lắm!”

 

Đầu tiên Minh đầu quân về công ty X, tổ chức các hội chợ triễn lãm. Mới đầu vào làm được mô tả công việc là: phụ tổ chức sân khấu ánh sáng, làm từ 18h đến 21h, lương 3 tiếng mỗi ngày là 150k! Ham quá, anh chàng đăng ký ngay. Đến khi vào làm thì hỡi ôi, bắt đầu chương trình đúng là 6h chiều, nhưng từ 5h sáng anh bạn đã bị fone dậy bắt tới nơi khuân đồ, ghép phông nền, lắp âm thanh ánh sáng đến vã mồ hồi. Chưa kể, làm đến trưa mà các nhân viên công ty lại có cơm trưa, còn anh bạn phải…chạy về nhà ăn để chiều “có sức giúp tụi anh tiếp” – sếp của công ty nhắn với bạn.

 

Chưa hết, 9h tối chương trình kết thúc nhưng bạn phải ở lại thu dọn sân khấu, quét dọn các thứ. Minh tâm sự “Ức lắm, nhưng 20 tuổi rồi, ở nhà hoài muốn đi đâu lại phải xin tiền mẹ hoài mình ngại lắm”.

 

Trường hợp của Văn Trà (18 tuổi) còn tệ hơn, năm nay mới thi xong cao đẳng, Trà tranh thủ xin vào làm PG cho công ty T. Công việc xem ra rất “kêu”: “Tư vấn sản phẩm và phát phần thưởng cho khách hàng tại hội chợ” với mức giá 6 tiếng là 200k, được bồi dưỡng tiền xăng xe, tiền ăn 2 bữa..v.v Sướng quá, cô bạn đăng ký ngay mà không cần quan tâm mặt hàng mình làm PG là gì.

 

Đến ngày tổ chức chương trình, Trà há hốc miệng khi bị chị nhân viên bia bắt mặc một bộ đồ...hai mảnh, và phải đứng ngay trước một quán nhậu nhếch nhác. Vừa tủi thân, vừa xấu hổ, cô bạn phải đứng suốt 6 tiếng đồng hồ ngay quán nhậu, chịu bao lời bỡn cợt của mấy kẻ say rượu đến đổi giải thưởng trên chai bia. Chưa kể đến những kẻ cố tình đụng chạm. Trà làm đúng được một ngày rồi nghỉ luôn mặc dù mức lương khá hời.

 

...đến dạy thêm cho V.I.P

 

Đắc (19 tuổi) không tin nổi vào tai mình khi một ngày, cậu được giới thiệu dạy thêm một suất với mức giá 100k/1 buổi!! Quá sửng sốt, Đắc hỏi lại, còn được “bonus” thêm là dạy buổi nào tùy cậu xếp, một tháng là 12 buổi, nếu dạy tốt có thể thưởng thêm thành một triệu rưỡi. Yêu cầu là dạy giao tiếp cơ bản, việc này quá dễ với một anh chàng sinh viên ngoại ngữ, Đắc gật đầu đồng ý ngay tắp lự.
 
Tới ngày đi dạy, hăm hở bao nhiêu thì đến nơi, cậu thất vọng bấy nhiêu. “Học sinh” là một chị lớn tuổi rất nhiều. Đến nơi học lại ăn mặc rất hở hang. Lúc Đắc dạy lại hay lôi điện thoại nhắn tin, rồi chửi tục. Hết buổi dạy, Đắc hỏi người quen mới biết chị này “cặp” một anh đại gia nước ngoài. Giờ học tiếng Anh để chuẩn bị theo chồng đi...định cư. 
 
Đắc kể: “Đi dạy mà khổ nạn trần ai lắm. Lúc mình tới nhà thì bà ấy đang cho người mát xa, vừa học lại có người quỳ dưới mình nhún nhún khó chịu lắm. Có bữa mình tới đợi cả tiếng không thấy đâu, gọi điện mới biết bà ấy đang...đi karaoke.” Thái độ học tập của học viên quá tệ, nhưng vì tiền học cao, nên Đắc chép miệng ráng dạy cho đến ngày chị học viên đó cưới.

 

Trường hợp của Xuân Khải còn “bi” hơn. Khải học tiếng Anh rất giỏi nên được giới thiệu khá nhiều suất dạy, từ cấp 1, cấp 2, 3 đến những người đã  đi làm cần trau dồi tiếng Anh cũng tìm đến anh chàng này. Nhưng có một trường hợp làm Khải cạch đến già không bao giờ dám dạy nữa…

 

Lần đó, có một người add facebook Khải. Thấy cùng là dân Đà Nẵng nên bạn đồng ý. Rồi thấy trong profile anh chàng là học ngoại ngữ, dạy giao tiếp để “đi phỏng vấn visa”. “Lúc nhìn ảnh trong profile, mình thấy người đó quen lắm, ngờ ngợ không biết đã gặp đâu rồi. Đến khi đến nhà học trò, mới biết người đó là ca sĩ ở Đà Nẵng”, Khải kể.

 

Anh chàng nhờ Khải dạy năm nay hai mươi sáu tuổi, từng phỏng vấn visa bảy lần không đậu. Theo lời anh ta kể, vì nhà xa nên Khải phải tới nhà anh ta dạy. Mỗi buổi học là 150k. Số tiền đó quả là quá cao nên Khải đồng ý ngay.

 

Bữa đầu học, Khải không hiểu sao đang giảng bài nhưng “anh ca sĩ” này cứ nhìn chằm chằm bạn, rồi mỉm cười dịu dàng. Ngồi cạnh chỉ bài cho anh ta, Khải hay bị chân anh ta cà vào người. Anh bạn đỏ mặt xấu hổ, nhưng không dám nói gì vì nghĩ lỡ đâu người ta vô tình. 

 

Đến bữa thứ ba, lúc đang học, anh ta đặt cả tay lên đùi của Khải, thỏ thẻ: “Mình mến Khải lâu lắm rồi đó, mới nhìn hình Khải đã thấy mến rồi, nên mới lấy hết can đảm viện cớ học để được “thương” Khải thôi”. 

 

Kết quả thì không nói ai cũng biết. Anh bạn chạy về đến nhà mà vừa thở hổn hển, vừa tím tái mặt mày. Từ đó về sau, thấy Facebook nam add vào cậu không bao giờ dám accept, đi dạy mà học trò nam, Khải từ chối ngay. 

 

Đi làm thêm đồng nghĩa với việc bạn phải chấp nhận những rủi ro không thể tránh khỏi, nhưng quy tắc chung bạn cần phải nhớ khi chọn 1 công việc là:

 

- Tìm hiểu KỸ CÀNG loại hình công việc mình là gì?

 

- Xem rõ những điều kiện trong mức tiền lương, tốt nhất phải có một hợp đồng lao động để đảm báo.

 

- Xem đối tượng (công ty, người thuê) có đủ tin tưởng hay không

 

Kinh nghiệm làm thêm của nhiều bạn là người quen giới thiệu, xin việc ở các trung tâm giới thiệu việc làm có uy tín, và tốt hơn hết là làm cùng với người thân của bạn bè mình để tránh các trường hợp “nhạy cảm” có thể xảy ra.

 

Theo Minh Khương
Kênh14